Tản văn của Bùi Việt Phương
Mùa đông có những buổi trưa bâng khuâng, thương nhớ nào lòng. Trong se lạnh, một tiếng gà đâu đó vang lên xa vắng, như từ xưa cũ vọng về. Cứ vào độ này, khi giá lạnh, khô hanh đã đến từ lâu mà sự ấm áp, non tươi của sắc xuân chưa về, tưởng như những ban trưa cứ thế dài đằng đẵng…
Nhớ những trưa mùa đông mẹ tôi ngồi đan áo. Gọi là đan chứ thực chất là bà tận dụng lại những sợi len của những mùa trước, của những chiếc áo trước. Áo của chị, của anh tôi cứ hễ chiếc nào, sợi nào còn dùng được, mẹ tôi gỡ ra, cuộn lại rồi đan thành chiếc áo cho tôi. Ngày đó, trẻ em có manh áo ấm đến trường đã là hạnh phúc lắm rồi, chẳng ai đi so đo xem màu này có đẹp không, mẫu mã, kiểu dáng thế nào như tụi trẻ con bây giờ.
Tôi nhớ, mỗi trưa, mẹ tôi chỉ được nghỉ chừng hơn tiếng, trong tiết trời còn rét buốt ấy, bên bếp lửa, bà ngồi chắp nối từng sợi mà đan, từng sợi len gợi nhớ kí ức về những đứa con. Cuộc sống nghèo khó, những ban trưa càng tẻ nhạt, chỉ có mũi kim đã bóng nước mồ hôi tay của mẹ cứ lầm lũi xâu chuối tất cả tình thương yêu…
Một trưa, mẹ gọi tôi dậy, tôi phụng phịu. Áo mẹ đã đan xong, chằng chịt các màu khác nhau nhưng mẹ đan khéo và mặc khá ấm. Tôi nhận ra màu nào tự áo nào của chị, của anh, của cô út… những hơi ấm từ thời họ truyền lại cho tôi đến trường, đi theo mẹ ra chợ.
Từ bữa ấy, tôi thích nhất là trốn ngủ trưa để đi lên đồi cỏ. Phải gọi nơi đây là thảo nguyên mới đúng bởi khi đó chỉ thấy cỏ mọc miên man, xa tắp. Tôi chạy trên cỏ, cỏ đã khô hanh, cỏ găm đầy áo. Tôi về ngồi trước hiên nhà, gỡ mãi không hết cỏ, tôi bảo mẹ: "Con mặc áo này nóng hết người mẹ ạ”. Mẹ cười nhìn tôi: "Vì con chạy trên đồng cỏ chứ sao?”. Tôi đã nhận ra, hơi ấm đó từ niềm vui của mình, từ đó, những trưa mùa đông không còn giá lạnh, buồn tẻ nữa…
Rồi tôi lớn lên, mẹ mua cho tôi tấm áo len ở chợ để mặc đến trường. Mẹ lại đan áo vào những buổi trưa tôi xuống trường huyện để học. Giờ mẹ lại tận dụng những sợi len thừa từ áo tôi, áo đứa em tôi để đan chiếc áo cho mình. Giờ tôi mới nhận ra, bao năm qua mẹ đâu có chiếc áo len nào, những gì ấm áp nhất mẹ đã dành cho mấy anh em tôi.
Trưa nay mùa đông, nắng dã hửng lên, nắng đã nghiêng về sự ấm áp của mùa xuân. Tôi mua tặng mẹ chiếc áo len mới, mẹ cứ cầm mân mê không nỡ mặc. Người phụ nữ suốt một đời vì chồng, vì con chưa bao giờ dám mặc một chiếc áo mới ấy chính là hơi ấm của đời tôi. Có mẹ đan áo giữa trưa mùa đông giá lạnh nên những cánh én mới về trên cánh đồng, lộc ngoài vườn mới nhú lên và một mùa xuân mới đã về. Mùa xuân từ tay mẹ dệt nên ngàn hoa tươi khoe sắc trong chính tâm hồn mình.
Trưa nay, tôi cứ ngỡ lại thấy mẹ ngồi đan áo. Một buổi trưa bàng bạc không đủ lạnh để xa vắng, cũng không có nắng bừng lên để ấm áp. Chỉ có mẹ mới nhẫn nại để những ngày nhạt đó không thành vô nghĩa.
Một ngày, khi tụi trẻ đã bão hòa với những sản phẩm công nghiệp, chúng lại kháo nhau về cái gọi là đồ handmade (làm bằng tay), chúng lại kiếm ở đâu ra que đan, cuộn len, khung thêu… Những bàn tay vụng về, những nút len ngây ngô lỏng lẻo lại khiến gợi nhớ bàn tay thoăn thoắt, khéo léo của mẹ.
Ôi những trưa mùa đông bình lặng mà tha thiết thế…
Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
Ngày mai anh phải về Hà Nội dự gặp mặt kỷ niệm 40 năm ngày đi lao động tại Liên Xô (cũ). Háo hức, hồi hộp quá dù không phải lần đầu tham dự. Chọn những bộ quần áo đẹp cùng một số vật dụng cá nhân, anh quyết định: phải về Hà Nội ngay tối nay để có cơ hội hàn huyên, trò chuyện với các bạn ngày xưa.
Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
Sáng ra ở Tân Bình là cả một biển mây. Từ khi nước dâng lên đến lưng chừng núi thì mây cũng sà xuống biến nơi này thành chốn tiên cảnh như trong các bộ phim thần thoại. Nhiều phượt thủ đi cả nghìn cây số đến đây chỉ để check- in với cảnh sắc ấy.