(HBĐT) - Xán ngồi như tượng trên tảng đá lớn, tay mân mê bông hoa dã quỳ vừa hái, đôi mắt nó buồn xo. Trường sập rồi. Sách vở cũng bị nước cuốn trôi rồi. Thầy giáo Lương cũng đã về xuôi. Đường sạt lở thế kia, sao thầy lên bản được. Mà chắc thầy cũng không lên nữa, vì thầy bảo quê thầy cũng bị lụt, nước ngập vào tận nhà. Xán lại nhìn về phía con dốc ngoằn ngoèo thẳng đứng trước mặt, đất, đá lổn nhổn chắn ngang một đoạn đường dài. Đang bần thần nghĩ ngợi, bỗng thấy dáng ai quen lắm thấp thoáng từ giữa con dốc xa xa. Xán chăm chăm nhìn về phía ấy.

 

Là thầy giáo Lương. Đúng rồi. Nó đứng bật dậy, chạy một mạch xuống con dốc, giọng hổn hển, sướng vui:

- Thầy Lương! Thầy Lương lên bản rồi… Nó đứng sững người, trống ngực đập thình thịch, hai mắt rưng rưng nhìn thầy giáo trong bộ áo quần lem luốc đang nở nụ cười tươi rói nhìn nó. Khoảng cách giữa thầy và nó là một đống đất, đá khá cao và dài.

- Thầy chờ em một chút! Nó nói thật to để thầy Lương nghe rồi chạy thật nhanh về phía mấy vòng khói trắng đang bay là là trên các nếp nhà. Chỉ một lát sau, bọn thằng Lìn, con Quỳ và cả những người lớn trong bản đi tới, cùng nhau san đất, thông đường đón thầy Lương lên bản.

- Chúng tôi cứ nghĩ là thầy sẽ không lên bản nữa. Bản làng giờ tan hoang hết cả rồi. Trưởng bản Len khẽ lắc đầu, giọng ngậm ngùi.

- Cũng vì mưa lũ cả. Rồi chúng ta sẽ xây lại, trưởng bản ạ. Mọi người đồng lòng thì việc dù khó cũng sẽ làm được thôi! Thầy Lương gượng cười, nhìn trưởng bản, động viên.

- Thầy nói phải. Chỉ sợ lòng người không bền thôi. Chứ mấy bận khó khăn trước, chúng ta đều cố gắng vượt qua cả. Đúng không bà con?

- Đúng. Đúng. Trưởng bản Len nói đúng lắm! Ai nấy đều đồng tình đáp lời khi nghe người đứng đầu của bản nói. Dân bản, mỗi người một việc. Họ chung tay cùng làm. Ban đầu là che chắn, lợp lại mái nhà riêng. Sau đó, tất cả già trẻ, gái trai, cả những đứa nhỏ như bọn thằng Xán, con Quỳ, thằng Lìn, rồi thì mấy đứa nhỏ hơn, cũng đều tham gia vào việc khắc phục lại ngôi trường sau bão. Người lớn làm việc nặng. Trẻ con thì làm việc nhẹ. Cứ thế. Trường sập dựng lại. Bàn ghế gãy thì đóng lại cho vững. Nền trường còn đầy nước bùn và sình lầy thì dọn rửa… Trưởng bản Len, giọng chắc nịch: "Đói cơm, đói áo chứ không thể nào để mấy đứa nhỏ đói cái chữ. Phải nhanh chóng dựng lại lớp học để cho bọn trẻ đến trường mới được. Biết cái chữ thì sau này mới khá lên được chứ!”.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, thầy Lương chọn nghề sư phạm với ước mơ trở thành thầy giáo đã ấp ủ từ lâu. Ra trường, trong khi bạn bè, người xin được việc ở phố, người lựa chọn làm trái nghề thì Lương viết đơn tình nguyện lên bản nghèo dạy học. Sự vất vả, khó khăn của bản làng, nơi toàn núi non và nương rẫy; nơi thiếu ánh điện, trường học tạm bợ bằng nứa, bằng phên… Lương đã biết trước nhưng vẫn quyết định dấn bước. Ba mẹ Lương không ngăn cản anh. Ba Lương trầm ngâm: "Con lớn rồi. Đủ quyền quyết định tương lai của mình”. Mẹ Lương giấu nước mắt vào trong, động viên: "Con còn trẻ. Hãy cứ đi đến bất kỳ đâu. Miễn điều con làm có ý nghĩa và được mọi người yêu quý”. Lương được ba mẹ tiếp thêm niềm tin, càng thêm tin tưởng vào quyết định của mình. Những khó khăn khi đặt chân lên vùng đất mới, gặp những con người mới, biết bao bỡ ngỡ, lạ lẫm và không tránh khỏi những nỗi buồn. Thế nhưng… tất cả đã đi qua. Lương ban đầu chỉ là khách của bản. Hơn 7 năm "cắm bản”, giờ anh đã như người nhà, người của bản rồi, như lời của trưởng bản Len nói với người dân, với những đứa học trò thầy Lương dạy, rằng:"Ở trường nhất nhất phải gọi là thầy Lương. Nhưng ở nhà, ở bản thì gọi thầy là con, là chú, là anh...”.

Trưởng bản Len đã nhiều lần hỏi "Thầy giáo Lương có tính chuyển về dưới xuôi không?”. Lương cười trừ rồi gãi đầu, thành thật: "Nhiều lúc nghĩ về cha mẹ già, con cũng muốn về xuôi. Thế nhưng nghĩ đến bọn trẻ ở bản, con lại không đành… Vả lại, ở lâu với bản cũng quen cuộc sống nơi đây rồi”.

Thanh xuân của Lương là những tháng ngày đẹp đẽ trên bản nghèo, miệt mài bên trang giáo án, cùng các em học sinh ê a đọc vần, làm toán với biết bao kỷ niệm. Những lần về thăm nhà, mẹ Lương cũng có ý muốn Lương xin chuyển về xuôi, vừa gần nhà vừa tính chuyện lập gia đình. Lương hiểu nỗi lòng của mẹ. Thế nhưng anh cũng hiểu, học trò bản nghèo cần anh hơn bất kỳ điều gì lúc này. Vậy nên, Lương tạm gác lại hạnh phúc riêng để vun đắp cho hạnh phúc của các em học sinh trên bản. Với Lương, mỗi ngày lên lớp là một món quà kỳ diệu...

Xán, Lìn và Quỳ đang rủ nhau chơi trò trồng nụ trồng hoa ở bãi đất trống cạnh trường. Bão lũ đi qua, dã quỳ vực mình mạnh mẽ tươi tắn và vàng rực giữa tiết trời đông giá. Xán đeo vòng tròn hoa dã quỳ ở cổ. Trong khi thằng Lìn đã hái sẵn một bó hoa thật to để bên cạnh chỗ ngồi. Con bé Quỳ kết hoa thành vòng tròn và đội trên đầu như một cô sơn nữ. Cả bọn đều chân đất đầu trần, áo cộc, quần đùi, vậy mà vui cười hồn nhiên không biết chán.

Thấy thầy Lương từ xa, cả ba đứa trẻ liền dừng cuộc chơi, chạy đến bên thầy, tay cầm vòng hoa vừa kết, bó hoa vừa hái, miệng ríu rít:

- Em tặng thầy…! Em cũng tặng thầy…!

Thầy Lương cũng tặng chúng, đứa đôi dép, đứa chiếc khăn quàng cổ, đứa cái áo ấm. Món quà bất ngờ khiến cả ba đứa xúc động, ôm chầm lấy thầy, không nói nên lời. Thầy Lương thông báo, tuần sau, Xán, Lìn, Quỳ và các bạn sẽ được đến trường trở lại. Cả ba đứa ôm vai bá cổ nhau chia sẻ niềm vui rồi nắm chặt tay nhau, cùng nhìn về phía ngôi trường trước mặt với nụ cười ấm áp trên môi…

 

Truyện ngắn của An Viên

Các tin khác


Con vào đại học…

(HBĐT) - Con vào đại học có khác, thời nào cũng thế, đều là điều đặc biệt với mỗi gia đình. Thảo nào, tháng trước, anh bạn ở huyện M gọi điện í ới báo tin. Mừng và hân hoan lắm, giọng nói qua điện thoại thật bay bổng, du dương. Nghe nói cũng liên hoan mấy bữa cho con nhân dịp con đi học xa nhà. Ừ, thời bố mẹ không có điều kiện, học xong lớp 12, chuyện học đại học thật xa vời, nên người làm nghề nông, người đi học nghề. Lăn lộn cuộc sống cũng nuôi được mấy mặt con. Giờ thằng út vào đại học, mừng vui cũng phải thôi. Con đường học vấn cũng luôn luôn cần trong bất cứ giai đoạn nào…

Nắng thu rực rỡ

(HBĐT) - Sáng nay, nắng thu rực rỡ! 6h, một vài tia nắng xiên qua vòm cây báo hiệu một ngày nắng. Những ngày nắng cuối cùng của mùa thu để bắt đầu một mùa đông. Ai cũng nói đây là thời điểm đẹp nhất để ra ngoài, du lịch, trải nghiệm cuộc sống.

Nhiễu điều

(HBĐT) - Vào tháng 9, mưa thì như thác đổ, dằng dai như nỗi giận hờn, khi nắng thì rám cong mặt lá, rực như rang. Với cái biên độ của nắng mưa, nóng lạnh như thế, sợ sinh bệnh, vợ chồng anh gọi lái bán heo. - Vậy là thêm lứa heo này nữa, mình đã có 357 triệu đồng. Năm nay anh được tuổi dựng nhà. Mình coi ngày mở móng đi anh.

Cô gái bán hoa hồng

(HBĐT) - Mấy ngày qua xuất hiện một gian hàng hoa hồng ngay trên vỉa hè, gần góc ngã tư. Chủ nhân là một cô gái trẻ, đẹp. Từ khi có gian hàng hoa của cô, nhiều khách nam đến mua hoa và thường nán lại khá lâu. Họ mua hoa là phụ, cái chính là để ngắm chủ nhân cùng những lời tán tỉnh đường mật, nhưng cô luôn từ chối thẳng thừng. Cứ tưởng như như vậy sẽ làm các chàng trai từ bỏ việc trồng cây si. Nào ngờ họ càng thích thú hơn khi tiếp cận cô chủ bán hoa theo cách nghiêm túc.

Ở phía ngoại vi thành phố

(HBĐT) - Sau nửa tháng vào năm học mới, cô chủ nhiệm lớp 7P buộc phải họp lớp bất thường với ban cán sự lớp, tập trung vào việc bạn Tú "kều”. Kể ra thì cũng nhiều tội đấy. Bạn lớp trưởng liệt kê một loạt: nhiều hôm trống báo rồi mới hớt hải chạy qua cổng trường, quần ống thấp ống cao, đầu tóc rối bù; trong giờ học thì ngủ gật liên tục (chứng tỏ đêm ít ngủ, chắc bận cày "gêm” đây mà), học không tập trung. Bộ sách giáo khoa thì cũ kỹ, thiếu be bét. Có lần, giờ học cô hỏi về nội dung bài mà bạn ấy lại trả lời sang chuyện buổi trưa nay phải ghé qua chợ mua thức ăn cho cả nhà, khiến cả lớp cười ồ, còn bạn ấy thì đỏ mặt, lúng túng gãi tai. Đã cao nhất lớp, giờ lại vô số khuyết điểm thế, Tú "kều” bỗng nổi như cồn. Nghe học sinh bình luận về những việc đó, cô Hân chủ nhiệm lớp trầm ngâm: Bạn Tú mới từ huyện chuyển lên, nhà phía ngoại vi thành phố, chúng ta chưa hiểu hoàn cảnh gia đình… nên chưa vội đánh giá, quy kết các em nhé. Để cô tính. Tuần sau, bạn Thành lớp trưởng rủ các bạn tổ trưởng đến nhà bạn Tú xem thế nào nhé. Đi nhớ phải xin phép bố mẹ.

Phép màu

(HBĐT) - Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục