Phiên họp đặc biệt của Ủy ban hỗn hợp thuộc Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) ngày 19-4 tại Vientiane (Lào) đã không đi đến được một kết luận chung thống nhất giữa cả bốn nước thành viên.

Theo thông cáo báo chí của MRC phát đi chiều 19-4, bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nhất trí rằng tiến trình tham vấn trước đối với dự án đập thủy điện Xayaburi sẽ được xem xét ở cấp bộ trưởng vì các bên chưa đi đến được kết luận chung cuối cùng về việc này.

Người dân Thái Lan phản đối đập thủy điện Xayaburi ở phía bờ sông bên Thái Lan - Ảnh: Tổ chức Sông ngòi thế giới

Cuối phiên họp, các thành viên của Ủy ban hỗn hợp kết luận vẫn còn khác biệt trong quan điểm các nước về thời điểm kết thúc quá trình tham vấn trước.

Tại phiên họp, đại diện của Lào khẳng định không cần phải kéo dài quá trình tham vấn trước vì khó xảy ra tác động môi trường xuyên biên giới tới các nước thuộc lưu vực sông Mekong. Lào đề nghị kết thúc quá trình tham vấn trước và lưu ý việc kéo dài các nghiên cứu tiếp theo sẽ mất ít nhất sáu tháng và kể cả khi đó vẫn có khả năng không thỏa mãn quan tâm của tất cả các bên.

Đồng thời, như ông Viraphonh Viravong, trưởng đoàn đại biểu Lào, nhấn mạnh dự án Xayaburi sẽ tuân thủ hướng dẫn thiết kế sơ bộ của ban thư ký Ủy hội sông Mekong cũng như dựa vào những kinh nghiệm tốt theo tiêu chuẩn quốc tế. Phía Lào cũng cho rằng có thể giảm các tác động chính tới dòng chảy, chế độ phù sa, chất lượng nước, hệ sinh thái dưới nước... tới mức có thể chấp nhận.

Trong khi đó, Campuchia lại đề nghị kéo dài tiến trình tham vấn trước do “những thông tin hạn chế liên quan đến dự án”. Lý do, như phía Campuchia nêu rõ, là cần có thêm thời gian cho các nước còn lại cũng như nhà đầu tư dự án để đáp ứng những khoảng trống về yêu cầu kỹ thuật cũng như để quá trình tham vấn giữa các nước thành viên và công chúng được hiệu quả hơn.

Theo Campuchia, cần có một nghiên cứu và đánh giá toàn diện về các tác động xuyên biên giới và tác động môi trường; đồng thời cần phải làm rõ các biện pháp giảm thiểu tác động cũng như những biện pháp chia sẻ lợi ích với những nước bị ảnh hưởng.

Còn phía Thái Lan, ông Jatuporn Buruspat, vụ trưởng Vụ Tài nguyên nước của Thái Lan, trong một tuyên bố chính thức tại phiên họp nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn các quan điểm và lo ngại của công chúng được xem xét cẩn thận”. Thái Lan cho rằng trong quá trình triển khai dự án, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu tác động vì quyền lợi của người dân và môi trường trong khu vực.

Thái Lan cho biết các cuộc tham vấn quốc gia của họ đã đề cập lo ngại về suy thoái môi trường như sự biến mất các loài cá và vùng đất ẩm cũng như thiếu các biện pháp giảm thiểu cụ thể. Thái Lan cũng nêu lên lo ngại từ các diễn đàn công cộng về tính bền vững của dự án và khung thời gian cho quá trình tham vấn trước là không đủ và cần được kéo dài.

Về phần mình, Việt Nam đã thể hiện sự lo ngại sâu sắc và nghiêm trọng trước việc thiếu các đánh giá toàn diện và phù hợp về tác động tích lũy, tác động xuyên biên giới mà dự án có thể gây ra cho hạ lưu, đặc biệt là cho đồng bằng sông Cửu Long. Phía Việt Nam đề nghị hoãn dự án này và các dự án thủy điện khác trên dòng chính sông Mekong thêm ít nhất 10 năm nữa.

Ông Lê Đức Trung, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, nói: “Nên nhìn nhận một cách tích cực là việc hoãn này để giúp các chính phủ ven sông Mekong có thêm thời gian cần thiết để tiến hành các nghiên cứu toàn diện và mang tính định lượng hơn về tất cả các tác động tích lũy có thể xảy ra”.

                                                                         Theo Báo Tuoitre

 

Các tin khác


Tòa án Libya kết án tử hình 23 thành viên của IS

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi, ngày 30/5, Tòa án thành phố Misrata, miền Tây Libya đã tuyên án tử hình 23 thành viên của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng với nhiều tội danh, trong đó có vụ hành quyết 21 tín đồ Cơ đốc giáo dòng Coptic của Ai Cập tại thành phố Sirte hồi đầu năm 2015.

Chủ tịch Cuba khẳng định tình đoàn kết với Nga

Ngày 30/5, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã nêu bật mối quan hệ tốt đẹp giữa La Habana và Moskva, đồng thời chỉ trích các biện pháp trừng phạt do các cường quốc phương Tây áp đặt đối với Nga.

Khoảng 40 người bị thiệt mạng trong hai vụ tấn công khủng bố tại Burkina Faso

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 30/5, các nguồn thạo tin cho biết khoảng 40 người đã thiệt mạng trong hai vụ tấn công khủng bố ở Tây Bắc Burkina Faso cuối tuần qua.

Chiến thắng của ông Erdogan có ý nghĩa gì đối với cân bằng địa chính trị thế giới

Là một trong những nước có quân đội lớn nhất NATO, kiểm soát lối vào Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là nhân tố không thể thiếu trong liên minh Đại Tây Dương xét về địa chính trị.

Máy bay không người lái tấn công các tòa nhà ở Moskva

Truyền thông Nga dẫn thông báo trên kênh Telegram của Thị trưởng Moskva Sergey Sobyanin cho biết, sáng sớm 30/5, một số tòa nhà ở Moskva bị hư hại nhẹ do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Hàn Quốc diễn tập phòng thủ các đảo biên giới phía Tây

Ngày 30/5, Hàn Quốc đã bắt đầu tiến hành bắt đầu cuộc tập trận phòng thủ chung kéo dài 3 ngày đối với các đảo thuộc khu vực biên giới phía Tây của nước này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục