(HBĐT) - Đối phó với tình hình trên, Tỉnh ủy đã kịp thời huy động bộ đội, công an truy đuổi bọn biệt kích, lùng bắt bọn phản loạn. Bị thế trận chiến tranh nhân dân bao vây chia cắt, chặn đường chi viện tiếp tế, quân giặc ở phân khu thị xã, phân khu sông Đà ngày thêm khốn quẫn, tinh thần sỹ quan, binh lính ngày thêm sa sút.
Được nhân dân, du kích giúp đỡ, đêm 7/1/1952, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương luồn vào khu vực thị xã đồng loạt nổ súng tập kích trận địa pháo 105mm, tấn công đồn Pheo và hàng loạt vị trí địch ở ngoại vi thị xã. Chỉ trong một đêm, quân và dân ta đã hạ 6 đồn, phá hủy 4 khẩu pháo 105mm, bắt sống nhiều tên giặc, trong đó có tên quan ba chỉ huy trận địa pháo. Ngày hôm sau, 8/1/1952, địch phải vội vã rút toàn bộ lực lượng chốt ven sông Đà về tăng cường phòng thủ cho khu vực thị xã.
Những ngày tiếp theo, bộ đội chủ lực, bộ đội và du kích địa phương đẩy mạnh quấy rối các vị trí địch ở khu vực thị xã, phục kích chặn đánh các toán quân đi lẻ, tiến hành binh địch vận, phá hoại đường giao thông, chủ yếu là đường 6, đường 21, tiếp tục chặn đường chi viện, tiếp tế của địch.
Thực hiện kế hoạch phối hợp giữa ban chỉ huy mặt trận với địa phương, ngày 3/1/1952, Hội nghị Thường vụ Tỉnh ủy mở rộng quyết định những công việc cần làm ngay: Đưa nhân dân quanh vị trí địch sơ tán hết ra vùng tự do. Tăng cường lực lượng dân công, vận chuyển gấp lương thực phục vụ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương; đẩy mạnh địch vận, thực hiện gây nhân mối, vận động đông đảo nhân dân tham gia công tác địch vận, tuyên truyền chiến thắng, vận động chính trị, vận động toàn dân tham gia phục vụ chiến dịch.
Sau hội nghị, hàng trăm cán bộ được huy động tăng cường cho khu vực TX Hòa Bình và đường 6 giúp các xã xây dựng cơ sở phá tề, làm công tác địch vận, vận động nhân dân quanh các vị trí địch triệt để sơ tán lên rừng, hình thành các tuyến trắng bao vây, triệt mọi đường tiếp tế lương thực, thực phẩm của địch. Các đơn vị bộ đội của tỉnh phối hợp với bộ đội chủ lực liên tiếp phục kích, chống càn quét, quấy rối, tập kích các vị trí địch.
Trên các hướng đường 6, đường 21, khu vực TX Hòa Bình, quân và dân ta liên tục tấn công, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Đại đội 212, Đại đội 16, quân dân du kích các xã dọc đường 6, đường 21 phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Sư đoàn 308, 304 hoạt động mạnh mẽ, tổ chức nhiều bộ phận phá cầu đường, phục kích đánh giao thông làm tê liệt hoàn toàn sự vận chuyển của địch mặc cho máy bay, pháo địch ngày đêm dội lửa xuống từng ngọn đồi, từng cánh rừng, làng xóm ven đường. Tại khu vực TX Hòa Bình, từ Thịnh Lang bên tả ngạn đến Quỳnh Lâm bên hữu ngạn sông Đà, xóm làng nào cũng có cán bộ, du kích, bộ đội ngày đêm bí mật ra vào xây dựng cơ sở, nắm tình hình địch, vận động đồng bào tản cư khỏi vùng kiểm soát của địch và nhất là làm công tác địch vận.
Bộ đội, du kích địa phương tác chiến độc lập nhiều trận có kết quả. Tiểu đoàn 616 tập kích toán quân địch đi càn trú đóng tại cao điểm 585, diệt và bắt sống 100 tên. Đại đội 116 cùng du kích Hiền Lương phục kích chặn địch tại Bến Chương, bẻ gãy cuộc càn quét lên Chợ Bờ. Du kích Cao Dương cắt hàng nghìn mét dây điện thoại của địch ở đường 21...
Thế trận chiến tranh nhân dân lên cao, đẩy thực dân Pháp ngày càng lúng túng ở mặt trận chính Hòa Bình cũng như đồng bằng Bắc Bộ. Những quả đấm mạnh ở mặt trận Hòa Bình đã làm cho địch hao tổn về lực lượng, tinh thần, sức chiến đấu của binh lính sa sút nghiêm trọng. Để tránh nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 23/2/1952, địch bắt đầu rút chạy khỏi TX Hòa Bình.
(Còn nữa)
H.N (TH)
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình (1929 - 2010)
(HBĐT) - Trước cách mạng tháng Tám, một số xã thuộc huyện Yên Thủy hiện nay thuộc phủ Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) hoặc huyện Lạc Thủy (tỉnh Hà Nam). Sau này, trong kháng chiến chống Pháp, ủy ban hành chính Liên khu III quyết định cắt 5 xã phía Tây huyện Nho Quan về huyện Lạc Thủy, đồng thời chuyển huyện Lạc Thủy (vốn trước thuộc châu Lạc Sơn) về trực thuộc tỉnh Hòa Bình (năm 1953). Đến ngày 17/8/1964, Hội đồng Chính phủ quyết định chia huyện Lạc Thủy thành 2 huyện Lạc Thủy và Yên Thủy. Huyện Yên Thủy ngày nay có 13 xã, thị trấn. Dân tộc Mường chiếm 68,9%, dân tộc Kinh chiếm 30,9%, còn lại là các dân tộc khác…
(HBĐT) - Trước kia, huyện Đà Bắc thuộc lộ Đà Giang. Đến thế kỷ XV, Đà Bắc là một động của Mộc Châu thuộc phủ Gia Hưng, xứ Hưng Hoá. Năm Cảnh Hưng thứ 36 (năm 1775), Mộc Châu chia thành 3 châu là Mộc Châu, Mã Nam và Đà Bắc. Từ đó, Đà Bắc trở thành đơn vị hành chính cấp châu thuộc phủ Gia Hưng, trấn Hưng Hoá.
(HBĐT) - Vùng đất Lạc Thủy xưa thuộc huyện Xích Thổ, trấn Thiên Quan. Đến thời nhà Lê, Lạc Thủy thuộc huyện Yên Hóa, phủ Thiên Quan, đạo Thanh Bình. Năm 1886, tỉnh Mường được thành lập gồm 4 phủ: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn và Chợ Bờ. Năm 1896, khi tỉnh Mường được đổi tên thành tỉnh Hòa Bình gồm 4 châu (Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Mai Đà), khi đó, huyện Lạc Thủy thuộc châu Lạc Sơn.
(HBĐT) - Tên gọi Lạc Sơn chính thức có từ ngày 22/6/1886, là một trong bốn phủ của tỉnh Mường (sau là tỉnh Hoà Bình) là: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn và Chợ Bờ. Dân cư của phủ Lạc Sơn lúc này có khoảng 3 vạn người (dân tộc Mường chiếm khoảng 80%). Năm 1908, phủ được gọi là châu. Châu Lạc Sơn được phân thành 4 tổng đó là: tổng Lạc Thành, tổng Lạc Đạo, tổng Lạc Nghiệp và tổng Lạc Thiện có 52 xã. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, từ châu được đổi thành huyện.
(HBĐT) - Thị xã Hoà Bình trước đây (nay là thành phố Hòa Bình) được thành lập năm 1896 theo sắc lệnh của toàn quyền Đông Dương. Trước năm 1896, trung tâm của tỉnh Mường Hoà Bình được đặt ở chợ Bờ. Sau khi bị nghĩa quân Đốc Ngữ tập kích mới dời về địa điểm hiện nay và mang tên thị xã Hoà Bình. Ngày 27/10/2006, thị xã được Chính phủ công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh.
(HBĐT) - Lương Sơn là huyện vùng thấp của tỉnh, nơi tiếp giáp giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng và miền núi Tây Bắc - Bắc Bộ. Toàn huyện hiện có 19 xã và 1 thị trấn; dân số có gần 100 ngàn nhân khẩu. Trong đó, dân tộc Mường chiếm trên 66,4%, dân tộc Kinh chiếm 32%, dân tộc Dao chiếm 1,14%, còn lại là dân tộc khác…