Vào dịp này, vợ chồng anh K. cũng hay thì thầm to nhỏ một số chuyện liên quan đến bố mẹ (ông bà nội của cái Thẽm), đại loại như cuối năm là "đám cưới bạc” của ông bà; thêm nữa cũng là kỷ niệm ngày lễ liên quan đến công việc của cả ông và bà. Nên vợ chồng trẻ bàn đi bàn lại mà vẫn chưa thống nhất được phương án gọi là tối ưu nhất. "3 trong 1”, "1 gà 3 lễ” hay chia lẻ cho kéo dài những ngày vui.
Cô vợ vốn nhanh nhẹn, tháo vát "quyết”:
- Em đã ngắm được cái nhà hàng đẹp như mơ, có "viu” đẹp, bắt mắt ở bờ sông rồi… Cái gì ra cái đó, không phải chỉ có khách ông bà mà còn có cả khách của em và của anh. Chúng ta đi ăn mòn bát đũa nhà người ta rồi, giờ cũng phải đáp lại chứ. Mà chưa kể, hôm ấy còn có "VIP” chỗ em, trẻ tuổi, tài cao, đang nổi như diều. Mời được anh ấy đến, vợ chồng mình lại chả mát mặt suốt tháng với các đồng nghiệp à. Mà anh đưa tiền đây để mua quà cho ông bà nữa chứ. Phải tặng đồ "xịn” vào để ông bà diện cho nên tấm nên món. Người ta trông vào…
- Chuyện này để bàn với ông bà đã. Mà chúng ta phải "thăm dò” từ bà. Chứ nói với ông, không đồng ý ông lại chả quát cho à. Anh chồng ừ hữ đáp lại chị vợ.
Vào buổi chiều, khi ông nội đang đi bộ cùng nhóm hưu trí, anh bèn đem chuyện "tâm huyết của vợ chồng con với ông bà”, mới nói được 3 câu, anh đã bị mẹ chặn:
- Con năm nay bao nhiêu tuổi rồi mà không hiểu tính bố mẹ, nhất là bố ấy… Bố mẹ cám ơn thịnh tình các con. Nhưng qua chuyện này, con cũng nên chấn chỉnh vợ nhé. Đừng nặng nề quá về hình thức và "diễn” với người nọ, người kia. Mẹ biết hết suy nghĩ của nó đấy…
Rồi bà nói như tâm sự với chính mình:
- Bố mẹ sinh các con ra, dựng vợ gả chồng. Thấy các con hạnh phúc, công việc đàng hoàng là bố mẹ vui rồi. Bố và mẹ đều trưởng thành từ gian khó, đi lên bằng đôi chân của mình; gắn bó với nhau ngần ấy năm, cùng chung lưng đấu cật để chèo chống cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái, chăm lo ông bà bên nội, bên ngoại, không để điều tiếng gì, chỉ lấy chuyện tình cảm để chia sẻ cân bằng tâm tư. Giờ các con bày biện thế, cả bố và mẹ không đồng ý đâu. "Cưới vàng, cưới bạc” không bằng ăn ở với nhau đâu con. Đầy chuyện kia kìa… Năm trước hoa hoét, kỷ niệm lên mạng ầm ĩ khoe giàu, khoe con, năm sau đánh nhau sứt đầu mẻ trán, đường ai nấy đi… Còn ngày kỷ niệm liên quan đến công việc từng được bố mẹ gắn bó, các con biết mà trân trọng là quý. Đôi khi chỉ là bó hoa nhỏ cùng lời chúc là vui. Mà quan trọng nhất, các con đã nghĩ đến và quan tâm đến bố mẹ là hạnh phúc rồi. Chứ không nhất thiết chè chén linh đình, món quà này nọ. Mẹ sẽ nói với vợ con nữa, để nó hiểu thêm về tính của bố mẹ. Bố mẹ giản dị và không thích phô trương đâu. Mà giờ lại đang bão lũ, thiên tai, mình làm thế không nên đâu con. Mẹ nói thế để con hiểu…
Cuộc vui ấy cũng diễn ra gọn nhẹ và chỉ một chi tiết bà "nhượng bộ”, đó là đồ ăn cho mấy mâm cơm đó do con dâu đặt nhà hàng (vì như nó nói, nấu nướng nhiêu khê quá, để dành thời gian mà hàn huyên bạn bè, con cháu - đúng là con dâu thời nay). Ông bà chỉ mời 5-6 người bạn chí cốt gắn bó mấy chục năm rồi. Còn lại là nội bộ gia đình. Hôm ấy, ai cũng thấy ông nói cười nhiều hơn ngày thường. Đã thế, ông còn đọc 1 bài thơ lục bát tặng vợ, tặng bạn bè. Ông bế bé Thẽm vào lòng nựng cười: "Món quà tặng lớn nhất, quý nhất là đây bà nội nhỉ”.
Bùi Huy