Vũ Trung Hiếu và Lương Đức Trung giới thiệu dự án "Thiết bị phát hiện, thông báo chặt rừng, cháy rừng” tại lễ trao thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hòa Bình lần thứ 6 (2016-2017).
Từ đó chúng em nảy ra suy nghĩ có một thiết bị phát hiện thông báo khi rừng bị chặt hoặc bị cháy nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng” - Vũ Trung Hiếu, học sinh lớp 11 chuyên Lý, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ chia sẻ với chúng tôi. Đây là đề tài "Thiết bị phát hiện, thông báo chặt rừng, cháy rừng”, được thực hiện bởi Hiếu và Lương Đức Trung (cựu học sinh chuyên Tin, hiện đang học tại khoa Đào tạo quốc tế, trường Đại học Ngoại Thương). Đề tài đoạt giải nhì (không có giải nhất) trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hòa Bình lần thứ 6, năm 2016-2017.
Hai bạn trẻ với niềm đam mê khoa học, vận dụng từ những kiến thức đã được học tại trường, nghiên cứu qua sách, báo, internet đã sáng chế ra thiết bị báo cháy này. Với ưu việt được thiết kế nhỏ gọn, cấu tạo đơn giản, chủ yếu sử dụng hệ thống cảm biến công tắc cơ khí như: công tắc cảm biến góc nghiêng, công tắc rơ le nhiệt, công tắc rơ le rung, công tắc rơ le ngược và mạch sóng thu phát RF. Điều này cho phép thiết bị hoạt động không phụ thuộc vào nguồn điện lưới, pin năng lượng mặt trời. Thiết bị được tích hợp khả năng phát hiện và thông báo kịp thời khi rừng bị cháy, chặt phá trái phép.
Nguyên lý hoạt động của thiết bị là khi cây bị chặt sẽ rung và đổ nghiêng làm thay đổi một góc nhất định, lúc này công tắc rơ le rung và cảm biến nghiêng, cảm biến nhiệt sẽ hoạt động. Khi rừng bị cháy, công tắc rơ le nhiệt sẽ hoạt động. Còn nếu hộp thiết bị bị phá hoại hoặc tháo dỡ, vỏ hộp, rơ le rung và công tắc ngược sẽ hoạt động nối mạch cấp điện cho MCU làm việc. MCU sẽ nhận biết và phân loại các tình trạng (cháy, rung hoặc bị chặt đổ hay bị tháo rỡ… xác định vị trí của thiết bị). Sau đó truyền tín hiệu cho mạch phát, đồng thời phát tín hiệu đến hệ thống thu sóng và hiển thị tín hiệu bằng đèn, âm thanh, vị trí mạch phát đang hoạt động trên bản đồ quản lý rừng của máy tính, giúp người quản lý biết và có phương án xử lý kịp thời. Ngoài ra, thông qua mạng điều hành này cho phép người quản lý cấp trên theo dõi, giám sát hoạt động của các trạm.
Bạn Lương Đức Trung, đồng tác giả tâm sự: "Mình hy vọng nếu sản phẩm thành công sẽ giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề về an sinh xã hội, trong đó bảo vệ rừng là mấu chốt. Mình hy vọng thiết bị này giúp quản lý và giám sát các cây gỗ quý hiếm, khu rừng quan trọng, chủ động xử lý kịp thời khi rừng bị cháy, chặt phá, thiết bị bị tháo dỡ hay phá hủy, giúp người quản lý dễ dàng xác định vị trí, khả năng chặt phá và lây lan cháy chính xác hơn nhằm có những phương án xử lý hiệu quả nhất. Cùng với đó giảm nhân lực, chi phí và sự nguy hiểm cho công tác kiểm tra, canh giữ rừng của lực lượng kiểm lâm và những người tham gia quản lý, bảo vệ rừng”.
Hiện, thiết bị đang được lắp thử nghiệm tại phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình. Sản phẩm của đôi bạn trẻ được các chuyên gia đánh giá cao về kỹ thuật cũng như tính ứng dụng vào thực tiễn. Với ưu điểm thiết bị hoạt động trên tất cả địa hình, không phụ thuộc vào nguồn điện lưới và sóng viễn thông. Nếu được đầu tư nâng công suất hệ thống thu và phần mềm quản lý trên mạng máy tính thông qua bản đồ số về rừng, từ đó thiết bị sẽ hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng công tác phòng, chống, bảo vệ rừng. Trong tương lai, hai nam sinh này hy vọng mô hình sẽ trở thành sản phẩm thương mại vì chi phí sản xuất chỉ dưới 120.000 đồng /thiết bị.
Mặc dù đang là học sinh nhưng kết quả của thiết bị này đem lại rất đáng ghi nhận. Trung và Hiếu mong muốn các kỹ sư, chuyên gia công nghệ có thể hỗ trợ cũng như đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để sản phẩm được hoàn thiện hơn. Hai bạn mong muốn có thể cống hiến sức trẻ, trí tuệ của mình đóng góp cho quê hương.
Đồng Hương