(HBĐT) - Địa vực cư trú chủ yếu của người Mường Hòa Bình là ven các thung lũng, chân núi đá vôi và bên các dòng suối, bố trí theo hình rẻ quạt. Người Mường sống quần cư thành từng làng, bản. Bản Mường truyền thống không nằm trên đường cái lớn. Mỗi làng, bản của người Mường có địa vực cư trú riêng, có phạm vi đất canh tác, đất rừng, khúc sông, khe suối riêng…
Nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái huyện Mai Châu có kiến trúc độc đáo và tính thẩm mỹ cao.
Trong xã hội Mường cổ truyền, nhà sàn là nhà ở phổ biến của người Mường Hòa Bình. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, một số nơi, người Mường không ở nhà sàn nữa mà ở nhà đất, nhà có kiến trúc hiện đại.
Nhìn bên ngoài ngôi nhà sàn Mường, dễ nhận thấy là có 4 mái: 2 mái trước và sau có hình thang cân; hai mái đầu hồi có hình tam giác cân. Nguyên vật liệu để dùng làm nhà sàn truyền thống là những thứ có sẵn trong tự nhiên như gỗ, tre, nứa, lá… Ngày nay, nguyên vật liệu để làm nhà sàn có thêm gạch, ngói, xi măng. Nhà sàn Mường thường chia ra 3 mặt bằng: mặt trên cùng là gác để đựng lương thực, đồ dùng gia đình; sàn nhà là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi; gầm sàn dùng để các dụng cụ sản xuất, nhốt gia súc. Nhà sàn truyền thống có 2 vì kèo, 4 cột cái và 8 cột con; giữa 2 đầu cột cái nối với nhau gọi là xà ngang. Sàn nhà thường lát bằng những cây bương hoặc bằng gỗ nhưng chủ yếu vẫn là cây bương. Cột nhà làm bằng gỗ tròn hoặc vuông. Nhà sàn bố trí 2 cầu thang: cầu thang chính ở đầu hồi bên phải; cầu thang phụ ở đầu hồi bên trái. ở cầu thang chính, trước khi lên cầu thang có chỗ để rửa chân. Cầu thang phụ chỉ dùng cho những người gia đình lên nhà khi đi làm ruộng, nương về. Trong nhà sàn của người Mường, không gian được chia theo cả chiều dọc và chiều ngang. Từ cầu thang chính bước vào phần giữa sàn nhà phía dưới là bếp, phía trên là bàn thờ, phía ngoài để tiếp khách, phía trong là nơi sinh hoạt của cả gia đình. Trong nhà, theo chiều dọc phía trên có các cửa sổ, gọi là cửa voóng. Chỗ ngồi gần cửa voóng thường dành cho người cao tuổi, còn phía dưới dành cho lớp trẻ. Thông thường, mỗi ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường ở được vài chục năm, riêng đối với cột, kèo có thể sử dụng lại nhiều lần mỗi khi tu bổ.
Đối với người Thái - Tày ở Hòa Bình thường cư trú tập trung bên những con suối, con sông hoặc ở những nơi tiếp cận với rừng rậm nhiệt đới có quần thể thực vật và động vật phong phú; ở nơi có vùng tiểu khí hậu phức tạp. Những năm gần đây, các bản, làng của người Thái - Tày trở nên đông đúc hơn, ngày càng được mở rộng. Trong quần thể một hộ cư trú của người Thái - Tày có các phần: nhà ở, nhà phụ, chuồng gia súc và vườn tược xung quanh. Nhà ở có kiến trúc đẹp, nhất là người Thái ở Mai Châu. Nguyên vật liệu để làm nhà sàn là gỗ, tre, nứa, lá được kết cấu thành các phần chính: hệ thống cột, xà, phần mái lợp, phần che chắn xung quanh, sàn ở, cầu thang và sân phơi ngoài trời. Cột của nhà sàn được làm từ các loại gỗ tốt không bị mối mọt. Cột nhà chôn dưới đất hoặc kê trên những hòn đá tảng. Gầm sàn đủ cao, thoáng nhưng không chênh vênh. Cầu thang được làm bằng gỗ, lắp đặt vững chắc, thường được bố trí ở 2 đầu hồi nhà. Trong nhà sàn, tầm mắt không bị che chắn bởi các hàng cột và vách ngăn. Trước kia, trong nhà của người Thái - Tày ít đồ đạc, chỉ có nhiều dãy bồ bằng tre, mây để đựng quần áo, chăn màn. Trên các cột và xà nhà có treo vài chiếc sừng thú, cây nỏ, dao… Ngày nay, đồ gia dụng phong phú, đa dạng hơn. Nhà khá giả có thể có tủ lạnh, ti vi, thậm chí có dàn karaoke… Mặc dù có những đổi mới trong nếp sống và đồ dùng sinh hoạt, song người Thái, Tày vẫn giữ được đức tính ôn hòa, nhường nhịn, tương trợ, giúp đỡ nhau…
Người Dao ở sống rải rác ở các huyện trong tỉnh như Đà Bắc, Kỳ Sơn, Kim Bôi, thành phố Hòa Bình…Trước kia, người Dao sống du canh, du cư nên không có những địa vực cư trú cố định. Từ khi có chính sách định canh, định cư đã xuất hiện những thôn, xóm tập trung của người Dao. Thôn, xóm thường thiết lập ở trên sườn đồi, gần suối hoặc ở nới có điều kiện dẫn nước về tận nhà. Nhà ở của người Dao ở Hòa Bình có thể phân chia làm 2 loại sau đây: nhà đất và nhà nửa sàn, nửa đất. Nhà thường được làm từ các nguyên vật liệu tại chỗ. Người Dao có tập quán ở nhà nền đất từ lâu. Nhà được kết cấu khá đơn giản. Nhà nửa sàn, nửa đất thường được làm trên nền đất dốc (sườn đồi). Do tính chất du canh, du cư nên nhà loại này còn đơn giản hơn loại nhà đất. Nhà nửa đất, nửa nhà là một biến dạng của nhà đất để thích ứng với cuộc sống du canh, du cư. Tuy nhiên, hiện nay, nhà của đồng bào Dao có nhiều thay đổi và hướng tới kiên cố hóa nhiều hơn (nhà xây lợp ngói hoặc đổ trần, thậm chí có nhà 2-3 tầng). Đồ dùng trong nhà đã có những đổi thay so với trước đây.
So với các dân tộc khác trong tỉnh, người Mông cư trú ở những vùng cao nhất (khoảng 1000 m so với mặt nước biển). Người Mông thường cư trú ở địa hình núi cao, hiểm trở, vách đá cheo leo hay quanh thung lũng, vực hẻm, nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới; độ ẩm cao, quanh năm sương mù bao phủ. Cách xây dựng nhà cửa của người Mông tương đối thống nhất. Người Mông ở nhà đất, thường từ 3 - 5 gian, có nhà tới 7 gian. Gian giữa đặt bàn thờ, hai gian bên là bếp và buồng ngủ. Nhà có điều kiện, nhà to, cột to, chân cột đẽo hình đèn lồng và kê lên hòn đá tảng, mái lợp ngói, vách thưng bằng ván gỗ. Nhà khó khăn hơn thì làm nhà nhỏ, cột nhỏ chôn xuống đất, mái lợp bằng cỏ tranh, vách thưng bằng nứa đan thành phên. Người Mông thường để lương thực ở các chòi ngoài vườn. Ngôi nhà là nơi nghỉ ngơi của mọi thành viên gia đình, là nơi sản sinh và lưu truyền nề nếp gia phong, phong tục tập quán, tín ngưỡng, thể hiện đời sống tâm hồn, tình cảm phong phú và phóng khoáng của người Mông.
Sự đa dạng trong kiến trúc nhà ở và nét riêng biệt trong cuộc sống các xóm, bản đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh ta đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc Hòa Bình. Cuộc sống dù phát triển đến mức nào cũng rất cần lưu giữ và phát huy nét độc đáo, khác biệt của mỗi làng bản, ngôi nhà ở -nơi cả cuộc đời con người gắn bó.
(Còn nữa)
Bùi Văn (tổng hợp)
Bài 20: Món ăn truyền thống, nét ẩm thực độc đáo ở Hòa Bình
(HBĐT) - Trước yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình được hợp nhất thành tỉnh Hà Sơn Bình. Ngay sau khi được Trung ương chỉ định, Ban Tỉnh ủy Hà Sơn Bình đã mở hội nghị lần thứ nhất (3/1976), kịp thời đề ra nghị quyết về phát triển KT-VH năm 1976. Trong không khí mới, Tỉnh ủy và nhân dân Hà Sơn Bình hăng hái thi đua lao động sản xuất nhằm đạt được nhiều thành tựu trong phát triển, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV. Có thể nói, những năm đầu tách tỉnh, tuy hậu quả chiến tranh còn nặng nề lại gặp thiên tai nặng nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh nhà đều nỗ lực phấn đấu vươn lên…
(HBĐT) - Thời điểm tái lập tỉnh, công tác lao động, người có công và xã hội đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: năng suất lao động của các thành phần kinh tế thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, đối tượng diện bảo trợ xã hội lớn. Đời sống nhân dân và các đối tượng chính sách xã hội trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề cho công tác cứu trợ thường xuyên, đột xuất, cứu đói giáp hạt hàng năm.
(HBĐT) - Sáng 30/9, Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh và Lễ hội Chiêng Mường năm 2016 (Lễ kỷ niệm) đã tổ chức họp đánh giá công tác chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm. Dự cuộc họp có các đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương được giao chủ trì các hoạt động.
(HBĐT) - 25 năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ ngày càng bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT -XH của tỉnh. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả hơn; nhiều đề tài nghiên cứu, mô hình sản xuất mới được ứng dụng thành công đã góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy KT -XH của tỉnh phát triển.
(HBĐT) - Giai đoạn này, đất nước đứng trước tình hình: cả nước có chiến tranh, dù hòa bình đã được lập lại ở miền Bắc. Tỉnh ta đã quán triệt sâu sắc tinh thần Hội nghị Trung ương Đảng (tháng 3/1965): “Miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn”; nhiệm vụ được đặt ra là: Tiếp tục xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với tăng cường quốc phòng, kiên quyết bảo vệ miền Bắc, đánh thắng chiến tranh phá hoại”.
(HBĐT) - 25 năm qua, sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tỉnh đã phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu. Đã khống chế được những bệnh dịch nguy hiểm, những bệnh đặc thù của địa phương như sốt rét, bướu cổ, loại trừ đậu mùa, thanh toán bại liệt. Các chỉ tiêu về sức khỏe của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Các bệnh dịch truyền nhiễm như bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi, tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh đều giảm.