Tôi là dân tỉnh lẻ, kiếm cớ ở dịt trên thành phố, cuối năm cũng phải dẫn cái xác về quê. Sáng 30, mới bảnh mắt, bà chủ nhà trọ đưa mấy nhát chổi tre cùn trên cái sân xi măng sạch bóng, thế là chỉ còn nước cuốn gói.

Lên được xe mang biển tên quê mình cũng là cả một cuộc cạnh tranh gay gắt. Vận dụng cả sức vóc con gái mới chớm 30, mưu mẹo, thủ đoạn, cả cái mặt "già đanh” mà vẫn cố nhoẻn cười xưng "em” ngọt sớt với cậu phụ xe trẻ măng để được lên hàng ghế đầu. Đang định rút cái tai nghe cắm vào chiếc Iphone 6 nghe nhạc thì có bàn tay ai đập vào vai:

- Chị ơi! Chị chịu khó ngồi xích vào cho anh này ngồi với. Ngày Tết thông cảm cho em một tí.

- Tôi mua vé cả ghế mà đã phải ngồi chỗ bằng bàn tay làm sao mà xích thêm được nữa.

Thấy tôi cương quyết, cậu phụ xe dịu giọng:

- Chị nhìn người ta thế này thông cảm một tí, có cháu nhỏ…

Lúc này, tôi mới quay ra nhìn người đàn ông đang bế đưa bé chừng hơn 2 tuổi đang ngủ thiếp trên tay. Cái cách bế ấy biết ngay là kiểu bị vợ bỏ, nhìn vừa lóng ngóng, vừa ngượng ngùng. Nhưng kìa, cái khuôn mặt, đôi mắt, ánh mắt tôi dừng lại đó khá lâu mà không thốt lên được lời nào. Trời ơi, Phong! Sao lại gặp nhau ở hoàn cảnh này. Một gái già 30, một đứa con bế trên tay ngơ ngác trên chuyến xe. Hình như Phong không nhận ra tôi:

- Chị làm ơn cho tôi ngồi ké chút, lát cháu dậy tôi sẽ đứng bế cháu sau, giờ sợ xe lắc cháu thức giấc.

Lúc này, tôi phải cảm ơn cái kính đen thời trang mà con bạn bỏ quên. Nhờ nó mà tôi giấu được đôi mắt đang chực rớt ra hai giọt lệ. Tôi chỉ ậm ừ rồi đưa tay đón lấy đứa bé gái, Phong có vẻ chần chừ rồi đưa cho tôi, vô tình, tay tôi chạm vào cái ngón tay đeo nhẫn bị cụt một đốt của Phong. Cái nhẫn cưới nhỏ đang nằm chới với như sắp tuột. Có chút gì đó thoáng qua như luồng điện, tôi ôm đứa nhỏ vào lòng, có gì đó hờn ghen, tức tối đang cồn lên trong tôi, tôi hơi xiết chặt tay, làm nó ọ ẹ trở mình.

Ngày đó, chúng tôi chỉ dám nhìn nhau từ mấy dãy bàn. Trong lớp, đa phần là con em ở các làng công nhân ven thành phố, đứa nào khá có cái xe Thống Nhất cà tàng, còn không thì đi bộ, dép tổ ong như con trai, tà áo buộc túm, nói năng đốp chát. Chúng tôi học với nhau từ cấp I nên trai, gái chả phân biệt gì cứ tếu táo, lắm khi đi lao động còn nằm trên bãi cỏ túm tụm gác chân lên nhau. Vậy mà, từ ngày có Phong "công tử bột” đến lớp, cả bọn mất tự nhiên hẳn. Lũ con trai ra chơi là xúm vào một góc đứng bàn tán, đút tay túi quần, mắt gườm gườm như thể chưa kiếm được cớ gì để đánh Phong. Con gái hoặc giả vờ không quan tâm, mặt vênh vênh hoặc tranh thủ búi lại cái tóc, cắn quả táo chua cũng đến mươi phút chứ chả dám bỏ vào miệng nhai cái "dốp” rồi nhả hạt như xưa. Tôi thuộc dạng nhút nhát cũng chả thích làm dáng nhưng vô tình va chạm với "công tử bột” trước.

Sau hai tuần Phong đến, lớp tôi cắm trại chào mừng ngày nhà giáo 20/11. Màn sương thu len lỏi vào từng nóc trại. Chẳng biết đứa nào lén mang được ít rượu Mai Hạ đựng trong chai nước ngọt Coca Cola mà chỉ nhấp vài ngụm mà cả bọn đã thấy bừng bừng nhảy nhót tứ tung theo tiếng đài cát-xét chạy băng nhạc. Đang háo hức, bỗng dưng cái áo dài của tôi tuột bung cả một vùng ngực, cả lớp ngừng nhảy, cùng "ồ” lên. Cái Bích đã nhấc chân ra khỏi áo tôi nhưng một mảnh tà đã rách tươm. Tôi chậm lớn, cái áo may từ đầu lớp 10, vải rẻ tiền nhưng cha tôi phải kéo xe bò cả tháng mới may được, sau này cứ tiếc mãi.

Lúc ấy tôi chỉ biết ngượng chín mặt, bật khóc chạy đi, mặc cỏ sắc cào dưới chân trong tiếng cười vô ý của lũ bạn. Đúng lúc ấy, có một bóng người chạy theo, tôi càng chạy nhanh, người đó càng đuổi nhanh hơn, sợ như bị ma đuổi nhưng tôi quay lại, cái áo sơ mi trắng căng ra trước mặt tôi trong bóng đêm nơi ngõ vắng, cái ngón tay đeo nhẫn cụt một đốt nhăn nheo như xác chết. Tôi hét lên, suýt nữa ngất lịm, một khuôn mặt búng sữa ló ra, Phong đưa áo cho tôi mặc mà ngượng. Hai đứa chẳng biết nói gì nhưng từ hôm ấy thi thoảng lại lén nhìn nhau.

Ngày cuối cấp, những đứa có người yêu đều lượn xe cúp vè vè trước cổng trường. Tôi lạc lõng nhưng cũng không còn muốn chơi với nhóm bạn trai nữa, có cái gì đó rất lạ, như là tôi dành riêng cho Phong, một sự đơn độc đón đợi, vậy mà khi Phong đến ngồi gần, tôi lại lờ đi ra chỗ khác.

Ngày chúng tôi thi đại học, Phong về quê chịu tang bố. Lúc đó, tôi mới biết cậu ấy lên đây ở với chú, ngày đi học, chiều phụ chú đúc chậu cây cảnh, sáng dậy sớm giúp thím làm bún. Sẵn nước da trắng, khuôn mặt thư sinh, lại thêm những bộ quần áo bảnh bao (chú thím Phong sợ mang tiếng để cháu rách rưới) làm chúng tôi hiểu lầm về cậu ấy.

Xe chúng tôi chuyển bánh về xuôi, Phong ngồi sau chiếc xe Sim Sơn cũ của chú ngược lên phía dốc Cun, bóng cậu ấy cứ mờ dần với bọc quần áo, dáng thư sinh trong gương xe ô tô. Có những giọt nước mắt đang rơi nóng hổi mà Phong đâu có biết…

Sau này học xong rồi đi làm, tôi đã trải qua mấy mối tình. Có đám đã bỏ trầu, đám ra mắt. Có anh sĩ quan quân đội nhà gia thế, có anh nhà mặt phố tay đeo đầy vàng nhưng như có duyên âm, họ cứ lảng dần bởi cái tính ương ương khó chịu của tôi. Đám nào tôi cũng đòi ra ở riêng, không muốn nhận hỗ trợ từ nhà chồng tương lai, tôi muốn được tự lo, ghét những thằng đàn ông dựa dẫm. Cha mẹ nào chẳng thương con, đâm chả ai chịu đứa con dâu ương như thế. Qua Tết này, tôi "sang băm”, chắc các cụ xóm tôi lại đang đứng soi con Thanh "già” về Tết "mấy mình”.

Đứa bé ọ oẹ khóc, lần này nó tỉnh thật. Mở mắt nhìn thấy tôi, mắt nó ngơ ngác rồi khóc ré lên. Tôi ôm nó vào lòng nựng nhưng nó vùng vẫy giật cái kính tiền triệu của bạn tôi rơi xuống. Bình thường nếu là mấy đứa cháu ở nhà tôi đã phát cho mấy phát vào mông nhưng Phong đã nhào tới, ôm con ngồi xuống. Có bà hỏi:

- Bố con nhà chú về Tết mà tay xách nách mang thế, mẹ nó đâu?

- Mẹ cháu mất rồi bác ạ, mất trong lúc làm ca đêm về qua đường bị xe tải cán từ lúc cháu còn chưa cai sữa. Cháu về quê nội mà ngủ ngon lắm, không quấy bố đâu.

- Rõ khổ, gà trống nuôi con mà hỏi nóng tai chứ cô nhà ở tận đâu?

Mẹ cháu nhà ở trong miền Trung bà ạ. Hai bố con cháu đi tàu đêm vừa đến bến thì may bắt được xe đấy ạ.

- Sao hai bố con không về sớm? Ba mươi xe đông lắm! – Cậu phụ xe có vẻ ai ngại chen vào.

- Thì có định về đâu anh, đêm qua nhà điện ông nội cháu sắp mất, phải đón tàu đêm mới kịp.

Tôi như người rơi từ trên mây xuống. Sao lại thế, Phong của tôi chẳng về chịu tang bố từ buổi sáng mùa thu năm ấy cơ mà. Hay tôi nhầm nhưng đúng là cái ngón tay cụt kia nhăn nheo thì sai làm sao được. Có lần Phong chẳng kể với tôi là do đúc chậu cảnh nhiều bị xi măng ăn mòn đó sao? Còn khuôn mặt, nụ cười bẽn lẽn đó nữa chứ?

- Ngày còn học cấp III, cụ chỉ ốm nặng nhưng không muốn cháu đi thi đại học nên nhà giả vờ báo tin cụ mất để lôi con về. Lần này thì đi lúc gần sáng rồi ạ. Cũng tầm này năm ngoái mẹ cháu mất bà ạ.

Lúc này thì Phong đang ôm con ngồi xoay lưng lại với tôi trên ca-bô. Thêm một lần nữa chúng tôi lại ngược chiều nhau. Sao đời Phong trắc trở thế, lúc nào cũng như chuyến xe cuối năm muộn màng xuất bến.

Xe đã đến thị xã, nghĩa là đã qua cái xóm công nhân của tôi chừng 5 cây số mà tôi không hay. Phong bước xuống xe chờ chiếc xe bus đang đi tới để lại ngược dốc Cun. Cái gương chiếu hậu của xe lại phản chiếu, từng ấy năm, có một giọt nước mắt lại rơi. Phong ơi, chúng mình vẫn mãi là những đứa lẻ loi trong cái đêm văn nghệ năm ấy, đi mãi sắp hết tuổi thanh niên mà chưa tìm được hạnh phúc êm đềm. Nhưng không thể nào để lạc Phong một lần nữa. Tôi vùng chạy xuống xe lao theo Phong như một cơn gió, tay tôi chưa chạm vào vai Phong thì cậu ấy đã bước lên xe, đứa nhỏ nhìn tôi với ánh mắt ngơ ngác. Chiếc xe đang dần chuyển bánh, chẳng biết sao lúc ấy tôi hét lên trong tiếng động cơ:

- Dừng lại, định không cho tôi lên xe với chồng, con tôi à?.

 


Các tin khác


Vườn mẹ tháng chạp

(HBĐT) - Mỗi bận tháng chạp ghé thăm tôi lại nhớ tới vườn rau của mẹ. Nỗi nhớ bắt đầu từ những cơn gió bấc tràn về, ngồi trên căn gác trọ, tôi mường tượng mình đang ngồi trên ô tô, xe cứ băng qua cánh đồng làng rồi len vào đường cái, bóng của những chiếc nón trắng nhấp nhô trên một nền xanh ngăn ngắt. Mẹ đang cặm cụi bên những vuờn rau tháng chạp. Tim tôi đập thình thịch, hét thật to, gọi mẹ, mẹ đứng dậy nở một nụ cười hiền hậu.

Câu hát ngày mới

(HBĐT) - Đã có chút hanh hao tràn về. Chái nhà sàn, mấy cây mơ, cây mận đã chum chím nụ. Còn cuối vườn, những nụ đào phai đầu tiên đã xuất hiện. Ai cũng nao nao khi nghĩ về không khí những ngày tất bật cuối năm.

Màu tháng một

(HBĐT) - Đất đai cựa mình trong làn mưa bụi lây rây, tháng một bừng lên trong sắc xanh của những chồi, những nụ. Đi giữa đất trời tháng một ta như đang lạc vào miền cổ tích xanh thẳm, nơi đủ đầy tiếng chim ca, hoa thơm và vạn vật sinh sôi.

Đừng vì cái lợi trước mắt

(HBĐT) - Gần đến Tết, lực lượng quản lý thị trường liên tục bắt được những xe chở đồ tiêu dùng, đồ gia dụng, điện tử không có xuất xứ nguồn gốc, giấy tờ, hóa đơn.

Mùa đông trên vùng cao

(HBĐT) - Tiếng gà gáy sáng, phong cảnh núi rừng vẫn chìm trong sương mù đặc quánh, bầu trời trĩu nặng âm u, cảnh sắc trầm mặc yên tĩnh. Người bộ hành cách nhau vài mét đã không thấy rõ mặt. Sương phủ trắng núi rừng mịt mù, sương ùa vào nhà, quấn lấy người đi đường. Những chiếc xe tải, xe khách chở hàng đi chậm rãi như bò trên đường dốc quanh co, ngoằn ngoèo.

“Giàu xổi”

(HBĐT) - Xóm tôi có đủ các thành phần từ công, nông, trí, sĩ đều đoàn kết, thân thiện, chân thành giúp đỡ nhau khi cần. Ngày tôi mới chuyển về sống cũng có phần lạ lẫm bởi cuộc sống chẳng ai để ý đến ai. Đó là suy nghĩ của tôi bởi cuộc sống cứ êm đềm trôi. Rồi nhà chị H. đột nhiên xảy ra chuyện và khi đó tôi biết rằng tình làng, nghĩa xóm ở đâu cũng vậy, là sợi dây gắn kết con người với con người và sợi dây vô hình đó sẽ xuất hiện đúng thời điểm ta cần. Bởi vậy, ở đâu cũng có thứ tình cảm "bán anh em xa, mua láng giềng gần” để ta trân quý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục