Những dòng văn tự cổ được khắc trên đá đã ghi lại chủ nhân của khu mộ cổ là Đô đốc Uy lộc hầu Đinh Công Kỷ.

Những dòng văn tự cổ được khắc trên đá đã ghi lại chủ nhân của khu mộ cổ là Đô đốc Uy lộc hầu Đinh Công Kỷ.

(HBĐT) - Nói đến chế độ lang đạo ở Kim Bôi là nói đến dòng họ lang Đinh Công ở Chiềng Động (Vĩnh Đồng). Lang ở Chiềng Động là người hoàng tộc, được ban tước hiệu “Phó vương một đời và làm vua xứ Mường 10 đời”. Tuy vậy, cho đến giờ vẫn còn những câu chuyện ít biết về dòng dõi quan lang nổi tiếng ở vùng Mường Động này.

 

Trong lịch sử, lang cun Chiềng Động là một trong những lang có thế lực về chính trị, kinh tế của đất Mường Hòa Bình. Theo Công sứ tỉnh Hòa Bình thời Pháp thuộc Pierre Grosin viết trong cuốn “Tỉnh Mường Hòa Bình” thì:  lang ở Mường Chiềng là người hoàng tộc, được ban tước hiệu “Phó vương một đời và làm vua xứ Mường 10 đời”. ông Bùi Đức òm, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đồng cho biết: Những cứ liệu trên tuy chỉ là truyền thuyết, song cũng phần nào nói lên thế lực của dòng họ nhà lang ở Mường Chiềng dưới chế độ phong kiến lang đạo.

 

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về dòng dõi quan lang vùng Mường Động, cả ông Bùi Đức òm, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã và anh Bùi Văn Hùng, Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) đều chỉ đến gia đình ông Đinh Công Dũng, hậu duệ đời thứ 21 của dòng họ Đinh Công ở Mường Động. Trước khi đến nhà ông Đinh Công Dũng, ông Bùi Đức òm chia sẻ: Dòng họ Đinh Công ở Vĩnh Đồng thực ra là một dòng họ có công phò vua giúp nước và trong việc cai quản dân chúng. Vậy nhưng trong suốt những năm qua,  họ luôn mặc cảm là bởi những câu chuyện thêu dệt xung quanh khu mộ Đống Thếch của dòng họ, về sự khét tiếng tàn bạo khi người nhà lang chết chôn sống 50 người con gái và 50 người con trai để phục dịch nấu cơm, thổi sáo cho người nhà lang ở cõi “Mường ma”. Đó là những câu chuyện không có thật được người đời thêu dệt để lý giải về sự linh thiêng, khiếp sợ của người dân với “thánh địa Mường ma” của nhà lang mà thôi.

 

Khu mộ đá Đống Thếch được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là niềm tự hào của dòng họ Đinh Công.

 

Quanh co theo con đường bê tông, ngay lối vào nhà ông Đinh Công Dũng, chúng tôi đã gặp một người đàn ông có nước da đen sạm và mái tóc đã bạc quá nửa đầu. Cuộc mưu sinh hàng ngày giờ đã làm cho con người mới ngoài 50 tuổi, thuộc dòng dõi nhà lang uy quyền khi xưa trở nên khắc khổ. Câu chuyện giữa chúng tôi với ông Dũng dù đã bước qua tuần trà thứ 3 nhưng ông vẫn khăng khăng từ chối không cung cấp thông tin vì trước đó đã có nhiều người đưa thông tin sai lệch. Phải đến khi được ông Bùi Văn Binh, nguyên là Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đồng có lời, khi ấy ông Dũng mới miễn cưỡng mở lòng. Theo cuốn gia phả của dòng họ Đinh Công được phụng soạn vào năm Cảnh Hưng thứ 25 (1724) thì cụ tổ của dòng họ Đinh ở Mường Động là Đinh Như Lệnh (sinh năm 1365) vào khoảng cuối đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369) sinh được 2 người con là Đinh Quý Khiêm và Đinh Văn Hưng. ông Đinh Quý Khiêm là con trưởng, sinh vào cuối đời vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398) được nối nghiệp cha làm Thổ tù Mường Động. Gặp thời Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn năm 1426 mang quân ra Bắc đánh đuổi giặc Minh xâm lược, ông Khiêm đã đưa quân “sơn dõng” ra phò vua Lê đánh giặc và lập được nhiều chiến công. Quân “sơn dõng” của Đinh Quý Khiêm đã tham gia các trận đánh nổi tiếng như Tốt Động, Chúc Động, Cổ Lãm - Ninh Kiều và vây hãm thành Đông Quan... buộc quân Minh phải đầu hàng rút về nước. Sau khi dẹp giặc, Lê Lợi lên ngôi vua đã phong chức “Phụ quốc tướng quân Khiêm nghĩa hầu” cho Đinh Quý Khiêm và cho cai quản suốt các vùng xứ Sơn Tây. Tiếp sau ông Khiêm, con trai là Đinh Như Luật và các các thế hệ tiếp nối nghiệp làm Thổ tù cai quản nhân dân vùng Mường Động kéo dài gần 100 năm. Đến đời ông Đinh Văn Cương (sinh vào khoảng giữa thế kỷ 16, thời kỳ Lê - Mạc phân tranh), dòng họ Đinh Công mới đạt đến đỉnh cao về quyền lực, tước vị triều chính. Cuộc chiến giữa nhà Lê với nhà Mạc đã kéo dài gần 50 năm, sau khi Tiết chế Trịnh Tùng diệt được Mạc Mậu Hợp vào tháng chạp năm Nhâm Thìn (1592), tình hình trong nước đã biến chuyển nghiêng về phía nhà Lê. Tháng 3 năm Quý Tỵ (1593), vua Lê Thế Tông đã từ Thọ Xuân - Thanh Hóa ra Bắc. Các địa phương xa giá đi qua đều phải có tráng đinh chờ đón để đi theo phục vụ chuyên chở hành trang của nhà vua. ông Đinh Văn Cương thấy đây là một dịp tốt để tiến thân nên đã xin theo nhà vua. Khi đoàn người đi đến vùng núi hoang vu bất thần có 4 thích khách từ trong bụi rậm nhảy ra với ý đồ sát hại nhà vua. Cả 4 thích khách đều có võ nghệ cao cường, quân lính hộ vệ không chống trả nổi. Tính mạng nhà vua nguy cấp, thấy vậy, ông Cương liều giằng lấy ngọn giáo của quân tiền vệ xông lên giết chết 4 thích khách cứu vua thoát nạn. Kịp thời hộ giá, cứu nhà vua thoát khỏi nguy nan, ông được vua phong chức “Tiền quân hộ úy”. Sau khi xa giá về đến Thăng Long, ông được vua Lê cho sang dinh Tiết chế Trịnh Tùng để đi đánh giặc lập công. Lập nhiều chiến công, ông được sắc phong “Phụ quốc Thượng tướng quân tước Uy lộc hầu”  trấn giữ ở đạo Kinh Bắc (Bắc Ninh) hơn 7 năm. Khi tuổi đã cao, ông xin về nghỉ ở “Bảo Minh nông”, nhà vua sắc ban cho ông được cai quản 7 xã dân binh. Sau 20 năm đóng giữ đất “Bảo Minh nông”, ông được sắc phong tước “Quận công” giữ chức “Phiên thần” cai quản nhân dân địa phương. Từ đây dòng họ Đinh mới đệm thêm chữ Công sau họ Đinh cho con trai để tưởng nhớ đến việc thừa hưởng công lao tổ tiên để lại. Sau ông Cương, con trai Đinh Công Kỷ, đời thứ 8 (SN 1582) tiếp nối việc cai quản vùng Mường Động. Nối nghiệp cha, ông Đinh Công Kỷ cầm quân chiến đấu dưới thời của vua Lê Thần Tông. ông lập được nhiều chiến công và cũng là người có công giúp vua Lê Trung Hưng xây dựng triều chính, trở thành rường cột của triều đình nên được sắc phong chức “Đô đốc oai lộc hầu” đời đời nối nghiệp làm “phiên thần” cai quản dân binh 7 xã. Con cháu Đinh Công Kỷ lần lượt là Đinh Công Miên, Đinh Công Kích, Đinh Công Tham, Đinh Công Bàng, Đinh Công Trinh đều kế tục làm thổ tù cai quản dân binh 7 xã vùng Mường Động. Từ đời Đinh Công Trinh cho đến khi chính quyền cách mạng tuyên bố xóa bỏ chế độ lang đạo, dòng họ Đinh Công đã trải qua hàng chục đời nối tiếp cai quản vùng đất Mường Động. Nhiều biến cố đã xảy ra dẫn đến tranh đoạt ngôi vị, đánh nhau, chết chóc... Đúng như nhận xét của viên Công sứ Pierre Grosin: Lịch sử chế độ quan lang đầy rẫy những cuộc tranh giành, giết chóc đẫm máu.

 

Cuốn gia phả với văn tự cổ màu vàng úa ghi lại những vinh hiển và thăng trầm của dòng họ Đinh Công ở xứ Mường Động.

 

Dẫn chúng tôi ra khu mộ đá Đống Thếch, mân mê từng gợn đá, lướt những ngón tay khô gầy theo những văn tự cổ theo thời gian đã mờ dần trên những cột đá trong nỗi khắc khoải hoài cổ, ông Đinh Công Dũng mở lòng: Tính từ đời cụ tổ Đinh Như Lệnh, cho đến nay dòng họ Đinh Công ở Mường Động  đã trải qua, tiếp nối đến đời thứ 23 và còn tiếp tục phát triển nữa. Dù trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, nhưng điều làm chúng tôi tự hào nhất là dòng họ đã để lại cho đời sau một tài sản vô giá về văn hóa đó là khu mộ đá Đống Thếch mà chủ nhân là Đô đốc Uy lộc hầu Đinh Công Kỷ. Do có công với nước nên khi chết ông được mai táng theo tước hầu, quan tài làm bằng gỗ trám đen, ngoài sơn son thếp vàng. Đặc biệt, vua Lê đã cho chuyển nhiều phiến đá xanh từ Thanh Hóa ra làm cột mồ. Theo thống kê của Bảo tàng Hòa Bình, đợt khảo sát và khai quật vào năm 1984, đã thu được hàng trăm hiện vật phong phú. Đặc biệt, với những giá trị của mình, năm 1996 khu mộ cổ Đống Thếch đã được Bộ VH -TT công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

 

Thêm một điều đặc biệt, ở đời thứ 19 dòng họ Đinh Công, anh em nhà ông Đinh Công Huy, Đinh Công Niết sau khi giác ngộ cách mạng đã từ bỏ tước vị quan lang ở vùng Mường Cời (Tân Vinh - Lương Sơn) trở thành những chí sỹ yêu nước. Thậm chí ông Đinh Công Huy còn từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch ủy ban kháng chiến tỉnh Hòa Bình và có cả một tiểu đoàn mang tên Đinh Công Niết, hay một Đinh Công Đốc như một dũng tướng cưỡi ngựa, khoác gươm - súng đi giải giáp quân đội Nhật ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa.

 

Có thể nói, không nằm ngoài quy luật thịnh - suy tất yếu, dòng họ Đinh Công ở Mường Động cũng đã trải qua biết bao biến cố, thăng trầm. Trong dòng chảy ấy dù lúc yên bình hay khi dậy sóng, họ cũng đã trở thành một phần tất yếu của lịch sử đất Mường, dân tộc Mường ở Hòa Bình.

 

 

                                                                               Mạnh Hùng

   

 

 

Các tin khác

Người Mường Vang vẫn giữ phong tục tập quán  “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui”. Trong ảnh: Lợn được đem thui trước khi đem chia phần cho các nhà ăn đụng.
Ruộng bậc thang tại xã Quý Hòa (Lạc Sơn).
Cách trung tâm thành phố Hòa Bình 12 km, dưới chân núi Mỗ, Bản Giang Mỗ thuộc xã Bình Thành (Cao Phong) gồm hơn 100 ngôi nhà sàn của người Mường còn giữ nguyên bản từ nhà cửa đến nếp sinh hoạt.
Nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh được bảo tồn và phát triển.
Trong ảnh: Các nghệ nhân dân tộc Mường biểu diễn cồng chiêng trong Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh.

Cồng chiêng trong đời sống người Mường

(HBĐT) - Truyền thuyết xưa kể lại rằng, trong các hang động, mái đá trong khu vực người Mường sinh sống có nhiều hòn đá, nhũ đá thiên nhiên khi gõ vào phát ra những âm thanh bùng, biêng... nghe rất vui tai.

Về Mai Châu thơm lễ cơm mới

(HBĐT) - Năm nào cũng vậy, lễ cơm mới của người Thái ở Mai Châu được tổ chức một lần vào tháng 8 âm lịch. Không định ngày tuỳ theo điều kiện của từng gia đình mà làm lễ cơm mới to hay nhỏ.

Con số và sự kiện về tỉnh Hòa Bình qua các thời kỳ

(HBĐT) - Ngày 22/6/1886, tỉnh Hòa Bình được thành lập, lấy tên là tỉnh Mường gồm có 4 phủ: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn, Chợ Bờ, tỉnh lỵ đặt tại chợ Bờ.

Đôi nét về các dân tộc anh em trên vùng đất Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình từ lâu là một địa danh nổi tiếng với nền văn hóa đặc sắc, tiêu biểu trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Trên vùng đất lịch sử này, các dân tộc anh em đã cùng đoàn kết, gắn bó xây dựng và bảo vệ quê hương, tô thắm núi sông, bản làng, xây dựng nên truyền thống văn hóa đa dạng, phong phú đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó có 7 dân tộc chủ yếu là Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông, Hoa.

Thức dậy hồn chiêng Mường Bi!

(HBĐT) - Mường Bi - xứ Mường lớn nhất trong 4 Mường. Song hành cùng với một không gian văn hóa truyền thống đặc sắc, Mường Bi còn gìn giữ được một không gian văn hóa cồng chiêng độc đáo. Hướng về Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm ngày tái lập tỉnh và Lễ hội văn hóa cồng chiêng, từ vùng núi cao Ngổ Luông, Quyết Chiến đến thủ phủ Địch Giáo, Phong Phú, Phú Vinh đã ngân dài những giai điệu ping! poòng! piing... Thức dậy rồi, hồn chiêng Mường Bi!

Trở lại với những roóng mo

(HBĐT) - Tôi được lãnh đạo tỉnh mời tham gia Ban Biên tập và tham gia soạn thảo, dịch thuật cuốn “Mo Mường Hòa Bình” mà trọng tâm là dịch thuật phần truyện tình “Vườn hoa - Núi cối”. Sau khi cuốn “Mo Mường Hòa Bình” hoàn thành, là những người cầm bút lại sinh ra từ vùng đất này, chúng tôi rất vui mừng, song cũng có nhiều băn khoăn, trăn trở về những cái được, chưa được của cuốn sách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục