(HBĐT) - Hòa Bình không chỉ được biết đến là cái nôi văn hóa Mường mà còn nức tiếng bởi những món ăn ngon, mang hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Nếu ai đã từng được thưởng thức ẩm thực xứ Mường, chắc chắn sẽ luyến nhớ dư vị vô cùng hấp dẫn của nó.


Du khách thưởng thức và khám phá nét văn hóa ẩm thực xứ Mường.

Phong phú ẩm thực 4 Mường

Nhắc đến ẩm thực xứ Mường, du khách nghĩ ngay đến rượu cần Hòa Bình, một loại rượu trứ danh được làm từ men lá. Hẳn là có bí quyết riêng nên loại rượu cần xuất xứ ở vùng Mường Vang (Lạc Sơn) có hương vị quyến rũ, say nồng và hết sức đặc biệt. Theo bà Bùi Thị Cùi, một trong những hộ đang gìn giữ thương hiệu rượu cần đặc sản Mường Vang, rượu cần được chế biến từ gạo nếp nương, vỏ trấu nếp được rang thơm và men lá làm theo bí quyết gia truyền, việc ủ chế biến vẫn theo cách thủ công và dân dã. Giống như bản sắc cổ truyền, rượu cần là món đồ uống không thể thiếu vắng mỗi khi gia đình, làng xóm có việc vui.

Cũng cùng một loại nguyên liệu là gạo nếp nương, đồng bào dân tộc Mường Hòa Bình còn chế biến thành món cơm lam vừa dẻo, vừa thơm. Nơi làm ra món cơm lam đặc sản, ngon nhất trong 4 Mường là Mường Động (Kim Bôi). Với món cơm lạ miệng, thay vì thói quen từ ngàn xưa, dễ làm, cách làm cơm lam ngày nay có chút khác so với trước, không phải làm cơm lam cho qua bữa mà còn là sản phẩm du lịch để thực khách thưởng thức. Ngoài nguyên liệu gạo nếp, người Mường còn thêm vào ít nước cốt dừa để khi ống cơm lam nướng chín trên bếp than, bếp củi, mùi thơm ngậy của nước cốt dừa hòa quyện với vị ngọt bùi của gạo nếp, mùi thơm đặc trưng của tre, nứa non tạo thành hương vị vô cùng tinh tế. Khi ăn cơm lam có thể ăn chung với các món thịt gà, măng chua, nhưng ngon nhất vẫn là cơm lam chấm với muối vừng.


Thưởng thức đặc sản rượu cần thương hiệu Mường Vang.

Sẽ thật thiếu sót nếu khách phương xa lên với Hòa Bình mà chưa được thưởng thức mâm cỗ lá, một cách thức thể hiện ẩm thực được xem là độc đáo nhất của dân tộc Mường. Món ăn thường được chế biến từ những nguyên liệu sẵn có ở địa phương, qua đôi bàn tay khéo léo của người dân mà trở thành đặc sản. Nguyên liệu cho mâm cỗ có thể là lợn, gà, trâu, bò, nhưng phổ biến nhất vẫn là thịt lợn. Lợn được nuôi dân dã nên thịt có độ săn chắc, ít mỡ, vị thơm ngọt tự nhiên. Ngoài ra còn có các món ăn khác trên mâm cỗ lá như cá suối nướng, gà nấu măng chua, muối chấm hạt dổi... Xen lẫn các món thịt là món măng luộc, rau rừng đồ. Mâm cỗ lá cũng không thể thiếu món xôi, thường được gói vuông vức trong lá chuối đã hơ lửa cho mềm, tượng trưng cho tinh hoa của đất. Đặc biệt, cỗ là được bày trên lá chuối rừng, loại bánh tẻ được hơ lửa cho dẻo và có mùi thơm ngai ngái đặc trưng, biểu tượng sự gắn bó của cư dân với núi rừng.

Nếu du khách có dịp thăm thú các bản làng xứ Mường, ngoài ẩm thực độc đáo của dân tộc Mường, ẩm thực của cộng đồng các dân tộc khác cũng rất ấn tượng. Đồng bào Mông ở 2 xã vùng cao Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) có món bánh dày rất ngon. Một số món ăn của người Mông được nhiều thực khách ưa chuộng như gà Mông, gạo nếp nương, rau cải với cách chế biến đơn giản mà lạ miệng. Vùng đồng bào dân tộc Dao các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Kim Bôi có món ăn nổi tiếng là rượu hoẵng, thịt muối chua... Người Thái ở Mai Châu, người Tày ở Đà Bắc có cách chế biến riêng để tạo nên ẩm thực của dân tộc mình như xôi nếp nương ngũ sắc, thịt nướng vùi tro, cá đồ lá đu đủ, rượu men lá...

Trải nghiệm giá trị văn hóa

Với "kho tàng" ẩm thực xứ Mường, thực khách không chỉ được thưởng thức nhiều món ăn ngon, hấp dẫn mà còn được trải nghiệm giá trị văn hóa. Tiêu biểu và độc đáo là mâm cỗ lá, thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản, bởi người Mường còn gửi gắm trong đó cả tâm tình với vạn vật, với con người... Qua mâm cỗ lá thể hiện tính cộng đồng, tình cảm tương thân, tương ái, nề nếp gia đình... là những yếu tố giúp cộng đồng tồn tại, phát triển. Thưởng thức mâm cỗ lá, thực khách không chỉ cảm nhận hương vị đặc biệt của các món ăn chấm với muối hạt dổi mà còn tìm thấy trong đó thứ tình cảm mộc mạc, chân thành của con người thông qua cách bày cỗ; cảm nhận được văn hóa, phép tắc thông qua cách bày biện, trân trọng thức ăn trên mâm cỗ. Hay như văn hóa rượu cần, để làm ra những vò rượu quý, người Mường có bí quyết gia truyền và yêu cầu sự tỉ mỉ cao ở từng công đoạn. Trong đời sống hiện đại ngày nay, dù có các loại đồ uống đa dạng nhưng rượu cần vẫn là đồ uống đặc sản truyền thống rất được thực khách trong và ngoài nước ưa thích. Nét văn hóa rượu cần chứa đựng tính gắn kết cộng đồng, tình yêu và sự sẻ chia. Trong các sự kiện trọng đại của cộng đồng, ngày lễ Tết, ngày vui đôi lứa... không thể không có rượu cần. Bên cạnh hình thức uống nội bộ trong gia đình, uống rượu góp thì uống cộng đồng mường bản là hình thức phổ biến, ý nghĩa và là cuộc rượu vui nhất bởi có sự tham gia của đông người, mọi người đến tự giác vào cuộc chung vui.

Theo các chuyên gia chuyên nghiên cứu về văn hóa Mường nói chung, ẩm thực xứ Mường nói riêng thì nguyên liệu, cách chế biến và thưởng thức ẩm thực người Mường khác biệt với người Kinh và các dân tộc khác. Nguyên liệu để nấu ăn đảm bảo độ sạch, tươi ngon, hoàn toàn lấy từ tự nhiên hoặc qua quá trình nuôi trồng tự nhiên. Chính vì vậy, các món ăn luôn có vị tự nhiên, không cần phải chế biến cầu kỳ, phức tạp. Trong mâm cơm, thực khách thường thấy đa phần món ăn của người Mường được chế biến theo dạng hấp, luộc, xào, coi trọng hương vị tự nhiên của món ăn. Do đó, người ăn được thưởng thức tinh túy của ẩm thực trong từng nguyên liệu và quan trong nữa là tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, người Mường rất chuộng các vị chua, cay, đắng trong các món ăn của mình. Món ăn khoái khẩu là măng chua, lá nồm, rau sắn muối, ớt, hạt dổi, lá đu đủ và quả đu đủ non... Nhờ biết tiết chế và xử lý, kết hợp nguyên liệu nên các món ăn có hương vị đặc biệt, mới lạ và rất dễ ăn.

Bữa cơm ngày thường và ngày lễ Tết của người Mường rất khác nhau. Vào ngày lễ, người Mường thường dâng cơm cho ông bà, tổ tiên, thần giữ nhà, thần cây... nên món ăn thường chế biến cầu kỳ, phong phú hơn, không quá coi trọng cách trình bày mà tập trung vào nguyên liệu nấu. Một nét văn hóa đẹp trong tập tục của người Mường nằm ở việc quan tâm đến nết ăn nết uống của con người từ lúc còn nhỏ trong mỗi gia đình. Đó chính là nết ăn uống coi trọng tôn ti trật tự, kính trên, nhường dưới, lòng hiếu khách và hạnh phúc khi được nhiều người quý mến và ở lại nhà ăn cơm, tính cởi mở giao tiếp trong ăn uống... 

Không quá cầu kỳ, sang trọng nhưng với nguyên liệu tươi ngon, cách chế biến đơn giản mà tinh tế, người Mường đã tạo ra rất nhiều món ăn hấp dẫn, thơm ngon, chiều lòng thực khách. Cùng với cảnh đẹp thiên nhiên, nét đẹp phong tục, tập quán, ẩm thực với giá trị văn hóa độc đáo là một trong những điểm nhấn thu hút, quyến rũ du khách đến xứ Mường khám phá, trải nghiệm và thưởng thức.


Bùi Minh


Các tin khác


Trốn xuân Trên La Pán Tẩn

(HBĐT) - Là xã xa xôi ở Mù Cang Chải (Yên Bái), La Pán Tẩn nằm ở độ cao 2.000 m so với mực nước biển, ở vị trí cao nhất của đèo Khau Phạ. Và đèo Khau Phạ được mệnh danh là một trong "tứ đại đỉnh đèo" vùng Tây Bắc. Đây là nơi đón nhiều khách du lịch trải nghiệm không khí ngày xuân ở một vùng đất xa lạ, hoang sơ trên "đỉnh trời”.

Ký ức Tết xưa trên quê hương

(HBĐT) - Mùa xuân mang hơi thở, không khí và diện mạo của Tết. Tết là thời điểm cuối đông chớm xuân, cũng bởi tiết trời đó, đối với mỗi người, Tết luôn mang trong mình một nét truyền thống, một dấu ấn khó phai. Có lẽ trong một năm, những ngày Tết được mong chờ nhiều nhất. Chính vì thế mà ở quê, những ngày Tết thực sự là những ngày thiêng liêng nhất, vui vẻ nhất trong năm. Mẹ tôi vẫn bảo, khi năm cũ sắp qua, năm mới đang gõ cửa từng nhà, không khí trở nên gấp gáp hơn, lòng người cũng tất bật hơn. Cảnh vật, con người những ngày giáp Tết thật chộn rộn, cây cối xanh tươi hơn, nảy lộc, đâm chồi, con người trở nên vội vã để đón những điều mới mẻ đang ở phía trước.

Dạo chơi trong thung lũng đào Nước Hang

(HBĐT) - Trước xóm có tên là Lũng Hang, nay sáp nhập với xóm Hang Nước thành xóm Nước Hang, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình). Nhưng bà con nơi đây vẫn thường gọi xóm là Làng Hoa, Lũng Hoa bởi mỗi độ xuân về, hoa đào bung nở, cả thung lũng như bừng tỉnh, thay áo mới. Từ đường QL6, rẽ vào hơn 2km, dần mở ra trước mắt chúng tôi là cả một thung lũng hoa đào với hàng vạn gốc đào khoe sắc, càng vào sâu trong xóm càng là bạt ngàn hoa đào.

Tự hào chữ Mường

(HBĐT) - Cùng các thầy, cô giáo trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, chúng tôi có cơ hội được tham gia điều tra, khảo sát tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa và nhu cầu học tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường của hơn 800 người dân thuộc 4 Mường lớn Bi – Vang – Thàng – Động. Thật đáng trân trọng gần 100% cán bộ, công chức cấp xã, huyện, giáo viên từ bậc mầm non đến THPT, HSSV, Nhân dân, người lao động được hỏi đều có chung câu trả lời là mong muốn được học chữ Mường, được tìm hiểu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Mường.

Ấn tượng trang phục người Dao

(HBĐT) - Đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh gồm Dao tiền và Dao quần chẹt, sinh sống tại các huyện:Kim Bôi, Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình với 44 bản Dao, trên 17.000 người. Ngoài những lễ hội đặc sắc như tết nhảy, cấp sắc, cầu mùa, tạ mả…, đồng bào dân tộc Dao còn lưu giữ tinh hoa văn hóa độc đáo trên những bộ trang phục truyền thống.

Đặc sắc trò chơi dân gian ngày xuân

(HBĐT) - Mỗi độ Tết đến, xuân về, cùng với các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ, ẩm thực thì các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian luôn là điểm nhấn hấp dẫn, tạo sự quan tâm của người dân. Việc tổ chức các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống trong các dịp lễ, Tết tạo không khí vui tươi, phấn khởi gắn kết cộng đồng, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục