Mới đêm qua còn hối hả những giây phút cuối cùng của tháng chạp – tháng củ mật của không ít người, tháng tạ lễ, tri ân với cả ba cõi, thế mà sớm nay, sau một đêm lạnh giá bất ngờ, tháng giêng đã ùa đến. Muốn hay không chúng ta vẫn chẳng thể khước từ mùa xuân.
Mùa xuân là khi sau một đợt rét dài của sương muối, những cây bàng héo lá, đồng loạt rơi rụng những chiếc lá xoăn vênh váo và sẫm màu. Cảm giác thích thú khi ngắm nhìn những cây bàng áo đỏ, đưa chổi quét đi những thảm lá đỏ vàng cuối đông mà cứ ngỡ đang thu, cảm giác đưa tiễn những diệp lục cuối cùng của sự sống vào vòng chuyển hóa luân hồi dường như bị thay thế. Lá xanh chưa kịp chuyển vàng và rực đỏ đã bị chết yểu ngay giữa thân cành.
Mùa đông giá rét là bạn của một số loài rau mùa lạnh. Như mọi năm, tháng chạp sẽ là cơ hội khoe xanh, khoe mỡ màng tươi trẻ nhất của xà lách, cải xanh, khoe độ ửng hồng căng mượt của những quả cà chua chín không kịp hái và tỷ lệ thuận với sự được mùa của rau là những mơ ước của người trồng vườn vào một tấm áo mới, những xấp tiền mới tinh được cất kỹ dành để mở hàng cho lũ trẻ xúng xính áo hoa… Giản dị thế thôi thế mà bao ước mơ lương thiện lại đặt cược cả vào mùa đông.
Lượn quanh chợ Tết để tìm dăm nải chuối bày mâm ngũ quả cũng chẳng dễ gì. Những nải tròn quả, già chuối, hy vọng sau mấy ngày ấm hương là chín vàng thì nhiều nhưng phần lớn đều bị điểm những mảng đen như những vết thâm nám trên da mặt của một phụ nữ đã quá độ xuân thì, dấm để ăn thì ngọt nhưng bày ra để nâng đỡ những thứ sang quý như phật thủ, cam Canh, nho Mỹ khó hài hòa. Những nải còn xanh, nguyên râu thì non nớt chưa tròn cạnh, khó ngồi chung với những quả bưởi già dặn uy nghi. Đặt chúng bên cạnh nhau chẳng khác gì lũ trẻ ranh ngồi mâm trên với các cụ. Tháng chạp củ mật vừa qua làm khó không chỉ với người trồng cấy, chăn nuôi mà khó luôn với cả mấy bà nội trợ. Trời mưa nhiều, miến dong không kịp khô. Khan hàng, tăng giá. Hoa đào năm nay cũng muộn dậy thì. Nhiều cây không kịp bén duyên, khoe sắc trước mùa xuân.
Mùa xuân vẫn đến đấy thôi. Rét mấy pháo hoa vẫn nổ giòn. Tết đến, nhà nào cũng có bánh chưng, lủng lẳng vài quả giò và tủ lạnh chất đầy đồ nhậu. Cái sự "ăn Tết” vẫn đầy ắp trong dân ta.
Hôm trước, đi chúc Tết, gặp một trò cũ, em hỏi: Năm nay ăn Tết to không cô? Hình như đây là câu xưa nay chúng ta thường hỏi nhau thì phải. Cả năm dồn vào cái Tết. ăn Tết to là nhiều bánh chưng, lợn các nhà kêu eng éc, gà quang quác bị hóa kiếp liên hồi từ mùa đông sang mùa xuân, là mâm cỗ đầy, là rượu lên men theo một chu kỳ khép kín từ nồi đến chai và tràn ra, hồng hào khuôn mặt.
Nghĩa của từ ăn Tết chắc phải hiểu khác hơn cái sự nâng rót là những gặp gỡ, đoàn viên. ăn Tết là cùng chia sẻ, kết nối những sợi dây tình cảm của dòng tộc để ngày thêm bền chặt. ăn Tết, hơn nhau ở không khí, tinh thần Tết do mỗi cá nhân, mỗi gia đình tạo nên. Có được không khí ấm cúng, tươi vui trong những ngày đầu xuân là chúng ta đang có Tết.
Cho nên cái câu mà ta hỏi nhau phải là "ăn Tết vui không”, "Tết này vui nhé”...
Mùa xuân về, ai cũng hào phóng với chính mình, từ trang phục đẹp nhất đến cái bắt tay chặt nhất và nụ cười rạng rỡ nhất. Mùa xuân là sự khởi đầu. Hãy bắt đầu những giây phút đầu tiên của một mùa xuân mới với tất cả sự hứng khởi. Hãy thu nhận nguồn sống dồi dào của năng lượng mùa xuân vào con người kỳ diệu của chúng ta các bạn nhé.
"Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày được trăm cái Tết
ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng có bốn mùa xuân”.