(HBĐT) - Sinh ra trong một gia đình bần nông ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, Cù Chính Lan sớm tham gia cách mạng. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, anh là thế hệ thanh niên đầu tiên trong xã tình nguyện nhập ngũ lên đường giết giặc.
Giang Mỗ - trận chiến oanh liệt
Sinh ra trong một gia đình bần nông ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, Cù Chính Lan sớm tham gia cách mạng. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, anh là thế hệ thanh niên đầu tiên trong xã tình nguyện nhập ngũ lên đường giết giặc.
Tân binh xã Bình Thanh (Cao Phong) tại Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan trước khi lên đường nhập ngũ năm 2017.
Tháng 11/1951, thực dân Pháp mở rộng cuộc tấn công ra vùng tự do ở Hòa Bình với âm mưu nối lại “Hành lang Đông - Tây” nhằm cắt đứt liên lạc của ta giữa Việt Bắc và khu 3, khu 4 để giành lại quyền chủ động trên chiến trường chính. ở Hòa Bình chúng thực hiện âm mưu thành lập “Xứ Mường tự trị” để phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Trước tình hình đó Trung ương Đảng chỉ thị đánh địch trên cả hai mặt trận là Hòa Bình và sau lưng địch là đồng bằng Bắc Bộ. Ngày 24/11/1951 Tổng Quân ủy quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình.
Trong trận Giang Mỗ lần thứ nhất, ngày 7/12/1951, khi bố trí trận địa bị lộ, địch bắn dữ dội, ta tạm thời rút lui. Trận Giang Mỗ lần thứ hai, ngày 13/12/1951, địch lọt vào trận địa, cả đơn vị nổ súng quyết liệt, diệt gọn một đại đội địch. Lúc chuẩn bị rút thì xe tăng địch tiếp viện tới bắn dữ dội vào đội hình ta, chặn đường rút và làm nhiều anh em thương vong. Cù Chính Lan xông lên, anh nhảy lên xe tăng quăng lựu đạn vào trong xe, giặc nhặt lựu đạn ném ra và hốt hoảng lái xe tăng chuyển hướng. Thời cơ diệt xe tăng địch ngay trước mắt, Cù Chính Lan dũng cảm, táo bạo mở chốt lựu đạn ném vào buồng lái, lựu đạn nổ, những tên giặc trong xe chết đè lên nhau, chiếc xe dừng lại tại chỗ, trận đánh kết thúc thắng lợi. Đây chiếc xe tăng do Mỹ sản xuất mang số hiệu “B2885498 USA”.
Trong trận thắng oanh liệt tại dốc Giang Mỗ, với tinh thần anh dũng tuyệt vời, Anh hùng Cù Chính Lan và các chiến sĩ Tiểu đoàn 353, Trung đoàn 66 đã diệt xe tăng của thực dân Pháp do Mỹ trang bị, mở đầu phong trào đánh xe tăng - phương tiện chiến đấu hiện đại của địch bằng vũ khí thông thường. Với chiến công này, anh được Bộ Tổng Tư lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba với danh hiệu Anh hùng đánh xe tăng. Danh tiếng “Anh hùng đường số 6” lẫy lừng từ đấy. ở khắp nơi trong toàn quân, mọi người đều học tập và noi gương Cù Chính Lan, một “Phong trào Cù Chính Lan” được phát động. Sau đó ít ngày, ngày 29/12/1951, Cù Chính Lan tham gia trận đánh tiêu diệt đồn Cô Tô. Mặc dù bị thương rất nặng nhưng anh vẫn không rời trận địa, tiếp tục chỉ huy tiểu đội liên tiếp phá 5 hàng rào dây thép gai vào lô cốt địch. Khi đồn chính bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn cũng là lúc đồng chí trút hơi thở cuối cùng. Năm đó, anh vừa tròn 20 tuổi, là tiểu đội trưởng bộ binh, Đại đoàn 304, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Cù Chính Lan là một hình ảnh sáng ngời của người chiến sĩ thi đua ái quốc. Ngày 19/5/1952, liệt sĩ Cù Chính Lan là 1 trong 7 người đầu tiên trên toàn quốc được Đảng và Chính phủ truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Cuộc sống mới trên chiến trường xưa
Trong không khí kỷ niệm 65 năm giải phóng Hoà Bình, chúng tôi đã về nơi là chiến trường xưa. Từ ngã ba dốc Cun (thành phố Hoà Bình) rẽ vào đường Tây Tiến - quốc lộ 6 cũ đi chừng 6 km theo con đường uốn lượn sẽ gặp Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan được xây dựng ngay cạnh đường, trong tư thế hiên ngang, bất khuất trên nền trời cao xanh vời vợi. Công trình được xây dựng để ghi nhớ công ơn của người anh hùng trẻ tuổi, ghi dấu chiến công diệt xe tăng của Anh hùng Cù Chính Lan, được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 1993. Qua tìm hiểu, thực tế Đài tưởng niệm được xây dựng từ năm 1994 tại dốc Giang Mỗ, nơi Anh hùng Cù Chính Lan đã tiêu diệt chiếc xe tăng của địch. Nhưng vì di tích được xây dựng trong không gian, địa thế hẹp, trải qua thời gian, công trình xuống cấp. Năm 2008, Đài tưởng niệm được di dời về cơ sở mới khang trang hơn tại xóm Mỗ I, xã Bình Thanh (Cao Phong). Công trình được xây dựng trên tổng diện tích 3.638 m2. Tượng và bệ tượng được chế tác từ nguồn nguyên liệu đá xanh Thanh Hóa có chiều cao 8,5 m, tổng thể tích 160,4 m3.
Đồng chí Nguyễn Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Bình Thanh cho biết: Từ khi công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng đã trở thành không gian giáo dục truyền thống lịch sử quê hương, chiến tranh cách mạng, mỗi người dân trong xã đều có ý thức trân trọng, giữ gìn, bảo vệ di tích.
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đinh Thị Ngọc Bé chia sẻ: Tượng đài ghi dấu chiến công của Anh hùng Cù Chính Lan chiến đấu chống quân xâm lược trên quê hương Hoà Bình hết sức có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, là nơi phát động các phong trào. Từ đó, lớp lớp ĐV-TN, học sinh trong xã noi gương anh ra sức học tập, rèn luyện, cống hiến để góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Đoàn Thanh niên xã thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ cảnh quan, môi trường khu di tích luôn được phong quang, sạch đẹp.
Đồng chí Nguyễn Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Với điều kiện kinh tế chính là sản xuất nông - lâm nghiệp, xã chủ trương khai thác hiệu quả lợi thế địa phương, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Những năm gần đây, nhân dân đầu tư trồng cây có múi như cam, bưởi với diện tích gần 50 ha, phát triển chăn nuôi dê bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá, từ mô hình cây ăn quả có hộ cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, con em đến tuổi đi học đều được đến trường. 100% hộ được dùng điện, nước hợp vệ sinh. 98% hộ tham gia BHYT. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 19,9 triệu đồng, số hộ nghèo giảm còn 12,27%.
Hà Thu
(HBĐT) - Mai Châu được hình thành từ thế kỷ XIII với tên gọi đầu tiên là Mường Mai. Đến thời Lê, châu Mai Châu được thành lập gồm 3 động thuộc lộ Đà Giang, trấn Gia Hưng, xứ Hưng Hóa. Thời kỳ Pháp thuộc, tỉnh Mường Hòa Bình được thành lập (năm 1886), châu Mai Châu thuộc phủ Chợ Bờ.
(HBĐT) - Những bàn tay nam thanh, nữ tú nắm chặt say điệu xòe, điệu khắp đối đáp tình tứ được cất lên kéo dài đến tận đêm về sáng… hòa trong tiết xuân của đất trời, người Thái ở Mai Châu đón Lễ cơm mới. Trước đây, người Thái không ăn Tết Nguyên đán như người Việt, Lễ cơm mới được xem là nghi lễ lớn nhất trong năm. Tuy đã có nhiều giao thoa, tiếp biến với văn hóa của các dân tộc khác, song cho đến nay, Lễ cơm mới của người Thái ở huyện Mai Châu vẫn còn giữ được những nét độc đáo, riêng biệt.
(HBĐT) - Trong mường tượng của những người chưa từng đi chợ phiên dịp Tết, phiên chợ Tết hẳn sẽ có những âm sắc rất riêng, giống như lát cắt văn hóa độc đáo không thể hòa lẫn giữa muôn màu cuộc sống. Mang theo sự háo hức, thỏa mãn trí tò mò, chúng tôi tìm đến chợ Tết để ngao du, vui chơi, hòa mình vào không gian đậm sắc thái vùng miền khi Tết đến, xuân về.
(HBĐT) - Trước cách mạng tháng Tám, một số xã thuộc huyện Yên Thủy hiện nay thuộc phủ Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) hoặc huyện Lạc Thủy (tỉnh Hà Nam). Sau này, trong kháng chiến chống Pháp, ủy ban hành chính Liên khu III quyết định cắt 5 xã phía Tây huyện Nho Quan về huyện Lạc Thủy, đồng thời chuyển huyện Lạc Thủy (vốn trước thuộc châu Lạc Sơn) về trực thuộc tỉnh Hòa Bình (năm 1953). Đến ngày 17/8/1964, Hội đồng Chính phủ quyết định chia huyện Lạc Thủy thành 2 huyện Lạc Thủy và Yên Thủy. Huyện Yên Thủy ngày nay có 13 xã, thị trấn. Dân tộc Mường chiếm 68,9%, dân tộc Kinh chiếm 30,9%, còn lại là các dân tộc khác…
(HBĐT) - Trước kia, huyện Đà Bắc thuộc lộ Đà Giang. Đến thế kỷ XV, Đà Bắc là một động của Mộc Châu thuộc phủ Gia Hưng, xứ Hưng Hoá. Năm Cảnh Hưng thứ 36 (năm 1775), Mộc Châu chia thành 3 châu là Mộc Châu, Mã Nam và Đà Bắc. Từ đó, Đà Bắc trở thành đơn vị hành chính cấp châu thuộc phủ Gia Hưng, trấn Hưng Hoá.
(HBĐT) - Vùng đất Lạc Thủy xưa thuộc huyện Xích Thổ, trấn Thiên Quan. Đến thời nhà Lê, Lạc Thủy thuộc huyện Yên Hóa, phủ Thiên Quan, đạo Thanh Bình. Năm 1886, tỉnh Mường được thành lập gồm 4 phủ: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn và Chợ Bờ. Năm 1896, khi tỉnh Mường được đổi tên thành tỉnh Hòa Bình gồm 4 châu (Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Mai Đà), khi đó, huyện Lạc Thủy thuộc châu Lạc Sơn.