(HBĐT) - Trong gần 1/4 thế kỷ qua, từ chỗ lưới điện thiếu thốn, cũ nát, chắp vá…, hạ tầng điện năng tỉnh ta không ngừng được quan tâm, đầu tư xây dựng, phát triển từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển KT -VH- XH của tỉnh.
Giai đoạn đầu mới thành lập, tiếp nhận bàn giao giữa Hà Tây và Hoà Bình, ngành điện tỉnh ta chỉ có 1 chi nhánh điện thị xã, cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn, lưới điện cũ nát, chắp vá, thường xuyên quá tải, sự cố xảy ra liên tục và thường kéo dài. Điều kiện tự nhiên, KT-XH của tỉnh như: Hầu hết các huyện thuộc diện vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Dân cư phân bố rải rác, không đều, địa hình đi lại bị chia cắt bởi nhiều núi, sông, vùng hồ sông Đà đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển lưới điện và hoạt động SX -KD của ngành điện. Toàn tỉnh chỉ có 1 trạm 110 KV, 4 trạm trung gian, 340, 7 km đường dây trung thỏ, 70 km đường dây hạ thế, 59 trạm biến áp phân phối cấp điện cho 55 xã, phường, thị trấn. Tổn thất điện năng lên tới 19,87%. Điện thương phẩm chỉ đạt 42, 574 triệu KWh. Doanh thu đạt 14, 89 tỷ đồng. Số khách hàng dùng điện chỉ có 4.191. Số hộ có điện chiếm tỷ lệ 38,8%.
Sau khi tái lập tỉnh, được sự quan tâm đầu tư của T.ư và tỉnh, cơ sở hạ tầng lưới điện phát triển vượt bậc. Đến năm 2002, mật độ phủ lưới điện quốc gia đã đạt 175/214 xã, phường, thị trấn, chiếm tỷ lệ 82,2%. Số hộ có điện đạt tỷ lệ 73,1%. Trong giai đoạn 2002 - 2007, ngành điện tập trung cải tạo, nâng cấp, làm mới hệ thống lưới điện, tăng cường chống quá tải, mở rộng mạng lưới phục vụ, nâng cao chất lượng nguồn điện và đảm bảo an toàn cho cả hệ thống. Điện đã đưa đến các thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng hồ sông Đà như: xã Thung Nai, Bình Thanh (Cao Phong), Hiền Lương (Đà Bắc), Ngòi Hoa (Tân Lạc), vùng cao dân tộc Mông ở xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu)... Hơn thế, trong năm 2002, đã thi công xây dựng và đóng điện đúng tiến độ 2 công trình đưa điện về 2 xã Vầy Nưa (Đà Bắc) và Tân Mai (Mai Châu) đáp ứng niềm mong mỏi bao năm của đồng bào 2 xã vùng hồ sông Đà đặc biệt khó khăn này. Đặc biệt, năm 2003, lưới điện quốc gia toả sáng phủ kín 214 xã, phường, thị trấn, về trước mục tiêu 2 năm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2000- 2005 đề ra. Thời điểm này, trên 92% hộ dân trên địa bàn đã có điện phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, mở mang văn hoá, từng bước đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu, phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Thực hiện mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng điện năng để phục vụ khách hàng, ngành điện đã đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp lưới điện, đưa công nghệ mới vào quản lý bảo đảm cung cấp điện an toàn và hiệu quả đáp ứng nhu cầu về điện cho khách hàng sử dụng với chất lượng ngày càng cao, phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt trong năm 2010-2011, ngành tập trung vốn cải tạo, nâng cấp lưới điện khu vực thành phố Hoà Bình từ 6 KV lên 22 KV. Tại khu vực thành phố xoá bỏ 2 trạm biến áp trung gian với 4 máy biến áp 5.600 KVA. Tại các huyện: Tân Lạc, Đà Bắc, Cao Phong xoá bỏ được 3 trạm biến áp trung gian 35/10 KV, dung lượng 3.800 KVA. Tổng dung lượng máy biến áp đưa ra khỏi lưới 26.200 KVA, giảm được chi phí quản lý vận hành và chi phí quản lý lưới điện. Năm 2014, ngành tiếp tục triển khai nâng cấp lưới điện 10 KV lên 22 KV khu vực Ba Hàng Đồi - Lương Sơn - Kim Bôi, nâng cấp lưới điện 10 KV lên 35 KV khu vực Yên Thủy theo quy hoạch lưới điện tỉnh giai đoạn 2010 - 2015, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện khu vực.
Trong năm 2009 và năm 2010, Công ty Điện lực Hoà Bình đã tiếp nhận 139 xã trên toàn tỉnh và bán điện trực tiếp đến tận hộ gia đình theo giá Chính phủ quy định. Hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn khi tiếp nhận xuống cấp và cũ nát, yêu cầu phải tập trung cải tạo tối thiểu. Nhu cầu vốn đầu tư nâng cấp rất lớn nhưng trong giai đoạn này suy thoái kinh tế thế giới, tình hình lạm phát đã ảnh hưởng đến nguồn vốn bố trí cho khu vực lưới điện nông thôn. Trước tình hình đó, Công ty đã tận dụng vốn khấu hao của ngành, đặc biệt là vốn vay Ngân hàng Thế giới nâng cấp lưới điện nông thôn. Trong năm 2011, Công ty đã thực hiện với giá trị trên 70 tỷ đồng vốn khấu hao của ngành để đầu tư cải tạo lưới điện khu vực tỉnh. Năm 2012, việc tiếp cận với vốn thương mại rất khó khăn nên chủ yếu là vốn vay ưu đãi Ngân hàng Thế giới, Công ty được Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc giao trên 300 tỷ đồng các dự án năng lượng nông thôn REI, REII các đợt 2, 4, 5 để tiếp tục cải tạo lưới điện trung áp và cải tạo lưới điện nông thôn sau tiếp nhận. Từ năm 2013 đến nay, hàng năm, Công ty Điện lực Hòa Bình tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn để tập trung cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận. Nhờ vậy, chất lượng cung cấp điện không ngừng được cải thiện, lượng khách hàng tăng nhanh, đến tháng 5/2016 số khách hàng từ 69.000 tăng lên 220.381. Tỷ lệ hộ có điện trong toàn tỉnh đạt 99,7%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nhờ đó được cải thiện đáng kể.
Do phát triển nhanh của nguồn và lưới điện nên sản lượng điện, doanh thu bán hàng không ngừng tăng, tổn thất điện năng hàng năm đều giảm. Điện đã được cấp ổn định cho sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, các cơ quan tỉnh, trường học, bệnh viện... góp phần thúc đẩy phát triển KT -XH, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt thành thị, nông thôn tỉnh nhà. Nếu như năm 1992, sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh đạt 42, 574 triệu KWh, đến năm 2015 đạt 588, 63 triệu KWh, tăng 13, 8 lần, bình quân tăng trưởng 13,16%/năm. Năm 1992, tổn thất điện năng toàn tỉnh là 19,87%, đến năm 2015 giảm còn 7,78%, bình quân giảm 0,58%/năm. Doanh thu bán điện năm 2015 đạt 948, 197 tỷ đồng, tăng gấp 63, 68 lần so với năm 1992, đạt tăng trưởng bình quân 18,56%/năm.
(Còn nữa)
Vũ Tùng
(HBĐT) - Trong lịch sử hàng ngàn năm qua, các dân tộc ở Hòa Bình đã phải cùng nhau đấu tranh, vật lộn với thiên nhiên, xã hội để tồn tại, phát triển. Trong đó phải ghi nhận những phong trào nông dân chống áp bức phong kiến và đánh giặc ngoại xâm, giữ vững sự ổn định, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Tiêu biểu như cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất (1739 - 1769), khởi nghĩa Quách Tất Liêm (1808 - 1819) của Lê Duy Lương (1833 - 1838) và sự tham gia chống quân xâm lược nhà Minh, tham gia cuộc đại phá quân Thanh năm 1789 của nhân dân Hòa Bình…
(HBĐT) - Sau 25 năm tái lập, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ. Đến hết năm 2015, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 26,6%, tăng 10,27% so với năm 1991. Các ngành dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
(HBĐT) - Ngày 19/1/2016, Bộ VH-TT&DL có Quyết định số 246/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, tỉnh ta có 2 di sản được đưa vào danh mục là nghệ thuật chiêng Mường và Mo Mường. Để bạn đọc hiểu biết nhiều hơn về Mo Mường, Báo Hòa Bình xin giới thiệu những nét cơ bản nhất của những áng Mo và việc bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường.
(HBĐT) - Trải qua các triều đại từ Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê -Trịnh cho đến đầu Nguyễn (Gia Long), mặc dù có sự thay đổi địa danh hành chính của vùng đất Hòa Bình, đi liền theo đó là những thay đổi của những chức quan hành chính nhưng ở cấp cơ sở các mường (vùng) và các sách, động của người Mường, Thái và một số dân tộc thiểu số khác cư trú thuộc Hòa Bình vẫn duy trì chế độ xã hội cổ truyền riêng biệt. Các tù trưởng (thổ tù) họ Xa, họ Hà vẫn nối đời làm tạo cai quản châu Đà Bắc, Mai Châu. ở các vùng Mường Bi, Vang, Thàng, Động, các tù trưởng kế tiếp duy trì chế độ nhà lang cai quản trong vùng; làm nghĩa vụ của các thổ tù đối với Nhà nước phong kiếnThiết chế xã hội cổ truyền của người Mường, người Thái (cư dân sinh sống lâu đời nhất tại Hòa Bình) có thể được coi là thiết chế xã hội cổ truyền điển hình trên vùng đất này
(HBĐT) - Khi mới tái lập tỉnh, trên địa bàn chỉ có một số nhà máy, xí nghiệp quy mô nhỏ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế, đến nay đã có bước phát triển mạnh mẽ. Sản xuất công nghiệp duy trì nhịp độ tăng trưởng khá, một số ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp có lợi thế so sánh tiếp tục phát triển, nhiều sản phẩm có số lượng tăng vượt bậc. Giá trị sản xuất công nghiệp tính cả Công ty Thủy điện Hòa Bình năm 2015 đạt 19.868 tỷ đồng. Tăng trưởng bình quân 5 năm gần đây đạt 18,23%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng. Năm 2015, cơ cấu ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 54%, tăng 33,711% so với năm 1991.
HBĐT) - Thời kỳ Bắc thuộc, Hòa Bình nằm trong quận Vũ Bình (thời thuộc Ngô và Tần); huyện Tây Vu (thời thuộc Tây Hán); huyện Long Bình và huyện Gia Ninh (thời thuộc Tùy). Đến thế kỷ X, nước ta giành được độc lập, Hòa Bình thuộc quận Phong Châu (hay còn gọi là Thượng Oai) … Trong các cuộc đấu tranh giành độc lập chống lại ách đô hộ phương Bắc, nhân dân Hòa Bình đã tham gia bằng tinh thần yêu nước cao nhất. Như trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, nhân dân Hòa Bình cũng đã đóng góp công sức, của cải vào thắng lợi to lớn của nghĩa quân.