Chiều xuân nào, trên cánh đồng chuẩn bị cho mùa cấy mới, tiếng ca của ca sĩ Lâm Xuân vọng lên từ loa phóng thanh cuối xóm khiến mỗi người nhanh tay sớm hoàn tất công việc đồng áng để còn lo sắm sanh cho Tết. Bãi đất ven bờ suối, đám trẻ đang reo hò bóng đá nhưng không át đi được những câu ca thời nhạc nhẹ Sài Gòn tràn ngập ra Bắc. "Mùa xuân đến, đạp xe trên phố, tóc xõa vai mềm…”…
Cái thời, cả xóm, bản mới có 1-2 ti vi Sam Sung đen trắng thì việc thưởng thức các bài hát qua loa phóng thanh, qua Ra-đi-ôõ, qua đài catsset chạy băng là điều bình thường.
Tết này, trong một ngày hanh hao nắng, hoa đào, hoa mai nở bừng đón xuân càng khiến lòng người thêm rung động trước mỗi âm thanh, khúc ca dịu ngọt của xuân thì.
ông anh họ, từng một thời đóng quân ở biên giới phía Bắc, trong một phút không kìm được lòng mình thốt lên: Bây giờ, nghe lại bài "Gửi em ở cuối sông Hồng (thơ Dương Soái, nhạc: Thuận Yến) dù "bớt” đi sự rung cảm, nhưng cảm giác được nghe thời Thanh Hoa - Tiến Thành song ca trên đài tiếng nói Việt Nam tại Lũng Pô (nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt ở Lào Cai) quả thật, không từ nào diễn tả nổi. Tết xa nhà nên nhớ nhà nhưng không quá mềm lòng. Bài hát vang lên giữa một ngày xuân biên cương bỗng thấy lòng ấm áp, thiêng liêng hơn bất cứ thời điểm nào. Mỗi người chiến sĩ bỗng thấy mình vững vàng hơn, cứng cáp hơn trước mỗi thử thách. Nghe anh trải lòng càng thêm hiểu những năm tháng cha anh vượt Trường Sơn đánh giặc, không chùn lòng trước bom rơi, đạn nổ cũng vì đã có những bài ca xuân khơi gợi, thúc giục tiến bước. "Cùng hành quân giữa mùa xuân”, "Xuân chiến khu”… Thời cả nước nghiêng mình mỗi khi nghe đến các cụm từ "biên giới”, "điểm tựa”, "chiến hào”… mỗi mùa xuân nơi này đi vào bài hát, đi vào lòng người thật tự nhiên, nhẹ nhàng như vậy đấy.
Cũng dễ lý giải năm nào khi tốt nghiệp THPT, người bạn học cũ đã chép vào sổ các bạn nhập ngũ và ngồi bập bùng ghi -ta bên hiên nhà câu hát của "Mùa xuân gọi” của nhạc sĩ tài hoa Trần Tiến từng tạo "cơn sốt” một thời: Mẹ ơi sáng nay xuân về /Mẹ trông ra ngoài hiên nắng /Mẹ mong đứa con xa nhà / Rồi mùa xuân anh ấy sẽ về… Chính những bài ca một thời thanh niên sôi nổi, trong đó có những bài hát về mùa xuân, về tuổi trẻ đó đã ám ảnh và theo suốt anh sau này. Nhất là khi được phụ trách đội văn nghệ của xóm (trong đó, các thành viên là CCB, đoàn thanh niên, hội phụ nữ…), anh đã sưu tầm và tập cho đội những bài ca đi cùng năm tháng như: "Mùa xuân nho nhỏ”, "Mùa xuân đầu tiên”, "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”… Riêng ca khúc, "Gửi em ở cuối sông Hồng”, đội anh có hẳn 3 cặp song ca. Bất cứ hội diễn hay đêm giao lưu nào, anh đều có sẵn các tiết mục tủ. Anh chia sẻ rằng: Mình đã thuộc về những ca khúc đó rồi giờ muốn thay đổi "gu” thật khó. Vì những bài hát đó gắn với cả một thời trai trẻ. Tất nhiên, giờ các bạn trẻ có "gu” riêng để lựa chọn cho mình những ca khúc xuân mới… Đội vẫn có các bài hát mới.
Giờ thì karaoke, băng đĩa tràn ngập, thậm chí chẳng cần mua băng đĩa, cứ mở điện thoại cài 4 G là có thể thưởng thức bất cứ bài hát nào mà mình thích. Dẫu vậy, mỗi bài ca về mùa xuân được hát trong mỗi mùa xuân đều đem đến cho con người những rung cảm tuyệt vời.
Còn chị bạn hàng xóm lại cởi mở hơn với các thể loại âm nhạc, chị nghe cả nhạc xuân không lời lẫn nhạc có lời cả trong nước lẫn nước ngoài. Thi thoảng, đi qua khu nhà chị, trong các buổi chiều vẫn nghe các bản nhạc xuân không lời của Dương Thụ, Đặng Hữu Phúc, An Thuyên… Nhưng riêng với bài "Đi qua vùng cỏ non” (Trần Long ẩn) chị nói rằng: Chị không chỉ nghe mà còn hát vào những lúc tâm hồn dào dạt xuân nhất. Sau này, nghe chị kể mới thêm hiểu nguồn cơn của nỗi niềm đó. Thời sinh viên, người bạn trai của chị hát hay, đàn giỏi từng làm bao trái tim thiếu nữ thổn thức khi mỗi đêm thanh vắng cuối tuần lại ngồi đàn hát ở hành lang ký túc xá. Dịp đám sinh viên chờ về Tết, anh vừa đàn, vừa hát bài này khiến mỗi lời ca như "đóng đinh” vào ký ức mỗi người. "Đi qua vùng cỏ non /Ngỡ mùa xuân đang đến /Bâng khuâng chiều ba mươi /Tóc em xanh màu trời…”. Thế mà cũng có năm, vì điều kiện xa nhà, thời đó xe cộ không thuận, anh đã lặng lẽ ăn Tết tại khu ký túc xá. Vì lẽ đó, sau này ra trường, mỗi người mỗi ngả, chị đã chất trong lòng bao bài hát mà anh bạn từng hát, từng đàn. âm nhạc với chị có duyên cớ là vậy.
Vâng, ai cũng có cái lý của mình để thích hay không thích bài hát này, bản nhạc kia nhưng có điểm chung nhất đó là: bất cứ ai cũng đều có những rung cảm trước mùa xuân, trước những bài hát hay về cuộc sống, về tình yêu, tình bạn và mùa xuân. Bởi trong mỗi con người đều có sẵn những tố chất của người nghệ sĩ, luôn biết mở lòng trước mỗi thay đổi diệu kỳ của thiên nhiên, đất trời.
Bùi Huy