Vào ngày hội xuân xóm Trang, xã Bắc Phong các trò chơi dân gian như nén còn, đánh đu vẫn thường được tổ chức.

Vào ngày hội xuân xóm Trang, xã Bắc Phong các trò chơi dân gian như nén còn, đánh đu vẫn thường được tổ chức.

(HBĐT) - “Vườn hoa núi cối” là một tích truyện nằm trong phần mo sử thi thuộc mo Mường Hòa Bình. Đây là một câu chuyện tình được thầy mo kể cho người đã khuất trong 12 đêm trước khi về “Mường Trời”.

 Không đơn thuần là một tích truyện trong những róng mo mà “Vườn hoa, núi Cối” với chùa di tích vó Piếng, đền Bụt và đặc biệt lễ hội chùa Vèng Ang đã trở thành một trong những ngày hội cầu may, cầu mùa lớn nhất của vùng trung tâm Mường Thàng. Họ gửi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về một cuộc sống bình yên, ấm no nơi bản Mường.

Vườn hoa núi Cối - Một tình sử bi tráng

 

Cùng những cán bộ văn hóa xã Tân Phong, chúng tôi đến nhà cụ Bùi Thị Nhận, xóm Trang Trên 3, ngay dưới chân Khụ Cối. Đã hơn 80 tuổi nhưng thiên tình sử bi tráng về Vườn hoa núi Cối vẫn được cụ Nhận kể lại rành rọt. Cụ bảo: Vườn hoa núi Cối thực chất là một tích truyện trong mo Mường được thầy cúng kể lại trong 12 đêm đưa tiễn người đã khuất về với Mường Trời. Mo Mường kể: cun chưởng Lý Vi Thàng giàu sang nhưng chưa có bà về ngồi võng lại, “chưa có mái về ngồi võng bên” nên đã nhờ ậu hỏi nàng chúa Nguyệt,  là người con gái đẹp ở vùng chợ Hạc, bến Đông về làm vợ. Để làm nàng chúa Nguyệt vui, cun chưởng Lý Vi Thàng đã cho mở chợ Khến, chợ Khang để nàng buôn vàng, bán bạc và mở hội của Vèng Ang, đưa 12 nàng thượng tiên theo hầu nàng chúa Nguyệt. Một lần, ông Cun Chưởng thử lòng vợ, ông giả ốm và gọi nàng vào hầu nhưng nàng Chúa Nguyệt đã có hành động coi thường chồng. Lý Vi Thàng vô cùng tức giận với hành động đó đã báo về cho cha mẹ vợ biết. Cha mẹ vợ gửi lên cho con gái một đôi gươm vàng. Nhận được món quà, nàng chúa Nguyệt biết mình phải làm gì và nàng đã tự xử bằng vũ khí đó cùng với 10 nàng thượng tiên đi theo nàng. Còn lại hai con tiên đi ở cho một gia đình vùng đó để hàng năm hương khói cho nàng chúa Nguyệt. Tiếng đồn về hai nàng thượng tiên đẹp người, đẹp nết đã thu hút nhiều chàng trai đến vùng Mường Thàng để xem, trong đó có chàng Khói và chàng Hoa là người ở Mường Rậm. Sau khi gặp nhau, chàng Khói, chàng Hoa và hai nàng thượng tiên đã đem lòng yêu nhau nhưng vì hai chàng đều đã có gia đình nên chuyện tình không thành. Cuối cùng để được ở bên nhau, họ đã cùng nhau vào Vườn hoa núi Cối, ăn lá ngón, uống rượu và chết bên nhau.

 

Tưởng nhớ đến công lao mở mang cõi chợ của cun trưởng Lý Vi Thàng và cảm động trước chuyện tình đẹp của chàng Hoa, chàng Khói với hai nàng thượng tiên, hàng năm, người dân trong vùng đã tổ chức lễ hội Vườn hoa núi Cối vào ngày 8-9 tháng giêng âm lịch để mong một mùa màng no ấm, một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc.

 

Không chỉ là một tích truyện trong róng mo, Vườn hoa núi Cối đã trở thành căn cứ địa cách mạng của quân và dân Cao Phong trong thời kỳ kháng Nhật cứu nước. Lịch sử Đảng bộ xã Tân Phong ghi nhận: Chùa Vèng Ang chính là địa điểm Ban cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình đã họp vào tháng 4/1945. Trong cuộc họp này, Ban cán sự đã quyết định thành lập khu căn cứ địa cách mạng Thạch Yên - Cao Phong.

 

Ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc

 

Hiện nay, khu chùa Vèng Ang đã bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn lại nền gạch và hai cây hoa đại, một chiếc chuông đồng đã được gìn giữ tại trụ sở UBND xã Tân Phong. Tuy nhiên, tích truyện về Vườn hoa núi Cối, những ngày hội xuân tưng bừng, rộn rã vẫn được người dân xóm Trang lưu truyền và gìn giữ. Cụ Bùi Thị Nhận kể: Trước năm 1954, lễ hội Vèng Ang vẫn được xếp vào một trong những lễ hội to nhất của Mường Thàng. Khi năm hết tết đến, xuân về, ngay từ trong năm, người dân đã dành gạo thơm, trâu tốt để chuẩn bị cho lễ hội Vèng Ang. Đến ngày 8 tháng giêng âm lịch, khi mưa xuân bắt đầu lất phất, người dân khắp các vùng Mường Trang (Tân Phong), Mường Đỏng (Dũng Phong), Mường Bảm (Tây Phong) lại nô nức kéo về Vèng Ang để dự lễ rước nước vào chùa cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ rước nước bắt đầu tư sáng sớm, kiệu rước nước do hai thanh nam, nữ tú thuộc Mường Trang và Mường Đỏng đưa ra Vó Piếng. ở đây, một cụ cao niên nhất trong Mường lấy nướng từ Vó Piếng rồi rước vào chùa làm lễ tế. Bát nước được để trong chùa 1 năm với mong ước sẽ có một năm mát mẻ với nhiều điều lành, điều tốt, cầu chúc cho một năm mới nhiều may mắn, người dân trong vùng làm ăn no đủ. Đó cũng là ước vọng về một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc. Vào những năm hạn hán, cả Mường lại làm thịt trâu trắng ở gò Ma Lơi rồi đưa về tế lễ ở chùa Vèng Ang để mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi.

 

Di tích chùa Vèng Ang hiện nay chỉ còn lại hai gốc hoa đại nhưng vẫn luôn là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

 

 “Mồng 8 rộng chùa, mồng 9 pồng pêng”, đó là cách mà những người già ở đây kể về lễ hội Vườn hoa núi Cối, nó có nghĩa là mùng 8 chơi chùa, mùng 9 chơi hội.  Sau tục tế lễ, đến ngày mùng 9 là ngày chính diễn ra  hội Vèng Ang. Vào ngày này, trai gái khắp vùng Mường Trang, Mường Đỏng, Mường Bảm lại tụ tập tổ chức các trò chơi dân gian như đánh đu, ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy. Hội chùa Vèng Ang cũng là lễ hội to nhất ở trung tâm Mường Thàng, chính vì vậy, ngày hội này cũng là ngày mà trai, gái mường gặp nhau, hát đối giao duyên. Qua lễ hội ấy đã có nhiều trai làng, gái làng nên vợ, nên chồng. Người ta tin rằng, những đôi trai gái gặp nhau, yêu nhau nên vợ, nên chồng ở hội Vèng Ang sẽ được chàng Hoa, chàng Khói và hai nàng thượng tiên phù hộ, sẽ hạnh phúc với nhau đến đầu bạc răng long. Ngoài các trò chơi, mỗi Mường đều có mâm cỗ của mình với đầy đủ các món ngon, vật lạ để dâng lên “bàn chùa”. 

 

Trở lại với khu di tích Vườn hoa núi Cối năm nay có một niềm vui bất ngờ khi Trưởng phòng VH - TT huyện Cao Phong Bùi Văn Bình thông báo: Huyện đã có kế hoạch phục dựng lại chùa Vèng Ang và lễ hội Vườn hoa núi Cối . Thông tin này không chỉ đem lại niềm vui cho những người già trong xóm mà ngay cả những thanh niên cũng háo hức chờ đợi. ông Bùi Văn Tín, Chủ tịch UBND xã Tân Phong cho biết: Dù đã  hơn nửa thế kỷ đi qua nhưng hội chùa Vèng Ang thực tế không mất. Nó chính là ngày hội xuống đồng, ngày hội xuân của những nam, nữ thanh niên nơi mảnh    đất giàu truyền thống này. Vào ngày 8-9 tháng giêng âm lịch là cả xóm Trang và nhân dân các xóm quanh vùng tụ tập về tổ chức các trò chơi dân gian, ném còn, đánh đáo, nhiều đội văn nghệ    tại các xóm tổ chức hát đối, hát giao duyên ngày xuân. Ngoài ra, những chàng trai mường lại tổ chức ngày hội thể thao giữa các xóm.

 

Năm nay, niềm vui như được nhân lên khi khu di tích Vườn hoa núi Cối, chùa Vèng Ang đã chính thức được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Quân, dân xã Tân Phong cũng được công nhận là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ đổi mới. Khắp trong làng, ngoài ngõ, nhà nhà chuẩn bị đón tết, vui ngày hội xuân. Cầu mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc vẫn luôn là ước vọng bao đời của người dân nơi đây.

 

 

                                                                Phương Linh

 

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục