Không cho con học chữ trước khi vào lớp 1 thì sợ con không theo kịp các bạn. Cho con học chữ trước thì sợ bé sẽ chủ quan, lơ là chuyện học hành. Nên hay không nên là câu hỏi đang khiến nhiều phụ huynh đau đầu.
Đi cũng lo, không đi... càng lo
Chị Mai Hương, nhà ở đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, tâm sự, 4 năm trước sợ con “mất đi” tuổi thơ nên không cho con trai lớn đi học trước. Ai dè vào lớp 1, các bạn khác đã biết đọc, biết viết thì con chị vẫn chưa biết phát âm, còn viết là một cực hình. Sáng nào gọi con đi học là cu cậu tìm đủ trò để được ở nhà. Môn tập viết cháu chỉ đạt 3 - 4 điểm. Sau 3 tháng học mà chữ con vẫn xấu quá, tay cầm bút viết như cầm sáp tô, cứ khum khum chúi xuống không sao sửa được, chị Hương đành phải đưa tới lớp luyện chữ học thêm.
Cũng rút kinh nghiệm từ việc không cho đứa con đầu đi học chữ trước khi vào lớp 1 khiến con toàn bị điểm kém, chị Hà Linh (Lò Đúc, Hà Nội) để con gái đi học chữ từ khi cháu đang ở mẫu giáo lớn. Tuy nhiên, do đã biết chữ từ trước nên khi bước vào năm học mới, con gái chị Linh lơ là về nhà không chịu ôn bài. Kết quả là học kỳ 1 cháu được điểm cao nhưng đến kỳ 2 kết quả lại kém đi. Đến giờ, chị Linh cũng đang lúng túng không biết tư vấn cho cậu em trai nên cho con học trước hay không.
Đứng trước tình thế cho đi học cũng lo mà không cho đi lại càng lo nên em trai chị Linh đành quyết định cho con đi học trước. "Cho con đi học mới thấy nhà nào cũng có tâm trạng giống mình nên lớp học rất đông"- em trai chị Linh tâm sự. Một số gia đình sợ lớp học đông, trẻ ngồi đụng tay, cô giáo không đến từng trẻ cầm tay nắn nót... bèn mời luôn các cô giáo dạy lớp 1 về nhà dạy trước cho trẻ.
Nhà giáo Đặng Mai Đông hiện công tác tại Trường ĐHSP Hà Nội, tác giả cuốn "Giáo án luyện chữ đẹp từ xa", cho rằng: "Trẻ từ mẫu giáo sang lớp 1 có quá nhiều thay đổi, không có bước đệm thì học sinh sẽ lúng túng, kéo theo cô giáo quá vất vả để dạy dỗ, phụ huynh thì rất khổ để kèm cặp con...". Theo bà Đông, với các môn học khác thì không nên dạy trước, nhưng viết chữ đẹp dễ thực hiện, nên việc cho trẻ em biết viết chữ trước khi vào lớp 1 phải được cân nhắc.
Ép học sinh làm quá khả năng?
Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, chương trình học hết lứa tuổi mầm non chỉ làm quen với 24 chữ cái, nhận biết từ số 1 - 10, cấm dạy thêm, học thêm cho trẻ 5 tuổi. Ông Trịnh Đức Minh, Phó phòng Giáo dục Tiểu học cho biết, chủ trương của ngành giáo dục là không cho trẻ học trước chương trình lớp 1. Học chữ, làm toán trước khi đi học không phải là hoạt động giáo dục trước tuổi học đường, mà đó là do xã hội ép học sinh làm quá khả năng. Cũng theo ông Minh, ở trường mầm non chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 bằng chương trình dạy làm quen với chữ cái và con số. Việc này rất khoa học, nhẹ nhàng, thoải mái, phù hợp với tâm sinh lý và sự tiếp thu của lứa tuổi mẫu giáo, cũng là tiền đề quan trọng để làm quen với hoạt động học tập ở tiểu học. Học chữ ở tuổi mầm non chỉ tạo nền tảng bước đầu, vào lớp 1 trẻ mới thực sự được dạy theo chương trình đúng chuẩn.
Ông Minh nói: “Mục đích giáo dục mầm non là chăm sóc, nuôi dưỡng, tổ chức hoạt động vui chơi. Trẻ được làm quen với chữ cái và chữ số không đồng nghĩa với việc dạy học viết chữ và tính toán. Các cô giáo mầm non cũng không có chức năng và nhiệm vụ dạy học cho trẻ như các cô giáo lớp 1. Trẻ đi học trước, không được đào tạo theo một quy trình bài bản sẽ không đạt được hiệu quả sư phạm như mong muốn. Chưa kể người dạy trước không có phương pháp sư phạm, không uốn nắn khi trẻ ngồi sai tư thế, cầm bút sai... và khi vào lớp 1 được dạy đúng chuẩn cô giáo sẽ rất khó uốn và trẻ rất khó sửa".
PGS.TS. Lê Thị Thanh Hương, Viện phó Viện Tâm lý học cũng cho rằng: "Tâm lý trẻ nghe lại những cái đã biết sẽ không gây hứng thú, sinh kiêu, chủ quan, không tập trung nghe cô giảng và dần mất đi những kiến thức cơ bản. Mặt khác, không phải tất cả học sinh đều được đi học trước, vì thế sẽ tạo chênh lệch và áp lực lớn trong môi trường sư phạm giữa học sinh biết và chưa biết. Lớp có nhiều trẻ biết chữ cô dạy đỡ vất vả hơn, tiến độ cũng nhanh hơn, nhưng trẻ chưa biết sẽ bị điểm kém, sinh tự ti, chán học, rồi về cằn nhằn làm khổ bố mẹ, rồi bố mẹ cũng bị áp lực liên quan... Nhà trường chắc không khuyến khích các em học trước, nhưng cách thức đang làm đã tạo áp lực cho phụ huynh, buộc họ phải cho con đi học trước dù chẳng thích".
Theo bà Thanh Hương, muốn giải quyết việc đi học sớm trước khi vào lớp 1 cần có sự quan tâm của cả xã hội, nhà trường và gia đình. Cần phải làm nhiều thứ, trong đó có tuyên truyền và phải có sự thống nhất trong xã hội và gia đình. Cho trẻ khoảng 5 tuổi học chữ trước khi bước vào lớp 1 là quá sức. Nên để trẻ vào lớp 1 sẽ bắt đầu học tập và rèn luyện. Thời gian đầu có thể trẻ chưa tập trung vào học tập, viết nguệch ngoạc... đó là bình thường nhưng trẻ sẽ dần bắt nhịp và học tốt. Giáo viên và phụ huynh nên tìm cách trò chuyện với trẻ nhiều hơn, xem trẻ có khó khăn gì thì giúp trẻ vượt qua chứ đừng ép trẻ phải học sớm. Hãy tạo điều kiện cho trẻ vui chơi hồn nhiên đúng lứa tuổi của mình.
Theo Dantri
Các trường, địa phương, cụ thể là 5 thành phố lớn cần sớm đưa ra lời hứa sẽ không để xảy ra hiện tượng dạy chữ trước cho trẻ, cũng như không để xảy ra tình trạng bạo lực học đường liên tiếp như thời gian qua.
Với môn Địa lý trong bài thi tốt nghiệp THPT, học sinh cần nắm chắc kiến thức trong cuốn Atlat, vẽ biểu đồ và trả lời được các câu hỏi trong sách giáo khoa là đạt điểm cao.
(HBĐT) - Chuẩn bị cho công tác tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), năm nay, Sở GD-ĐT đã triển khai hướng dẫn công tác tuyển sinh đến các đơn vị tổ chức thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Một số hạn chế trong công tác tuyển sinh năm 2009 được đưa ra và rút kinh nghiệm giúp công tác tuyển sinh năm nay đạt kết quả tốt hơn.
Cần sớm xây dựng Luật Giáo dục đại học. Chỉ nên cho phép thành lập những trường có vốn đầu tư lớn và hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận
Ngày 30-3, Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2010. Theo hướng dẫn, việc ôn tập của học sinh phải bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình.
Ngày 30/3, Bộ GD-ĐT công bố kết quả giải kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT 2010. Theo đó, cả nước có 2.177 thí sinh đoạt giải trên tổng số 3.913 thí sinh dự thi.