(HBĐT) - Ngày 23/2/1952, địch bắt đầu rút chạy khỏi TX Hòa Bình. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích ven đường 6 đã kịp thời truy kích, chặn đánh, chia cắt toàn quân địch, dội pháo xuống đội hình hành quân tháo chạy của chúng. Tại Thịnh Lang, 2 đại đội địch bị tiêu diệt. Tại bến Ngọc, nhiều ca nô bị bắn chìm, xe giặc bốc cháy, hàng chục tên giặc tan xác. Trên các đoạn đường quốc lộ số 6 từ Phương Lâm đến Đầm Lấm, từ cầu Dụ đến Xuân Mai trên 1 tiểu đoàn giặc phải phơi xác.
Đối với địch, đoạn đường rút lui từ TX Hòa Bình về Xuân Mai là đoạn đường máu và nước mắt. Phải mất 2 ngày chúng mới rút hết về căn cứ Xuân Mai.
Sau hơn 3 tháng anh dũng chiến đấu khó khăn, gian khổ, hy sinh, Chiến dịch Hòa Bình kết thúc thắng lợi. Quân và dân trong tỉnh phối hợp, hiệp đồng với bộ đội chủ lực tiêu hao, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực địch: 6.012 tên bị tiêu diệt, phá hủy 156 xe các loại, 17 tàu chiến, ca nô, 24 khẩu đại bác bị phá hủy cùng nhiều phương tiện chiến tranh khác, 9 máy bay bị bắn rơi... Hoà Bình được giải phóng đã giữ vững đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với Liên khu 3 và 4, góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của Pháp.
Một lần nữa, Hòa Bình là nơi ghi đậm dấu ấn thất bại thảm hại của quân đội viễn chinh Pháp.
Một lần nữa, Đảng bộ, quân dân Hòa Bình lại dạt dào niềm vui chiến thắng, giải phóng quê hương.
Đặc biệt, trong Chiến dịch Hòa Bình, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thể hiện tinh thần không tiếc sức người, sức của cho chiến thắng. Đảng bộ, quân dân Hòa Bình đã tiếp nhận và phân phối đến từng đơn vị ngoài mặt trận hàng trăm tấn lương thực, vũ khí, đạn dược. Trong vòng trên 100 ngày diễn ra chiến dịch, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã huy động khoảng 200.000 ngày công phục vụ công tác vận chuyển, ủng hộ bộ đội 323 con bò, 200 con lợn, hàng nghìn cây tre, bương để làm lán trại, làm hàng trăm bè mảng giúp bộ đội vượt sông, suối... Trong đợt này có 291 thanh niên tòng quân, bổ sung cho quân đội.
Chiến dịch Hòa Bình đã mang lại ý nghĩa lịch sử to lớn. Đây là chiến thắng lớn nhất của ta sau chiến dịch Biên Giới (1950). Hành lang Đông - Tây của địch bị phá vỡ, âm mưu giành thế chủ động chiến lược của thực dân Pháp không thực hiện được.
Chiến thắng Hòa Bình đã tạo thế phát triển mới cho phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của các địa phương lân cận và trên chiến trường toàn quốc, cục diện chiến trường Bắc Bộ đã thay đổi có lợi cho ta. Địch bị dồn vào thế bị động theo cách đánh của ta, đẩy chúng đến nguy cơ bị tiêu diệt từng mảnh lớn.
Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình còn có ý nghĩa lớn về chính trị: Ta đã giải tán được nhiều tổ chức ngụy quyền và mở rộng được vùng tự do. âm mưu lập lại “Xứ Mường tự trị” của thực dân Pháp và bọn phản động bị thất bại hoàn toàn.
Chiến thắng Chiến dịch Hoà Bình thể hiện sự chỉ đạo đúng đắn, tài tình về nghệ thuật quân sự của Đảng, về sức mạnh của chiến tranh nhân dân: Chọn chiến trường thích hợp để tiêu diệt địch, đánh vào chỗ sơ hở, nơi hiểm yếu của địch, kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các địa bàn, các chiến trường, giữa ba thứ quân, giữa quân và dân...
Đảng bộ, quân dân các dân tộc Hòa Bình góp phần tích cực vào chiến thắng to lớn đó. Qua chiến dịch Hòa Bình, phong trào kháng chiến địa phương trưởng thành, vững mạnh thêm một bước.
Chiến công trong Chiến dịch Hoà Bình là thành tích nổi bật nhất của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Theo đó, nhân dân và LLVT tỉnh Hòa Bình đã vinh dự, tự hào được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình (1929 - 2010)
(HBĐT) - Trong mường tượng của những người chưa từng đi chợ phiên dịp Tết, phiên chợ Tết hẳn sẽ có những âm sắc rất riêng, giống như lát cắt văn hóa độc đáo không thể hòa lẫn giữa muôn màu cuộc sống. Mang theo sự háo hức, thỏa mãn trí tò mò, chúng tôi tìm đến chợ Tết để ngao du, vui chơi, hòa mình vào không gian đậm sắc thái vùng miền khi Tết đến, xuân về.
(HBĐT) - Trước cách mạng tháng Tám, một số xã thuộc huyện Yên Thủy hiện nay thuộc phủ Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) hoặc huyện Lạc Thủy (tỉnh Hà Nam). Sau này, trong kháng chiến chống Pháp, ủy ban hành chính Liên khu III quyết định cắt 5 xã phía Tây huyện Nho Quan về huyện Lạc Thủy, đồng thời chuyển huyện Lạc Thủy (vốn trước thuộc châu Lạc Sơn) về trực thuộc tỉnh Hòa Bình (năm 1953). Đến ngày 17/8/1964, Hội đồng Chính phủ quyết định chia huyện Lạc Thủy thành 2 huyện Lạc Thủy và Yên Thủy. Huyện Yên Thủy ngày nay có 13 xã, thị trấn. Dân tộc Mường chiếm 68,9%, dân tộc Kinh chiếm 30,9%, còn lại là các dân tộc khác…
(HBĐT) - Trước kia, huyện Đà Bắc thuộc lộ Đà Giang. Đến thế kỷ XV, Đà Bắc là một động của Mộc Châu thuộc phủ Gia Hưng, xứ Hưng Hoá. Năm Cảnh Hưng thứ 36 (năm 1775), Mộc Châu chia thành 3 châu là Mộc Châu, Mã Nam và Đà Bắc. Từ đó, Đà Bắc trở thành đơn vị hành chính cấp châu thuộc phủ Gia Hưng, trấn Hưng Hoá.
(HBĐT) - Vùng đất Lạc Thủy xưa thuộc huyện Xích Thổ, trấn Thiên Quan. Đến thời nhà Lê, Lạc Thủy thuộc huyện Yên Hóa, phủ Thiên Quan, đạo Thanh Bình. Năm 1886, tỉnh Mường được thành lập gồm 4 phủ: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn và Chợ Bờ. Năm 1896, khi tỉnh Mường được đổi tên thành tỉnh Hòa Bình gồm 4 châu (Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Mai Đà), khi đó, huyện Lạc Thủy thuộc châu Lạc Sơn.
(HBĐT) - Tên gọi Lạc Sơn chính thức có từ ngày 22/6/1886, là một trong bốn phủ của tỉnh Mường (sau là tỉnh Hoà Bình) là: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn và Chợ Bờ. Dân cư của phủ Lạc Sơn lúc này có khoảng 3 vạn người (dân tộc Mường chiếm khoảng 80%). Năm 1908, phủ được gọi là châu. Châu Lạc Sơn được phân thành 4 tổng đó là: tổng Lạc Thành, tổng Lạc Đạo, tổng Lạc Nghiệp và tổng Lạc Thiện có 52 xã. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, từ châu được đổi thành huyện.
(HBĐT) - Thị xã Hoà Bình trước đây (nay là thành phố Hòa Bình) được thành lập năm 1896 theo sắc lệnh của toàn quyền Đông Dương. Trước năm 1896, trung tâm của tỉnh Mường Hoà Bình được đặt ở chợ Bờ. Sau khi bị nghĩa quân Đốc Ngữ tập kích mới dời về địa điểm hiện nay và mang tên thị xã Hoà Bình. Ngày 27/10/2006, thị xã được Chính phủ công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh.