(HBĐT) - Sau 1/4 thế kỷ tái lập tỉnh, từ chỗ giao thông đi lại hết sức khó khăn, đến nay, hạ tầng GTVT đã có bước phát triển vượt bậc, từng bước hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu đi lại, tiêu thụ sản phẩm, lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư, xóa đói - giảm nghèo, tạo liên kết giữa các vùng miền, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Khi tái lập tỉnh, hệ thống giao thông trong tỉnh khó khăn, thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH. Tổng số km đường bộ thời điểm đó có 2.431 km, trong đó, QL có 169 km, đường 229 có 186 km, đường tỉnh 180 km, đường huyện, liên xã, liên thôn 1.389 km. Đáng chú ý, phần lớn là đường đất với 1.835,5 km; mặt đường đá dăm nhựa có 204 km; đường đá dăm + cấp phối có 327,5 km, mặt đường bê tông xi măng 64 km. Giao thông nông thôn hết sức khó khăn, toàn tỉnh còn 21 xã vùng cao, vùng sâu chưa có đường đến trung tâm. Nhân dân những xã này đi lại chủ yếu qua hệ thống đường mòn dân sinh bị chia cắt nhiều đoạn qua khe, suối, lạch; về mùa mưa thường xuyên bị tắc nghẽn. Vận tải đường sông trên 2 tuyến sông Đà dài hơn 90 km và sông Bôi dài hơn 30 km có khoảng 100 phương tiện, chủ yếu là thuyền trọng tải nhỏ từ 5- 10 tấn. Phương tiện vận chuyển đường bộ chủ yếu là xe của Tổng Công ty xây dựng thủy điện sông Đà, xe chuyên dùng của các đơn vị, xí nghiệp trong tỉnh và xe khách của Công ty vận tải Hòa Bình với tổng số 1.921 chiếc.
Sau 25 tái lập tỉnh, đến nay “bộ mặt” giao thông của tỉnh có bước phát triển vượt bậc. Toàn tỉnh đã có 6.236 km đường bộ, tăng hơn 2,5 lần so với năm 1991. Đến nay đã bê tông hóa, nhựa hóa 301,14 km quốc lộ, đạt 100%, so với khi vừa tái lập tỉnh tăng 72,01 km/2 tuyến. Kết cấu mặt đường đá dăm láng nhựa, cấp phối với bề rộng mặt đường 3,5m, bề rộng nền đường 5m được thay thế dần bằng mặt đường bê tông nhựa với bề rộng mặt đường từ 5,5 m, bề rộng nền đường từ 7,5 m trở lên. Đường 229 có 186,3 km, tỷ lệ bê tông hóa, nhựa hóa đạt 98,3%. Từ một tỉnh có mạng lưới giao thông thưa thớt, hệ thống đường tỉnh ít, ngắn, đến nay đã có 21 tuyến đường tỉnh với 439,136 km, trong đó 97,1% số km đường đã được bê tông hóa, nhựa hóa. Đường huyện có 686,689 km, tỷ lệ bê tông hóa, nhựa hóa đạt 72%. Đường đô thị có 83,1 km, bê tông hóa, nhựa hóa đạt 99,6%. Đường chuyên dùng có 21,05 km, tỷ lệ bê tông hóa, nhựa hóa đạt 71,2%. Đường nội thị có 202,36 km, bê tông hóa, nhựa hóa đạt 82%. Các tuyến đường được nâng cấp, cải tạo đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu giao lưu, phát triển KT-XH của tỉnh. Điển hình là con đường dài nhất tỉnh - đường 433 từ thành phố Hòa Bình đến xã Đồng Nghê (Đà Bắc) dài 90 km được xây dựng từ năm 1965 đã được trải nhựa, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vùng sâu, xa huyện Đà Bắc giao lưu, phát triển KT-XH. Tuyến QL 6A đã được nâng cấp, cải tạo, mở rộng, thảm bê tông nhựa mịn màng 33 km đường cũ đoạn Xuân Mai - thành phố Hòa Bình. Tuyến đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình đoạn qua tỉnh dài 19,3 km đang được khẩn trương thi công, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm nay, hứa hẹn mở ra cơ hội giao thương, thúc đẩy phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ cho tỉnh. Các tuyến QL như: 12 B, 21 A, 12 B được cải tạo, nâng cấp, mở rộng đóng vai trò tiên phong thúc đẩy phát triển KT-XH các địa phương. Đặc biệt, năm 2002, tuyến đường Hồ Chí Minh có 62 km đi qua địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng đã góp phần quan trọng về mặt KT-XH, AN-QP đối với cả nước và tỉnh ta. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông trục chính của thành phố Hòa Bình - trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh ngày càng hoàn thiện với những con đường mới mở và nâng cấp như: đường Trần Hưng Đạo, đường Chi Lăng kéo dài, đường Thịnh Lang, đường Trương Hán Siêu, đường Trần Quý Cáp và đường kè hai bờ sông Đà. Hệ thống cầu trên các QL, tỉnh lộ cũng được sửa chữa và xây mới, có tải trọng lớn hơn. Trong đó phải kể tới việc khánh thành cầu Hòa Bình cuối năm 2000, dài hơn 500 m nối liền hai bờ sông Đà đáp ứng niềm mơ ước sau bao năm của nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.
Cùng với phát triển hệ thống QL, tỉnh lộ, giao thông nông thôn được chú trọng phát triển. Nhờ làm tốt công tác tham mưu, tuyên truyền, vận động nên dù nguồn kinh phí ít ỏi nhưng được sự ủng hộ của nhân dân nên trong những năm qua từ 2.771 km đường giao thông nông thôn trung tâm xã đến các xóm và đường liên thôn xóm năm 2003, đến nay đã phát triển thành 4.316 km đường giao thông nông thôn, tăng 1.545 km. Tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn từ trung tâm xã đến các xóm và đường liên thôn xóm năm 2003 là 71 km tương ứng là 2,7%, đến nay đã tăng lên 1.933 km, tương ứng 44,78% tổng số km hiện có. Cụ thể, đường xã, liên xã 1.470,15 km, trong đó bê tông hóa, nhựa hóa 51%. Đường trục thôn, xóm 2.846,02 km đã nhựa hóa, cứng hóa 42%. Đặc biệt, hệ thống đường giao thông nông thôn đã phủ kín tỉnh, đường ô tô đến khắp các xã vào năm 2005 và hiện nay đến phần lớn các xóm, bản kể cả xóm đồng bào Dao, Mông ở vùng núi cao góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy KT-XH phát triển.
Lực lượng vận tải cũng không ngừng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận tải, phát triển KT-XH. Từ chỗ phương tiện vận tải chủ yếu là thô sơ, đến nay cả tỉnh đã có trên 12 nghìn ô tô chuyên chở hàng hóa, hành khách. Toàn tỉnh có 125 tuyến vận tải hành khách, 11 doanh nghiệp kinh doanh taxi và phát triển được 3 tuyến xe buýt nối hầu hết các tuyến đường huyết mạch trong tỉnh với thời gian khai thác 16 giờ/ngày. Giao thông đường thủy đã có trên 900 phương tiện vận tải đường sông với năng lực vận tải lớn, tốc độ cao, đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa của nhân dân. (Còn nữa)
Vũ Tùng (TH)
(HBĐT) - Khi mới tái lập tỉnh, trên địa bàn chỉ có một số nhà máy, xí nghiệp quy mô nhỏ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế, đến nay đã có bước phát triển mạnh mẽ. Sản xuất công nghiệp duy trì nhịp độ tăng trưởng khá, một số ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp có lợi thế so sánh tiếp tục phát triển, nhiều sản phẩm có số lượng tăng vượt bậc. Giá trị sản xuất công nghiệp tính cả Công ty Thủy điện Hòa Bình năm 2015 đạt 19.868 tỷ đồng. Tăng trưởng bình quân 5 năm gần đây đạt 18,23%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng. Năm 2015, cơ cấu ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 54%, tăng 33,711% so với năm 1991.
HBĐT) - Thời kỳ Bắc thuộc, Hòa Bình nằm trong quận Vũ Bình (thời thuộc Ngô và Tần); huyện Tây Vu (thời thuộc Tây Hán); huyện Long Bình và huyện Gia Ninh (thời thuộc Tùy). Đến thế kỷ X, nước ta giành được độc lập, Hòa Bình thuộc quận Phong Châu (hay còn gọi là Thượng Oai) … Trong các cuộc đấu tranh giành độc lập chống lại ách đô hộ phương Bắc, nhân dân Hòa Bình đã tham gia bằng tinh thần yêu nước cao nhất. Như trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, nhân dân Hòa Bình cũng đã đóng góp công sức, của cải vào thắng lợi to lớn của nghĩa quân.
(HBĐT) - Sau 25 năm tái lập tỉnh, ngành nông nghiệp - nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng ổn định và phát triển bền vững KT -XH tỉnh nhà. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng định hướng phát triển của tỉnh, giảm từ 63,68% năm 1991 xuống còn 19,4% năm 2015. Tốc độ phát triển của ngành tương đối cao, tăng bình quân trong 25 năm trên 5,15%/năm. Cơ cấu nội ngành phát triển tích cực, đúng hướng, tăng tỷ trọng lĩnh vực chăn nuôi. Sản xuất từng bước gắn với chế biến và thị trường, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tính riêng trong 5 năm gần đây, ngành đóng góp cho tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân khoảng 22%/năm.
(HBĐT) - Cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của ngành nông nghiệp, công nghiệp, các ngành dịch vụ so với 25 năm trước phát triển vượt bậc, đa dạng. Các loại hình dịch vụ viễn thông, giao thông vận tải, lữ hành, nhà nghỉ, ăn uống, mua sắm, tài chính, ngân hàng, tư vấn, hành chính, bảo hiểm, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, giải trí... đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
(HBĐT) - Nhà nước Văn Lang - âu Lạc được hình thành và xây dựng trong thời đại kim khí - thời kỳ văn hóa Đông Sơn (là một nền văn hoá cổ từng tồn tại ở một số tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ Việt Nam như Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình mà trung tâm là khu vực đền Hùng, được lấy theo tên địa danh làng Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nơi tìm được một số đồ đồng).
(HBĐT) - Đến nay, vừa tròn 25 năm tỉnh Hoà Bình được tái lập. 1/4 thế kỷ qua là giai đoạn đánh dấu tiến trình phát triển vượt bậc và toàn diện trên mọi lĩnh vực của tỉnh Hoà Bình mà trong phạm vi bài viết này chỉ có thể khái lược một số thành tựu nổi bật.