Trường THPT Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Theo bà Phạm Thị Hằng, sau khi nhận phản ảnh của phụ huynh học
sinh và báo cáo của Trường THPT Nguyễn Trãi về xử lý kỷ luật 8 học sinh lớp 10
của trường, Sở GD-ĐT đã cử đoàn công tác về làm việc với trường.
Sở nhận thấy các học sinh vi phạm chưa đến mức phải kỷ luật đuổi học
một năm. Vì vậy, sở cho rằng nhà trường ban hành kỷ luật quá nặng, nóng vội,
thiếu cẩn trọng, không mang tính giáo dục.
Sở đã thống nhất chỉ đạo Trường THPT Nguyễn Trãi thu hồi, hủy bỏ
quyết định kỷ luật đối với 8 học sinh.
Nhà trường sẽ thông báo nội dung thông tin trên cho các em học
sinh vào ngày 2-11 để các em đi học bình thường.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa còn chỉ đạo Trường THPT Nguyễn
Trãi báo cáo giải trình, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra việc
ban hành quyết định kỷ luật với hình thức xử lý không đúng, không hợp lý.
Đối với 8 học sinh vi phạm, sau khi trở lại lớp sẽ được xem xét kỷ
luật tại lớp, tại trường theo đúng quy định.
Riêng hành vi giáo viên tịch thu điện thoại, xem tin nhắn của học
sinh, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục xác minh.
Trước đó, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết ngày 1-10,
một học sinh lớp 10 sử dụng điện thoại trong giờ học, bị giáo viên bộ môn thu,
giao cho cô chủ nhiệm.
Chiều cùng ngày, tại phòng trực giám thị, điện thoại của nữ sinh
không khóa, cô chủ nhiệm thấy trên màn hình hiện cuộc trò chuyện ở nhóm
Facebook có tên "Động Cô Bích" - tên cô chủ nhiệm, với nội dung nói xấu
thầy cô, nhà trường.
Việc này tiếp diễn vào tối cùng ngày. Sau đó, Trường THPT Nguyễn
Trãi quyết định đuổi học một năm 3 học sinh, đuổi học một tuần 4 em, cảnh cáo
trước toàn trường 1 em.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Nguồn - chánh thanh
tra Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa - cho biết liên quan đến vụ việc, phụ huynh học
sinh đã có đơn khiếu nại gửi đến Sở GD-ĐT.
Hiện lãnh đạo sở đang giao cho phòng chuyên môn xử lý theo thẩm
quyền.
Phụ huynh có học sinh bị xử phạt nêu trên phản ảnh việc hiệu trưởng
Trường THPT Nguyễn Trãi đuổi học sinh vi phạm là nặng. Trách nhiệm giải quyết
khiếu nại này thuộc về hiệu trưởng nhà trường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Trịnh Ngọc Ninh - giám
đốc Công ty luật hợp danh Hoàng Gia (Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa) - cho biết
trong vụ việc này, để phán xét giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi có xâm phạm đời
tư khi xem điện thoại của học sinh hay không là rất khó vì thiếu căn cứ.
Trước hết, phải xác định điện thoại mà giáo viên bộ môn thu giữ từ
học sinh do sử dụng trong lớp là tang vật vi phạm, sau đó chuyển cho giáo viên
chủ nhiệm giữ.
Trong lúc giữ chiếc điện thoại này, vô tình giáo viên chủ nhiệm
này nhìn thấy cuộc chat của nhóm với nội dung nói xấu thầy cô và nhà trường.
Khi nhìn thấy nội dung này, ý thức chủ quan của giáo viên chủ nhiệm
sẽ vào điện thoại xem toàn bộ nội dung. Từ đó, giáo viên chủ nhiệm mới biết nội
dung học sinh nói xấu giáo viên và nhà trường.
"Theo quan điểm của tôi, mấu chốt vấn đề ở đây không phải là giáo
viên xem điện thoại của học sinh có vi phạm đời tư cá nhân hay không, mà việc
quyết định đuổi học các em học sinh của hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi có
đúng quy định của pháp luật, quy chế trường học của ngành giáo dục hay
chưa.
Nếu học sinh nhận xét về giáo viên, nhà trường được thể hiện trong
một nhóm chat kín, không để chế độ công khai trên mạng xã hội thì đây là quyền
nhận xét của cá nhân học sinh, quyền tự do ngôn luận của một nhóm học
sinh.
Cơ quan chức năng và nhà trường cần nghiên cứu, áp dụng các quy định
của pháp luật, quy chế của ngành giáo dục để xử lý vụ việc vừa mang tính răn
đe, giáo dục, vừa mang tính nhân văn" - luật sự Ninh cho biết thêm.
TheoTuoitre