Sân khấu hoá lễ rước sắc phong và rước thánh của lễ hội đình Cổi tại Liên hoan trình tấu cồng chiêng tỉnh Hoà Bình lần thứ nhất.
(HBĐT) - Trên dòng suối Vó Đuống, Vó Cối (xã Bình Chân, huyện Lạc Sơn) có một hòn đá giống con trâu nửa nằm, nửa ngồi, ghếch mõm lên trên mặt nước. Phần mõm ghếch lên ấy có một lỗ thủng tựa như mũi con trâu. Ngày lễ cầu mưa, người có chức vị cao nhất Mường trèo lên lưng trâu đá, tay cầm thừng, tay cầm mõ, rung liên hồi, miệng hô to: “mưa, mưa, mưa”. Tất cả mọi người dự lễ hô theo “mưa rồi, mưa rồi”.
Đó chỉ là một trong rất nhiều nghi lễ thú vị diễn ra trong lễ hội đình Cổi (xã Bình Chân, huyện Lạc Sơn) mà đã có lần chúng tôi được may mắn tham dự. Theo lời mời của những người bạn đất Mường Vang, sáng mồng 7 tháng giêng âm lịch; bị thôi thúc bởi sự tò mò nên khi trời vẫn còn chưa sáng tỏ, chúng tôi đã bắt đầu lên đường đi Lạc Sơn. Đoạn đường dài từ thành phố Hoà Bình đến Lạc Sơn trong một buổi sớm đầu xuân đưa chúng tôi đi qua khá nhiều lễ hội và điểm vui chơi nhộn nhịp. Sau hơn một tiếng đồng hồ du xuân đầy cảm xúc, chúng tôi đã có mặt tại lễ hội đình Cổi khi nơi đây đang rực rỡ váy áo, cờ quạt; rộn ràng trống chiêng.
Theo các cụ cao niên trong xã kể lại rằng: Tương truyền Quốc Mẫu cùng hai con gái là Vua Ả, Vua Út cưỡi voi từ núi Ba Vì về tới đồng Khậm Mụ (thuộc xã Bình Chân bây giờ) thì dừng chân nghỉ trưa. Quốc Mẫu giả trang người ăn mày tiếp xúc với đám trẻ chăn trâu, dạy chúng múa hát. Sau đó, mẹ con Quốc Mẫu (Hoàng Bà) biến lên đỉnh núi Bật cạnh đó. Còn lại hai con voi biến thành hai hòn đá to trên đồng Khậm Mụ. Từ đấy, dân dựng đình thờ Hoàng Bà ở Côi Đang, Khậm Mụ. Để tưởng nhớ công lao Quốc Mẫu (Hoàng Bà), người xóm Cành, nơi có những đứa trẻ chăn trâu được học múa hát với Hoàng Bà, được dân trong vùng phân công chuyên trông coi về múa chèo đình, còn gọi là vá chèo.
Ngày mở hội đình, khu vực này sặc sỡ cờ lọng, có long nghi, kiệu đòn sơn son thiếp vàng. Con cháu xa gần của Bình Chân lại tụ hội về đình đầy đủ để tham gia lễ hội truyền thống này. Chuẩn bị cho lễ hội, nhân dân trong làng đã họp nhau lại từ trước đó nhiều ngày để phân công công việc. Mâm cúng các vị thần được chuẩn bị chu đáo với những sản vật truyền thống như xôi trắng, thịt trâu, rượu men lá và thức ăn chay như chuối luộc, đu đủ luộc, mía và các loại bánh. Lễ hội được bắt đầu bằng một hồi trống để báo hiệu. Nghi lễ đầu tiên của lễ hội đình Cổi là nghi lễ rước sắc phong và rước Thánh. Một hồi chiêng giục giã được gióng lên, đội cồng, kiệu, nhạc bắt đầu xuất phát. Bài chiêng đi đường Mường Vang được diễn tấu cùng tốp nhạc sênh tiền, trống phách tạo cho không khí buổi rước thật rộn ràng và linh thiêng. Sau khi các thủ tục rước sắc phong và rước thánh đã hoàn tất, lễ khấn cầu được tiến hành. Bài chiêng “Dốn dến dài” cầu Vua và Hoàng Bà Quốc Mẫu ban cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi vang lên trong lời khấn cầu. Lúc này, chiêng được đánh lên liên hồi trong khi ông mo khấn. Phần lễ được tiếp tục với nghi thức cầu thổ công bằng bài chiêng “Dốn dến ngắn” cầu cho đất Mường yên lành. Sau khi cầu thổ địa xong thì chuyển sang cầu thành hoàng với phần trình tấu của bài “Chiêng bồng” cầu thành hoàng ban cho dân bản cuộc sống vui vẻ, an lành. Điều đặc biệt là trong lễ hội đình Cổi, khi ông mo khấn cầu thì cũng là lúc con trai xóm Cành biểu diễn các điệu múa chèo.
Xong phần lễ, phần hội được mở ra tưng bừng, náo nhiệt mà tiêu biểu là các màn múa sơ khai nguyên thuỷ, mô tả đời sống sinh hoạt vui tươi, lạc quan của dân Mường. Trong âm thanh rộn rã của bài cồng “Bông trắng bông vàng” hoà nhịp với dàn nhạc sênh tiền, trống, phách; các điệu múa bắt ếch, giáo roi, xỏ rề, đi cấy, kéo tiền và mặt mẽ lần lượt được biểu diễn.
Giữa rộn ràng tiếng cười nói của hàng ngàn người dân tham gia lễ hội, ông Bùi Văn Trung – Bí thư Đảng uỷ xã Bình Chân phấn khởi cho biết: Lễ hội đình Cổi được tổ chức để tạ ơn Hoàng Bà Quốc Mẫu và Đức Thánh Tản Viên đã có công cứu dân khỏi nạn hồng thuỷ, dạy dân cách làm ăn, trồng cấy mùa màng, chăn nuôi, dệt vải, phù hộ cho dân làng luôn mạnh khoẻ, an lành. Sau một năm lao động vất vả, lễ hội đình Cổi là dịp để người dân nghỉ ngơi, vui chơi và thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” với ông bà, tổ tiên. Người dân không chỉ khấn lễ tại đình mà ở gia đình khi cúng tổ tiên cũng cúng luôn cả Hoàng Bà, thành hoàng Mường với lời tôn kính “Đền Khoông Lu cái sao, đền Khoông Lao cái sáng; Quốc Mẫu hoàng bà cao xa đức mẹ” và thỉnh mời cả vua Út, vua Ả, Thánh Tản núi Ba Vì, vua Cun, vua Hải ở đền Trắng, đền Vành về dự lễ.”
Những năm hạn hán, lễ hội sẽ có thêm nghi lễ cầu mưa. Ngoài ra còn có lễ xuống đồng gọi là “Đậm bừa cắt”, lễ cơm mới, thi hát rằng thường, lễ đập bát ăn thề “thề giữ gìn sự đoàn kết giữa lang đạo với dân chúng”, cùng nhiều trò chơi khác. Ngoài ra, hội còn có nghi lễ “Đổ cờ”. Người ta vẽ một vòng tròn trên sân đình, các chức sắc Mường cho hạ đổ cột cờ, lá cờ ngả vào vòng tròn đó, đuôi cờ hướng về phía đình là điềm tốt, dân làng sẽ gặp may mắn, an vui. Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ hội đình Cổi còn là dịp để người già khuyên răn, dạy bảo con cháu về việc chăm chỉ lao động, quý trọng thành quả lao động, sống yêu thương, chan hoà. Lễ hội kết thúc bằng nghi thức hạ cây nêu với niềm hy vọng mới, mong một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, cuộc sống khoẻ mạnh, an lành.
Với những ý nghĩa sâu sắc và đầy tính nhân văn này, sau nhiều năm mai một, đầu tháng 11/2011, Ban Thường vụ Huyện uỷ Lạc Sơn đã có kết luận giao cho UBND huyện tiến hành việc phục dựng lễ hội đình Cổi (xã Bình Chân, huyện Lạc Sơn). Trong tương lai không xa, lễ hội đình Cổi không chỉ là hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng của riêng người dân Bình Chân mà còn là niềm tự hào của cả mảnh đất Mường Vang lịch sử.
Dương Liễu
(HBĐT) - Làng bản - địa vực cư trú chủ yếu của người Mường ở Hoà Bình là ven các thung lũng hẹp, trên sườn núi đá vôi và bên các dòng suối, bố trí theo hình rẻ quạt.
(HBĐT) - - Là tỉnh có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, nằm giao thoa giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng và các tỉnh miền núi phía Bắc với nhiều dân tộc cùng chung sống đã đem lại cho tỉnh ta những nét độc đáo về các giá trị văn hóa.
(HBĐT) - Truyền thuyết xưa kể lại rằng, trong các hang động, mái đá trong khu vực người Mường sinh sống có nhiều hòn đá, nhũ đá thiên nhiên khi gõ vào phát ra những âm thanh bùng, biêng... nghe rất vui tai.
(HBĐT) - Năm nào cũng vậy, lễ cơm mới của người Thái ở Mai Châu được tổ chức một lần vào tháng 8 âm lịch. Không định ngày tuỳ theo điều kiện của từng gia đình mà làm lễ cơm mới to hay nhỏ.
(HBĐT) - Ngày 22/6/1886, tỉnh Hòa Bình được thành lập, lấy tên là tỉnh Mường gồm có 4 phủ: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn, Chợ Bờ, tỉnh lỵ đặt tại chợ Bờ.
(HBĐT) - Hòa Bình từ lâu là một địa danh nổi tiếng với nền văn hóa đặc sắc, tiêu biểu trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Trên vùng đất lịch sử này, các dân tộc anh em đã cùng đoàn kết, gắn bó xây dựng và bảo vệ quê hương, tô thắm núi sông, bản làng, xây dựng nên truyền thống văn hóa đa dạng, phong phú đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó có 7 dân tộc chủ yếu là Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông, Hoa.