Từ khi tái lập tỉnh (năm 1991) đến nay, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, QP-AN, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng, tiến tới mục tiêu xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh.
Ngày 19/9/1991, Hội nghị Tỉnh uỷ lâm thời lần thứ nhất đã phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí Ủy viên Thường vụ và Tỉnh uỷ viên. Hội nghị quyết định chủ trương không xáo trộn cán bộ lãnh đạo cấp huyện, bổ nhiệm, điều chuyển cán bộ ở thị xã Hoà Bình và tiếp nhận cán bộ, viên chức ở Tổng Công ty Sông Đà về tỉnh công tác; nhanh chóng ổn định trụ sở làm việc của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo đời sống Nhân dân.
Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã quan tâm và đặc biệt coi trọng nhiệm vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, đặt thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt chỉ đạo thường xuyên, tập trung. Đẩy mạnh trồng cây công nghiệp và trồng rừng theo dự án PAM. Các hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải được củng cố, đẩy mạnh. Xí nghiệp cơ khí 3-2, công ty vận tải ô tô, nhà máy giấy Kỳ Sơn... được củng cố, sắp xếp lại. Các ngành tài chính, thương mại, lương thực, giáo dục, y tế, văn hoá - xã hội được triển khai kịp thời, đảm bảo hoạt động thường xuyên, bước đầu có kết quả rõ rệt.
Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu xây dựng và phát triển, thị xã Hòa Bình ngày càng phát triển lớn mạnh. Ngày 27/10/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2006/ NĐ-CP về việc thành lập TP Hòa Bình thuộc tỉnh Hòa Bình. TP Hòa Bình có diện tích 13.276,05 ha với 95.589 nhân khẩu, có 14 đơn vị hành chính.
Ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình. Theo đó, toàn tỉnh giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện; giảm 59/210 đơn vị hành chính cấp xã; tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 9 huyện và 1 thành phố; 151 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 131 xã, 10 phường và 10 thị trấn.
Trong 30 năm (1991 - 2021), Đảng bộ tỉnh đã tiến hành 7 kỳ đại hội, mỗi kỳ đại hội Đảng bộ đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh về trí tuệ và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị địa phương, niềm tin của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với Đảng bộ được khẳng định.
Từ một tỉnh có xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, công nghiệp kém phát triển, kinh tế thuần nông là chủ yếu, tỉnh đã chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy các thế mạnh, khai thác mọi nguồn lực, tạo ra những đột phá để tập trung phát triển KT-XH.
Kinh tế của tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao; quy mô nền kinh tế được mở rộng, năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 54.956 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; đến hết năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 45,58% (công nghiệp chiếm 38,89%), dịch vụ chiếm 29,32%, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 19,98%, thuế sản phẩm 5,12%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 63,8 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015, cao hơn trung bình khu vực trung du, miền núi phía Bắc và bằng khoảng 92% GDP bình quân đầu người của cả nước.
Các tiềm năng, lợi thế đang được khai thác hiệu quả, diện mạo đô thị biến đổi sâu sắc, đời sống người dân được cải thiện mạnh mẽ. Hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị không ngừng được nâng cao. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chất lượng điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp chuyển biến rõ nét. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Hoạt động đối ngoại được mở rộng. Chính trị - xã hội ổn định, QP-AN được giữ vững.
Đảng bộ và Nhân dân tỉnh phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, đổi mới mạnh mẽ tư duy, hành động, huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo đột phá để phát triển nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao chất lượng GD&ĐT; tập trung xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo quốc phòng, giữ vững ANTT. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ, đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
(Còn nữa)
L.C (TH)
(HBĐT)-Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Phấn khởi trước thắng lợi vừa giành được, từ tháng 3/1973, theo chỉ thị của Tỉnh ủy, các địa phương, đơn vị tiến hành đợt tổng kết 8 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1965-1972). Tổng kết nêu rõ: Từ năm 1965 - 1972, tổng số bom đạn Mỹ sử dụng đánh phá trong tỉnh là 5.315 quả và hàng chục nghìn đạn 20 ly. Để chủ động tiêu diệt máy bay địch khi chúng đến xâm phạm địa bàn, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã độc lập và phối hợp chiến đấu 853 trận, bắn rơi 49 máy bay... Dân quân tự vệ đã huy động 436.015 ngày công để làm đường vòng tránh, sửa chữa cầu phà bảo đảm giao thông, đào đắp 225.180 hố cá nhân, 214.796 hầm tập thể, 1.194.500 m giao thông hào để phòng tránh, cơ động đánh địch. Vừa chiến đấu, vừa sản xuất, phát huy tinh thần tự lực tự cường, lực lượng vũ trang tỉnh tham gia lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, tự túc được 36.440 kg gạo, 8.600 kg thịt lợn, 43.550 kg rau xanh, khai thác được 395 m3 đá, 37.000 viên đá ong, 1.211 m3 gỗ tròn, 36.000 cây tre, bương; sản xuất 425.000 viên gạch, 97.000 viên ngói để làm mới 736 gian nhà ngói, 1.292 gian nhà tre lá, phục vụ cho các đơn vị tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông...