Chiều đi học về, con bé Vân Hạ thì thầm vào tai chị: - Mẹ Vi ơi. Phía chân đồi ven suối kia vừa có người đến ở. Mà chú hàng xóm này nhìn kỳ kỳ thế nào ấy. Lúc nãy vừa có thêm một nhóm đến nữa…
Chị nhìn ra phía mé đồi, nơi ấy có chút quầng sáng, cùng tiếng sáo vi vu một giai điệu nhạc nhẹ. Rồi có tiếng người nói cười lao xao. Chị dọn về đây 5 năm, hàng xóm không nhiều, ngày ngày xuống chợ bán rau củ quả, chiều về chăm tưới vườn rau sát mép suối. Mỗi ngày, nhìn dòng suối hiền hòa chảy, chị thấy lòng dịu lại sau bao thăng trầm. Tình yêu nông nổi, bồng bột ban đầu với một người bạn cùng quê khiến chị phải chịu đựng nhiều điều tiếng thị phi. Do không vượt qua được chính mình, cùng quan điểm "môn đăng hộ đối” của gia đình, anh ta đã quay lưng đi bằng một chuyến vào Nam sinh sống cùng người bác cả. Chị cương quyết giữ lại cái thai, không hẳn vì tình yêu quá lớn của mối tình đầu, mà chính điều thiêng liêng của tình mẫu tử chảy dào dạt trong lòng. Chị có niềm tin rằng mình sẽ không gục ngã trước hoàn cảnh. Nhưng cũng nhiều đêm, ngồi bên dòng suối trước nhà, chị vẫn âm thầm rơi nước mắt… Bố mẹ ở xã bên cũng đã nguôi ngoai, dù không trực tiếp đến thăm, nhưng vẫn âm thầm cắt cử các em mang đồ đến cho mẹ con chị vượt qua gian khó ban đầu… Vậy mà đã 7 năm, con bé Vân Hạ đã vào lớp 2. Trưa nay, khi đang lao xe vào ngõ nhà, chị chạm mặt anh hàng xóm. To cao, đầu cắt cua, ria con kiến có vẻ bặm trợn, nhưng ánh mắt thì lại hiền lành.
Anh cất tiếng:
- Chào chị… Tôi đang định sang mượn cái xe cút kít nhà chị để chở ít phân. Hôm qua mang đồ lên mà quên mất dụng cụ này… Nay chị bán hết hàng không?
Câu hỏi có vẻ ân cần, nhưng chị cũng chỉ đáp cho phải phép. Khi 2 người vào nhà, bật điện, câu chuyện mới bớt vẻ xã giao ban đầu.
Lâu lắm ngôi nhà chị mới có hơi đàn ông. Bộ ấm trà được xúc rửa, chiếc điếu cày chị mua để chờ bố lên được thêm nước. Ồ, hóa ra anh hàng xóm này không "kỳ kỳ” như con gái nói. Có thể, con gái thấy hình xăm trên mu bàn tay anh ta, cùng mái tóc cắt cua nhìn có vẻ bướng bỉnh. Nhưng giọng nói thì ấm áp, tâm tư.
- Tôi định khai khẩn khu đất kia trồng ít hoa bán dịp Tết năm nay. Nhờ học hỏi nên có chút "lưng vốn” về kỹ thuật. Cũng may, ngay sát chân đồi có dòng suối, không lo thiếu nước…
Năng đi nên thêm thân. Con bé Vân Hạ đã quen dần chú Thi và không thấy "kỳ kỳ” như trước nữa. Có hôm nó còn được chú tặng một khóm hoa hồng để về trồng trước hiên nhà. Chú bảo: "Cháu chịu khó chăm tưới như chú hướng dẫn, Tết này, hoa hồng sẽ nở”… Khu vườn nhà hàng xóm đã mang lại cho khu dân cư ở mé đồi này nét mới. Ít ra là đông người hơn, rồi tiếng nói, tiếng cười của nhóm bạn anh đến cùng làm. Mùa hè, những ngày cuối thu, chớm mùa đông, chị cũng qua lại trò chuyện với nhóm "chú Thi”. Khi mang nải chuối, khi rổ khoai lang luộc, nhiều đêm đốt lửa sưởi nướng ngô, chuyện trò thâu đêm. Còn anh cũng hay sang giúp chị, khi đóng lại cái cán cuốc, cái bàn học mới cho Vân Hạ, dạy nó chơi đàn… Buổi sáng, buổi chiều, những tia nước tưới vườn hoa của chú Thi như những sắc cầu vồng bởi ánh nắng rực rỡ. Vào đợt thu vụ hoa đầu tiên, chị cũng hồ hởi vào vườn cùng mọi người cắt hoa, bó, đóng gói cho khách. Những bó hoa cúc đủ màu, hồng trắng, hồng đỏ…Nhiều vị khách cứ nhầm tưởng chị là "bà chủ” khiến chị ngượng lắm.
Hóa ra "chú Thi" cũng là người huyện bên. Nghe nói từng vào tù vì tội "cố ý gây thương tích”, nhưng hiểu rõ thì thấy "vậy mà không phải vậy”. Chỉ vì bảo vệ người nhà bị nhóm thanh niên tấn công, chú đã quá tay với một người. Nghe nói con một "đại gia” nào đó. Tay kia gãy tay… Ra tù, anh không về quê mà sang xã bên làm vườn hoa, cây cảnh với một người chú họ. Ở hiền gặp lành, anh gặp quý nhân, được truyền nghề. Nhà chỉ còn mẹ già và bà cũng muốn anh yên bề gia thất, nhưng anh ậm ừ cho qua. 35 tuổi còn gì… Đám bạn cùng tuổi, đứa nào cũng 2-3 con rồi. Hôm nọ mẹ anh cất công lên thăm vườn hoa của con cùng mối quan tâm duy nhất: lập gia đình đi thôi. Bà rổn rảng bên vườn: "Lo làm ăn cũng tốt, nhưng việc gia đình cũng không kém phần quan trọng đâu. Hay để mẹ lên đây cùng con...”.
Mùa này, rồi năm này… cuộc sống khu dân cư men đồi vẫn tuần tự như vậy theo thời gian, nếu không xảy ra một chuyện rơi vào "tháng củ mật”. Đêm khuya thanh vắng, không biết 2 gã thanh niên nọ vào nhà chị Vi định "trộm tiền, hay trộm tình”, đang cạy cửa thì bị phát hiện. Chị tri hô. Không hiểu "chú Thi” ở đâu mà xuất hiện đúng lúc thế. Chỉ chạy được khoảng 10 m, 2 tên đều ngã sõng soài. Món lia gậy thành thần của chú khiến 2 thằng khập khiễng. Mọi người, tay đèn pin, tay gậy kéo đến. Bao tải được mở ra, gà, chó và chiếc xe Tàu được lập biên bản… Chúng khai gần Tết định vào "kiếm chút tiền chợ của chị kia”. Sau này, khi thân thiết chị mới biết, từ ngày về đây, đêm nào anh cũng dành thời gian để tuần tra quanh khu vườn cây cảnh, hoa. Khi thấy chúng dạt trước cửa nhà chị, anh nghi và bí mật tiếp cận… Sau lần đó, bà con trong khu thấy anh gọi thợ mộc, thợ khóa đến gia cố cho chị đôi cánh cửa chắc chắn hơn, cổng nhà cũng được khóa lại bằng dây xích mới.
Đêm nay, nhà chị có vẻ đông hơn ngày thường, chả là ngày mai, một số người trong nhóm làm vườn về quê ăn Tết nên chị làm mâm cơm "rau dưa” để chia tay. Trong bữa ăn, nhân đà có chén rượu, cậu em họ chú Thi đưa đẩy:
- Khu cây cảnh này năm nay chỉ có anh Thi ở lại trông coi và đón Tết tại đây…Hì hì… có gì chị Vi giúp đỡ nhé. Nói cho chị biết, anh Thi gói bánh chưng đẹp lắm đấy…
Đôi má chị đã đỏ vì rượu, giờ đỏ bừng, giọng lúng túng:
- Ôi trời, bà nhà anh ấy chẳng mong đỏ mắt anh ấy dẫn bạn về còn gì… Chị bỏ lửng câu nói và nhìn về phía anh. Người đàn ông tưởng từng trải ấy lại lập cập:
- Năm nay, biết tôi ở lại, mẹ nói sẽ đóng cửa nhà lên đây đón Tết cùng tôi. Mẹ bảo thích không khí trên này…
Bé Vân Hạ thấy nhà mình vui nhất từ trước đến nay. Nó xà xuống bên chú Thi, khi chú đang ôm đàn ghi ta thánh thót mấy nốt nhạc. Không gian như ngừng trôi, mọi người cùng im lặng và nhìn ra ngoài suối, cánh đồng, khu vườn… Cây cỏ đang tí tách nảy mầm đón mưa. Còn nơi hiên nhà, khóm hoa hồng bé Vân Hạ trồng vào đôn sứ đã ra hoa. Màu đỏ ấm áp, rực rỡ như xua đi cái se lạnh cuối đông.