Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến từ nay đến cuối năm, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng mạnh, là cơ sở để ngành hàng rau quả đạt kim ngạch 7 tỷ USD cả năm 2024.


Sơ chế dứa phục vụ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình). (Ảnh: ĐỨC ANH)

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, riêng tháng 8/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng 7/2024 và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 8 tháng, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,82 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết: Tốc độ xuất khẩu tăng trưởng hai con số trong 8 tháng đầu năm nay cho thấy chất lượng rau quả của Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường.

Hiện tại, Việt Nam có nhiều thuận lợi để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng; nhất là mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là hai mặt hàng dự báo sẽ sớm "bùng nổ” kim ngạch khi tiếp cận được thị trường rộng lớn Trung Quốc.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho biết: Công ty hiện đã xuất khẩu dừa tươi sang các thị trường như Mỹ, Nhật Bản... Việc trái dừa tươi được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội lớn cho công ty đẩy mạnh tăng trưởng kim ngạch mặt hàng này. Công ty cũng tiếp tục thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ xây dựng vùng trồng nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm ổn định sản lượng và chất lượng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các mặt hàng như chuối, xoài của Việt Nam cũng đang chiếm thị phần lớn tại Trung Quốc. Số liệu từ cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam là nước cung cấp chuối lớn nhất cho thị trường Trung Quốc với gần 420.000 tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần một nửa lượng chuối nhập khẩu của thị trường này. So với Philippines, lượng chuối nhập khẩu từ Việt Nam của Trung Quốc cao gần gấp hai lần. Cũng trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc tăng nhập khẩu xoài từ Việt Nam với gần 6.854 tấn xoài, tăng 122,3% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu xoài nhiều nhất vào Trung Quốc, chiếm hơn 50% tổng lượng nhập khẩu của nước này.

Ngoài thị trường Trung Quốc, rau quả Việt Nam cũng đang tiến sâu hơn vào nhiều thị trường trọng điểm như Mỹ, Hàn Quốc, ASEAN. Tính chung 8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng trưởng khả quan. Riêng thị trường Hàn Quốc, từ đầu tháng 8, quả bưởi tươi của Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu. Như vậy, sau thanh long và xoài, bưởi là loại trái cây thứ ba được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Trước Hàn Quốc, một số thị trường lớn như Mỹ, New Zealand... cũng đã cấp phép cho trái bưởi tươi Việt Nam.

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), ngành hàng rau quả Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trong các tháng còn lại năm nay. Cụ thể, Việt Nam có lợi thế nguồn cung sầu riêng quanh năm, trong khi hiện nay sầu riêng của các nước như Thái Lan, Malaysia đã vào cuối vụ. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố thuận lợi, ngành hàng rau quả Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là các vấn đề liên quan đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng.

Mặt khác, các địa phương và doanh nghiệp cần giám sát chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, tránh tình trạng thu mua hàng hóa từ những nơi không được cấp phép, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu; đồng thời, đẩy mạnh phân khúc sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các thị trường tiềm năng.

Thí dụ với ngành dừa, phát triển ngành công nghiệp chế biến sử dụng công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng tăng nhanh những sản phẩm mới như: cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, sữa dừa, kem dừa, dầu dừa, thảm xơ dừa, nệm xơ dừa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nước dừa đóng hộp...

Ngoài ra, các mặt hàng khác như sầu riêng, chanh leo... cũng còn nhiều dư địa để phát triển các sản phẩm chế biến sâu.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2024, riêng rau quả chế biến có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 1,4 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay, không chỉ đóng góp quan trọng vào việc tăng giá trị xuất khẩu cho ngành hàng này mà còn giúp kéo dài thời gian bảo quản, giảm áp lực tiêu thụ cho các mặt hàng tươi có sản lượng lớn khi vào chính vụ thu hoạch.


Theo Báo Nhân dân

Các tin khác


Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động

Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn của các bộ, ngành, thời gian qua, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Hòa Bình đã tham mưu xây dựng các văn bản chỉ đạo thực hiện nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, công tác xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, CĐS đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, 100% dịch vụ công (DVC) của tỉnh đã được công bố và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình, DVCTT một phần; tích hợp 1.293 DVCTT với Cổng DVC quốc gia; tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của tỉnh với Cổng DVC quốc gia. 

Thôn Tân Hòa hướng tới xây dựng mô hình “thôn thông minh”

Là một trong những khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tiêu biểu của địa phương, thôn Tân Hòa, xã Hòa Sơn (Lương Sơn) đang nỗ lực giữ vững các tiêu chí, đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp, hướng tới xây dựng mô hình "thôn thông minh”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về khắc phục hậu quả bão số 3

Sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các bộ, ban, ngành T.Ư và các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy của 26 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Huyện Mai Châu nỗ lực cao nhất trong công tác giải phóng mặt bằng

Là một trong hai địa phương nằm trong Dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu, những ngày qua, cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Mai Châu khẩn trương triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị. 


Huyện Đà Bắc tích cực phối hợp vì thành công của dự án

Gần đến ngày khởi công Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua tỉnh Hòa Bình, người dân xóm Xèo, xã Cao Sơn (Đà Bắc) háo hức mong đợi, vì nơi đây được xác định là địa điểm tổ chức lễ khởi công. Mưa đã tạnh, nắng đã lên, vùng cao Đà Bắc mong chờ dự án lớn. 

Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 tỉnh kiểm tra tại huyện Mai Châu

Ngày 26/9, đoàn công tác Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án 61 tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Phó trưởng BCĐ thực hiện Đề án 61 tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra, nắm tình hình việc thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư, Đề án số 01-ĐA/TU và Chương trình hành động số 25-CTr/TU của Tỉnh ủy về "Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân (HND) Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới” tại huyện Mai Châu. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục