(HBĐT) -Xác định tầm quan trọng của làng nghề truyền thống trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, huyện Lạc Sơn đang từng bước khôi phục và thúc đẩy làng nghề truyền thống phát triển, phù hợp với xu thế tiêu dùng của thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 13/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

Đến nay, trên địa bàn huyện Lạc Sơn có 2 làng nghề truyền thống được công nhận là làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm xóm Lục, xã Yên Nghiệp (được công nhận vào tháng 10/2013) và làng nghề truyền thống mây tre đan xóm Bui, xã Nhân Nghĩa (được công nhận vào tháng 4/2018). 

Sản phẩm mây tre đan của xóm Bui, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Động lực để phát triển làng nghề 

Có những lúc tưởng chừng nghề dệt thổ cẩm của người Mường ở xã Yên Nghiệp không thể tồn tại. Nhưng từ sự tâm huyết và lòng đam mê với nghề, người dân nơi đây đã quyết tâm gìn giữ, tìm lại chỗ đứng cho nghề dệt truyền thống của dân tộc mình. Chị Dương Thị Bin, Giám đốc HTX dệt thổ cẩm xóm Lục, xã Yên Nghiệp cho biết: "Nghề dệt thổ cẩm của người Mường có từ hàng trăm năm nay. Sự xuất hiện của các sản phẩm ngành dệt may công nghiệp với mẫu mã đa dạng, phong phú đã đẩy nghề dệt thổ cẩm thủ công đến chỗ khó khăn. Nhiều thợ dệt giỏi không còn mặn mà với nghề. Vì lòng đam mê và ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tôi và một số thợ dệt có tâm huyết đã quyết tâm bám trụ, tìm cách khôi phục lại nghề”.

Ngoài việc tích cực tuyên truyền cho thế hệ trẻ về ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc, những giá trị nhân văn ẩn chứa trong từng sản phẩm dệt. Hàng ngày, tranh thủ những lúc nông nhàn, các bà, các chị ở xóm Lục có nhiều kinh nghiệm trong nghề dệt lại tới các thôn, xóm vận động chị em học nghề và truyền nghề. Ban đầu, những sản phẩm thêu, dệt được chị em làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bản thân và gia đình. Về sau, do nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và ngoài tỉnh ngày càng nhiều, nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ... chủ yếu dùng sản phẩm dệt thổ cẩm để bán tại các khu du lịch nên nghề dệt thổ cẩm đã có cơ hội và trở thành đòn bẩy giúp người dân phát triển kinh tế.


HTX dệt thổ cẩm xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) được hỗ trợ máy dệt công suất 60 m /ngày.

 

Làng nghề dệt thổ cẩm xã Yên Nghiệp gồm 3 xóm: Lục 1, Lục 2, Lục 3 với hơn 200 khung dệt giao cho 168 thành viên, hầu hết là chị em phụ nữ. Bên cạnh đó, chị Bin còn liên kết với những thợ dệt có tâm huyết thành lập được 6 tổ sản xuất dệt thổ cẩm tại các xã lân cận như Bình Chân, Đa Phúc, ân Nghĩa... nâng tổng số lên 500 khung dệt. Mỗi năm sản xuất trên 50.000 sản phẩm thổ cẩm như: váy, áo, mũ, khăn... phục vụ nhu cầu người dân trong địa bàn và các vùng lân cận. Việc được công nhận làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm đã tạo động lực cho chị em gắn bó hơn với nghề. Năm 2017, HTX được hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển làng nghề để đầu tư 3 máy dệt, 1 máy mắc khung, 3 máy chạy suốt, 5 máy khâu và 146 khung dệt tay. Máy dệt có công suất 60 m /ngày. Ngày trước, một người dệt giỏi cũng chỉ dệt được 10 m /ngày, giờ có máy dệt được 40 m /ngày. Máy dệt phà khó hơn máy dệt trơn vì phải mắc nhiều màu.

Chị Bùi Thị Tiền, xóm Lục 2 là thành viên HTX dệt cho biết: "Những năm trước, vì kinh tế khó khăn, các chị em trong xã thường phải đi làm ăn xa nhưng nay hầu hết đều ở nhà gắn bó với chăn nuôi, ruộng đồng và kết hợp làm thêm nghề dệt truyền thống lúc nông nhàn. Khi được công nhận làng nghề, chúng tôi được hỗ trợ máy móc thiết bị cải tiến như: máy may công nghiệp, máy vắt sổ. Những nghệ nhân dệt đã bớt được nhiều công đoạn, tiết kiệm thời gian, chi phí và điều quan trọng là làm ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Với mức thu nhập 2-3 triệu đồng / người/tháng từ dệt đã giúp chị em cải thiện được cuộc sống”.

Đồng chí Bùi Văn Chủng, Chủ tịch UBND xã Yên Nghiệp cho biết: "Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghề dệt truyền thống không chỉ góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa cổ truyền mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch tại địa phương, đồng thời giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho người dân”. Để các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống có thể vươn xa hơn nữa tới nhiều thị trường trong nước và quốc tế, mong muốn trong thời gian tới, các cấp chính quyền có những chính sách đầu tư, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm để nghề dệt thổ cẩm ngày càng có chỗ đứng, tạo đà phát triển KT -XH cho xã”.

Tháng 4/2018, làng nghề mây tre đan xóm Bui, xã Nhân Nghĩa vinh dự được nhận bằng công nhận làng nghề truyền thống. Đây là nghề đã có từ lâu nhưng trước đây bà con chủ yếu đan đồ dùng trong gia đình. Từ năm 2000 đến nay, nghề truyền thống đan khọ, mây - tre đan đã được phát triển rộng rãi, mẫu mã đa dạng hơn, được các điểm du lịch trong nước và nước ngoài đặt mua làm quà lưu niệm và đồ dùng. Làng nghề có 70/200 hộ tham gia, 150 lao động thường xuyên làm nghề. Từ khi hình thành cho đến nay đã tạo việc làm cho trên 300 lao động nhàn rỗi tham gia đan. Các loại sản phẩm của làng nghề truyền thống như: ớp khọ, lọ hoa, khay, mâm, chim, giỏ, họp mẫn... Sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ tại các điểm du lịch trong nước và nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...Doanh thu của làng khoảng 1, 2 tỷ đồng/năm. Vốn hoạt động 600 triệu đồng, thu nhập bình quân 2, 5 triệu đồng/người/tháng lao động sản xuất bằng thủ công. 

Cơ hội cho làng nghề truyền thống

Để đưa Nghị quyết số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đi vào cuộc sống, huyện lạc Sơn đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị quyết đến 379 chi bộ trên địa bàn. Mục tiêu chung về phát triển làng nghề của huyện Lạc Sơn là nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn; phát triển làng nghề theo quy hoạch, bền vững, xóa đói, giảm nghèo cho vùng sâu, vùng xa, xóa dần sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị.

Đồng chí Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho rằng: Không thể để mai một nghề và làng nghề truyền thống. Các nghệ nhân, thợ thủ công giỏi là những "báu vật sống” có kinh nghiệm lâu năm cần có chính sách hỗ trợ thích đáng, tạo điều kiện về mọi mặt để họ truyền dạy nghề cho con cháu. Khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống phải giải quyết cùng lúc vấn đề tăng trưởng kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Sản phẩm nghề và làng nghề phải phù hợp với đời sống xã hội, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, phải có chính sách hỗ trợ gắn liền với tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch. Sản phẩm từ nghề và làng nghề truyền thống không những chỉ tiêu thụ ở thị trường địa phương, khu vực mà còn phát triển rộng ra các vùng miền trên cả nước, càng cần thiết phải vươn ra thị trường nước ngòai. Muốn giới thiệu rộng rãi đòi hỏi sản phẩm làm ra phải có thương hiệu làng nghề. Đó là những điều kiện cần thiết để phát triển nghề và làng nghề, góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống các dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Để quảng bá hình ảnh về con người, làng nghề dệt thổ cẩm và mây tre đan ra bên ngoài nhưng người dân xã Yên Nghiệp và Nhân Nghĩa chưa có kỹ năng, phương pháp. Vì vậy, các lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn về hướng dẫn viên du lịch làng nghề sẽ giúp nâng cao trình độ, nhận thức cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập của người dân... Chính vì vậy, việc tận dụng nguồn lao động làng nghề và đào tạo họ trở thành những hướng dẫn viên thực thụ sẽ đem lại hiệu quả lớn trong phát triển du lịch. Thực tế cho thấy, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch sẽ giúp du khách có nhiều điểm đến và trải nghiệm thú vị, hấp dẫn. Phát triển du lịch làng nghề không những làm phong phú thêm loại hình du lịch ở địa phương mà còn làm cho những sản phẩm thủ công truyền thống trở thành vật lưu niệm, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề, thúc đẩy làng nghề phát triển. Các làng nghề truyền thống của Lạc Sơn hiện đang thiếu nhiều yếu tố về cơ sở hạ tầng, nơi giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm, hướng dẫn viên… để có thể thu hút được du khách tham quan và trải nghiệm. Bên cạnh đó, sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch chưa cao, bởi họ chưa nhận thức được giá trị đem lại. Để du lịch làng nghề thực sự thu hút khách tham quan, người dân tại các làng nghề cần có kỹ năng cần thiết để vừa phát huy nghề truyền thống vừa giữ vai trò hướng dẫn viên du lịch nhằm quảng bá hình ảnh của địa phương mình.

Giai đoạn 2017 - 2020, huyện Lạc Sơn tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020. Kế hoạch năm 2019, huyện được công nhận làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm xã Phú Lương; năm 2020 công nhận nghề truyền thống nấu rượu cần tại phố Dân Chủ, thị trấn Vụ Bản.

Theo đó, huyện có kế hoạch đầu tư, hỗ trợ phát triển và bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tại địa phương giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, năm 2019 hỗ trợ máy móc, trang thiết bị hiện đại, công nghệ chuyển giao tiên tiến cho làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm xã Phú Lương; năm 2020 hỗ trợ duy trì, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống nấu rượu cần tại phố Dân Chủ, thị trấn Vụ Bản.

Có thể thấy, sau hơn 3 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết về khuyến khích phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, trên địa bàn huyện Lạc Sơn đã đạt được những kết quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn; giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM của huyện.

                                                                                         Đinh Thắng

Các tin khác


Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương 2021 - 2025

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 312/QĐ-TTg về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Tháo gỡ vướng mắc đường liên kết vùng

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Hiệu quả từ tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện

Sử dụng tiết kiệm điện đem lại lợi ích "kép”, giúp giảm áp lực cấp điện trong bối cảnh cung cấp điện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giúp chúng ta giảm chi phí sử dụng điện, nhất là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Giá vàng sáng 19/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1 - 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 74,7 -76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Xã Đồng Ruộng tìm hướng thoát nghèo từ nuôi dê

Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục