Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho việc hợp nhất tỉnh, ngày 1/4/1976, tỉnh Hà Sơn Bình chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Năm 1976, tổng sản phẩm xã hội đạt 867,76 triệu đồng, tăng 9,4% so với năm trước; thu nhập quốc dân 509,32 triệu đồng, tăng 10,4% so với năm 1975, bình quân đầu người 258 đồng/năm. Toàn tỉnh rút khỏi lĩnh vực nông nghiệp 4,2 vạn lao động, trong đó cung cấp cho nhu cầu T.Ư 2,4 vạn lao động, cho địa phương 1,8 vạn lao động. Số lao động nông nghiệp năm 1975 chiếm 79%, năm 1976 rút xuống còn 74%. Lao động công nghiệp từ 8,4% tăng lên 11,29%, lao động xây dựng cơ bản tăng từ 3,97% lên 5,35%...
Điều đó đã "chứng tỏ nền kinh tế tỉnh bước đầu có bước chuyển biến mới trong việc phân bố lại lực lượng lao động theo hướng giảm bớt lao động trong nông nghiệp để bổ sung cho ngành nghề khác, trước hết là công nghiệp và xây dựng cơ bản”.
Giai đoạn 10 năm (1976 - 1985), kinh tế Hà Sơn Bình có bước chuyển biến mới theo hướng tự lực, tự cường đi lên, ổn định dần từng mặt. Quan hệ sản xuất được củng cố thêm một bước. Đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh vẫn giữ được ổn định, có phần cải thiện, cơ sở vật chất được tăng cường, nhất là về thủy lợi. Dù còn nhiều khó khăn, song tỉnh Hà Sơn Bình đã chi viện sức người, sức của đến mức cao nhất cho công trình thủy điện Hòa Bình, cho tuyến đầu biên giới, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ địch, giữ vững ANCT - TTATXH trên địa bàn.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) là mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển trong nhận thức của Đảng ta. Đại hội đã xác định đường lối mới xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ; đề ra nhiệm vụ, mục tiêu của chặng đường đầu tiên của cả thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta là: "Ổn định tình hình KT-XH, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa trong chặng đường tiếp theo”.
Đường lối đổi mới của Đảng được Nhân dân các dân tộc tỉnh hưởng ứng tích cực, đi vào cuộc sống, đạt được thành tích bước đầu rất quan trọng ngay từ năm đầu (1986). Sản xuất nông nghiệp được xác định là mặt trận hàng đầu nên có bước phát triển toàn diện. Tổng sản lượng lương thực (quy thóc) đạt 48,4 vạn tấn, là năm có sản lượng cao nhất từ trước đến nay.
Đời sống Nhân dân đã được cải thiện rõ rệt; cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh được cung cấp lương thực ổn định hơn. Sản xuất công nghiệp, chăn nuôi, giao thông vận tải, văn hóa - xã hội đã dần ổn định và có bước phát triển. Đồng thời ở giai đoạn này, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Hòa Bình đã nỗ lực vượt lên khó khăn, thiếu thốn, tập trung sức người, sức của, đóng góp, hy sinh to lớn để hoàn thành nhiệm vụ T.Ư giao, phục vụ có hiệu quả, đáp ứng thời gian, điều kiện cho việc thi công Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII (tháng 8/1991), quyết định tách tỉnh Hà Sơn Bình thành 2 tỉnh Hòa Bình và Hà Tây. Có thể nói, 15 năm sáp nhập tỉnh, Nhân dân các dân tộc Hòa Bình và Hà Tây dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Sơn Bình đã đoàn kết, chung sức, chung lòng, vượt qua những gian nan, thử thách để xây dựng cuộc sống mới, phát triển KT-XH. 15 năm (1976 - 1991), Đảng bộ Hà Sơn Bình và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của tỉnh Hà Sơn Bình. Đó là những tiền đề, điều kiện quan trọng để tỉnh Hòa Bình phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình.
(Còn nữa)
L.C (TH)
(HBĐT)-Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Phấn khởi trước thắng lợi vừa giành được, từ tháng 3/1973, theo chỉ thị của Tỉnh ủy, các địa phương, đơn vị tiến hành đợt tổng kết 8 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1965-1972). Tổng kết nêu rõ: Từ năm 1965 - 1972, tổng số bom đạn Mỹ sử dụng đánh phá trong tỉnh là 5.315 quả và hàng chục nghìn đạn 20 ly. Để chủ động tiêu diệt máy bay địch khi chúng đến xâm phạm địa bàn, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã độc lập và phối hợp chiến đấu 853 trận, bắn rơi 49 máy bay... Dân quân tự vệ đã huy động 436.015 ngày công để làm đường vòng tránh, sửa chữa cầu phà bảo đảm giao thông, đào đắp 225.180 hố cá nhân, 214.796 hầm tập thể, 1.194.500 m giao thông hào để phòng tránh, cơ động đánh địch. Vừa chiến đấu, vừa sản xuất, phát huy tinh thần tự lực tự cường, lực lượng vũ trang tỉnh tham gia lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, tự túc được 36.440 kg gạo, 8.600 kg thịt lợn, 43.550 kg rau xanh, khai thác được 395 m3 đá, 37.000 viên đá ong, 1.211 m3 gỗ tròn, 36.000 cây tre, bương; sản xuất 425.000 viên gạch, 97.000 viên ngói để làm mới 736 gian nhà ngói, 1.292 gian nhà tre lá, phục vụ cho các đơn vị tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông...