Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…



Tiếng sáo hòa quyện lời ca bay trong gió đưa niềm hân hoan, niềm tin, tự hào về những người chiến sĩ từng kinh qua đạn lửa đến từng ngõ, từng nhà nơi xóm làng quê hương. Nhiều gia đình hàng xóm cũng đi ra ngõ để hướng về ngôi nhà tràn ngập âm thanh của chú. Chú từng là người lính đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng có mặt trong đoàn quân vượt Trường Sơn tiến về tiền phương giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau này, trở về cuộc sống đời thường, dù khó khăn gian khổ đến mấy chú đều vượt qua. Dù không còn trẻ, chú vẫn là thành viên đội văn nghệ thôn bản. Nhà chú có mấy người là thành viên của đội. Lạc quan thật...

"Anh vẫn hành quân”… 79 năm trường chinh, anh "Bộ đội Cụ Hồ” luôn là niềm cảm hứng cho bao thi nhân, nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia. Dù có thể là một bài hát cụ thể về "anh bộ đội” hoặc một bài hát về hậu phương, về người Mẹ Việt Nam, về quê hương đất nước… nhưng vẫn thấp thoáng đâu đó có hình bóng của người chiến sĩ. Hàng trăm bài hát, hàng ngàn bài hát về anh được hát suốt gần 80 năm qua; vang lên trong cuộc sống đời thường và trong các đêm văn nghệ của trường, lớp, thôn, bản...

Thật khó kể hết. Hình ảnh đẹp đó là những chiến công trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Anh hùng, kiên cường, nhân văn, chung thủy… thật đẹp làm sao những hình ảnh có sức khơi gợi lòng người. Ai mà chẳng có đôi chút kỷ niệm với ca khúc về người chiến sĩ? Một hội diễn năm nào, đám bạn cùng trường dàn dựng tiết mục "Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân; thầy giáo dạy môn Toán có giọng nam cao, hùng hồn với "Người chiến sĩ ấy” (Hoàng Vân) và bài "Lá đỏ” (nhạc Hoàng Hiệp, lời thơ Nguyễn Đình Thi). Còn tốp nữ khối 11, dàn dựng bài "Lá Xanh"  (nhạc Hoàng Việt), có cả hát bè, kết hợp lĩnh xướng khá ấn tượng. Điều đặc biệt, đêm lửa trại đó có sự tham gia của các đơn vị quân đội kết nghĩa với nhà trường. Màu xanh áo lính hòa quyện màu áo trắng học trò; lời ca về quê hương lồng vào các bài hát về người chiến sĩ nơi biên giới, nơi đảo xa cùng các tình khúc về người chiến sĩ.

Sau này, khi karaoke thịnh hành, người bạn từng có nhiều năm đóng quân ở biên giới Tây Nam hay chọn bài "Bài ca tạm biệt” (nhạc sĩ Thanh Trúc) và "Hát mãi khúc quân hành” (Diệp Minh Tuyền) để hát như những phút trải lòng. "Đời mình là một khúc quân hành/ Đời mình là bài ca chiến sĩ/ Ta ca vang triền miên qua tháng ngày/ Lượn bay trên núi rừng biên cương đến nơi đảo xa/ Mãi mãi lòng chúng ta/ Ca bài ca người lính”. Đôi khi, anh chọn một loạt các bài hát về người chiến sĩ và Trường Sơn. "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, "Bài ca Trường Sơn”, "Bước chân trên dải Trường Sơn”... Những cảm nhận về người chiến sĩ đi qua bao cuộc chiến tranh, anh dũng, kiên cường, quả cảm đó đã lan tỏa tới bao trái tim, khối óc con người; nuôi dưỡng tâm hồn, xây dựng niềm tin cho bao thế hệ trẻ, tác động để bao người "vẫn hành quân” trong trận chiến mới - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong ngày hôm nay…

Một kỳ niệm thật đặc biệt khi đứng dưới chân cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn) và một điểm cao ở Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên) của tỉnh Hà Giang được nghe những giai điệu "Chiều biên giới” (nhạc Trần Chung, lời thơ Lò Ngân Sủn), "Chiều dài biên giới”(nhạc và lời Trần Chung) và "Hát về anh” (nhạc và lời Thế Hiển) khiến lòng rưng rưng xúc động. Những năm tháng biên giới không bình yên, bao người lính đã kiên cường bám chốt, bám đá bảo vệ biên cương, bờ cõi. Rồi có lần được đến các đơn vị hải quân, nơi có các chiến sĩ trẻ chuẩn bị ra khơi, bỗng da diết một giọng ca cất lên bài "Nơi Đảo xa” (Thế Song)... Đời người lính với những bài ca đi cùng năm tháng đã có một đời sống mạnh mẽ trong cuộc sống thường ngày của bao người, để mỗi khi cất lên thấy hào hùng, gần gũi, thân thương như lời ru của đất mẹ anh hùng.



Bùi Huy

Các tin khác


Gà đồi

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Nước Nga trong anh

Ngày mai anh phải về Hà Nội dự gặp mặt kỷ niệm 40 năm ngày đi lao động tại Liên Xô (cũ). Háo hức, hồi hộp quá dù không phải lần đầu tham dự. Chọn những bộ quần áo đẹp cùng một số vật dụng cá nhân, anh quyết định: phải về Hà Nội ngay tối nay để có cơ hội hàn huyên, trò chuyện với các bạn ngày xưa.

Điểm trường xa vắng

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Sáng ra ở Tân Bình là cả một biển mây. Từ khi nước dâng lên đến lưng chừng núi thì mây cũng sà xuống biến nơi này thành chốn tiên cảnh như trong các bộ phim thần thoại. Nhiều phượt thủ đi cả nghìn cây số đến đây chỉ để check- in với cảnh sắc ấy.

Mây trắng ngang trời

Truyện ngắn Bùi Huy

Trăng chiều

(HBĐT)-Có lẽ trong mỗi chúng ta đều có một mục đồng bé nhỏ gắn với những kỉ niệm ở nông thôn. Đọng lại sau một ngày nắng nôi, mệt nhọc là buổi chiều mát rượi dưới trời xanh, mây trắng và nếu may mắn sẽ thấy trăng chiều.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục