Sinh viên ngành mỹ thuật Trường ĐH Kiến trúc TPHCM trong giờ thực tập
Năm 2010, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) ấn định tất cả các trường đại học, cao đẳng phải chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Tuy nhiên, kết thúc năm học 2009 - 2010, cả nước chỉ có 40 trường thực hiện. Rõ ràng, mục tiêu bộ đưa ra quá lý tưởng, trong khi điều kiện giáo dục đại học Việt Nam còn chồng chất những khó khăn, nên kết quả không như mong muốn.
|
Mục tiêu bị phá sản
Vụ trưởng Vụ Đại học Bộ GD-ĐT Trần Thị Hà cho biết, hiện cả nước chỉ có khoảng 40 trường đại học (ĐH) áp dụng đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Trong số này có rất ít trường thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo. Như vậy, mục tiêu mà bộ đã đưa ra mới hoàn thành 10% và xem như kế hoạch đã phá sản.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao bộ lại đưa ra một kế hoạch thiếu khả thi khi các trường ĐH còn bộn bề những khó khăn? TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM phân tích: Trong những chương trình khung mà Bộ GD-ĐT ban hành, phần lớn các ngành học đều có số lượng kiến thức tối thiểu 180 - 200 tín chỉ, chưa kể phần nội dung về giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng.Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng đào tạo theo tín chỉ từ nhiều thập niên, nhưng đa phần chỉ dao động từ 120 - 150 tín chỉ. Đơn cử như ở Nhật số lượng tín chỉ của hệ ĐH 4 năm từ 120 - 130, Thái Lan từ 120 - 150 tín chỉ…
Như vậy, với khoảng 200 tín chỉ cho hệ ĐH 4 năm, số tiết lên lớp của sinh viên VN khoảng 3.000 - 3.300 tiết, trong khi ở những nước khác, số tiết lên lớp của sinh viên chỉ 1.800 - 2.300 tiết. Điều này đồng nghĩa thời gian tự học của sinh viên VN ít hơn so với sinh viên các nước. Còn theo Quy chế 43 (Quy chế đào tạo tín chỉ), một sinh viên trung bình dành ít nhất 2 giờ chuẩn bị cá nhân (tự học) cho 1 giờ học trên lớp. Nhưng theo khảo sát của ĐH Quốc gia TPHCM, đơn vị được xem là tiên phong của cả nước áp dụng đào tạo tín chỉ, sinh viên có tỷ lệ thời gian tự học ở nhà và lên lớp là 1:1…
Ông Lương Đình Thành, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng: “Lộ trình mà bộ đưa ra hoàn toàn không khả thi. Đơn cử như ĐH Bách khoa là trường thực hiện đào tạo tín chỉ đầu tiên của cả nước (1993), nhưng đến nay vấn đề giảng viên, cơ sở vật chất vẫn còn khó”. Trường thứ hai áp dụng đào tạo theo phương thức này từ năm 1994 là Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cũng thẳng thắn nhận xét: “Nếu nói về mức độ hoàn thiện việc đào tạo theo tín chỉ thì trường mới chỉ đạt tới ngưỡng 50%”.
Trước áp lực của cuộc sống, nhiều giảng viên phải gồng mình chạy sô vì đồng lương nhà nước chưa đủ sức nuôi họ ngồi yên ở một giảng đường, trong khi đào tạo theo tín chỉ buộc người dạy phải đầu tư gấp nhiều lần cho mỗi lần lên lớp so với cách dạy truyền thống.
“Cái gì cũng thay đổi nhưng mỗi chuyện lương vẫn như cũ thì làm sao thực hiện được. Nói như thế để thấy rằng, đào tạo tín chỉ là cách làm của những quốc gia giàu, với nguồn lực hạn chế như giáo dục VN nên có một lộ trình để các trường dần dần chuyển đổi” - TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên chia sẻ.
Vài năm hay vài chục năm?
Khi những điều kiện quan trọng nhất để đào tạo tín chỉ chưa chín muồi thì việc yêu cầu các trường chuyển ngay sang đào tạo theo tín chỉ sẽ “dục tốc bất đạt”. Đào tạo theo tín chỉ, từ chỗ được cho là cuộc cách mạng thay đổi công nghệ đào tạo, thì nay là nguyên nhân làm giảm chất lượng? Nhiều chuyên gia cho rằng, đào tạo theo tín chỉ có nhiều tính ưu việt, nhưng cách làm của chúng ta nóng vội, duy ý chí nên thất bại.
Mới đây, Trường ĐH Sư phạm Huế lại tiếp tục vướng vào “vết xe đổ” của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Đà Nẵng khi hàng trăm sinh viên buộc phải thôi học khi áp dụng theo Quy chế 43.
Chương trình đào tạo tín chỉ giúp cho sinh viên chủ động trong việc lựa chọn kiến thức để trang bị cho bản thân và lựa chọn tiến trình học phù hợp với năng lực của mình. Tuy nhiên, trong thực tế sinh viên nhiều trường như ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn, ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Công nghiệp... dù học theo tín chỉ nhưng hoàn toàn không được chủ động về mặt thời gian và môn tự chọn. Thậm chí, có trường sinh viên đã tích lũy dư số tín chỉ nhưng vẫn không được ra trường.
Nhiều giảng viên, sinh viên khi làm phiếu thăm dò đã không ngần ngại trả lời: “Học theo tín chỉ quá khỏe, giảng viên dạy ít, sinh viên học cũng ít”. Như vậy, cách áp dụng đào tạo tín chỉ của chúng ta hiện nay chưa tôn trọng việc chủ động học tập của người học, chưa tạo điều kiện để sinh viên có thể thiết kế quy trình học tập của bản thân phù hợp với mục tiêu, điều kiện và năng lực sở trường của riêng họ.
Điều quan trọng hơn, các trường ĐH áp dụng đào tạo theo tín chỉ dường như đã bỏ qua tầm quan trọng của phương pháp sư phạm tích cực, một xu hướng tiến bộ chung của giáo dục. Theo GS Lâm Quang Thiệp, cha đẻ của chương trình đào tạo tín chỉ VN: “Nếu thiết kế hệ thống tín chỉ theo định mức đơn vị tín chỉ kiểu Hoa Kỳ thì phương pháp sư phạm tích cực là điều bắt buộc. Tuy nhiên, một số trường ĐH VN không quan tâm đúng mức đến phương pháp dạy và học. Do đó, có người phát biểu rằng, chuyển sang hệ thống tín chỉ tất yếu làm giảm sút chất lượng đào tạo, vì khối lượng chương trình mặc nhiên giảm xuống còn 2/3”.
Thực tế cho thấy, lộ trình chuyển sang hệ thống tín chỉ thiết kế như vậy sẽ không đạt được mục tiêu thật sự mà chương trình hướng tới. “Giáo dục ĐH VN hiện nay nên áp dụng 2 phương pháp: Thứ nhất, đối với những trường ĐH có thói quen sư phạm tốt (điều kiện đảm bảo chất lượng, phương pháp giảng dạy tốt) nên chuyển ngay sang đào tạo tín chỉ giống Hoa Kỳ. Thứ hai, những trường có phong cách, thói quen sư phạm chưa tích cực không nên vội áp dụng đào tạo theo tín chỉ vì sẽ làm giảm chất lượng đào tạo của các trường…” – GS Thiệp khuyến cáo.
Như vậy, muốn đạt được mục tiêu “chất lượng”, giáo dục ĐH VN không thể một sớm một chiều áp dụng ngay hệ thống đào tạo này mà cần có lộ trình, thậm chí phải mất đến vài thập niên mới có thể làm được.
Theo SGGP
Trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, đã có một số lưu ý đối với thí sinh khi làm bài thi trắc nghiệm
Hôm nay 25-6, Sở GD-ĐT TPHCM triển khai đáp án tại các hội đồng chấm thi kỳ tuyển sinh lớp 10, trong bối cảnh một số ý kiến cho rằng, đề thi môn văn có câu hỏi tối nghĩa, làm cho thí sinh (TS) bị mất điểm. Nhưng với đáp án chính thức được đưa ra, ngành chức năng và nhiều giáo viên cùng khẳng định: Đáp án thoáng, TS không chịu thiệt.
Nạn sao chép tài liệu, luận văn... đã khiến cho trường đại học - môi trường giáo dục bậc cao - trở thành nơi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vừa nhiều vừa phức tạp.
Khoảng 10 ngày nữa, hơn triệu sĩ tử cả nước sẽ bước vào cuộc đua căng thẳng để có "vé" vào cổng trường ĐH. Ghi nhận sáng 23/6, hầu hết các trường đã sẵn sàng từ việc chuẩn bị địa điểm, cán bộ coi thi, đến bảo mật đề thi.... Băn khoăn chung của một số trường khu vực Hà Nội là lo cúp điện.
Sau hơn ba tháng tuyển chọn, hôm nay, 24-6, Intel Việt Nam đã công bố 22 sinh viên kỹ thuật xuất sắc nhất sẽ sang học hai năm cuối tại Đại học Portland State, Hoa Kỳ niên khóa 2010-2012.
(HBĐT) - Co giáo Đỗ Thị Mai Anh, Hiệu trưởng Trường PTCS Bắc Sơn chia sẻ: Bắc Sơn là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước và địa phương quan tâm đầu tư nhiều cho giáo dục, nhưng hiện tại, xã vẫn đang phải duy trì một trường PTCS với 3 bậc học: Mầm non và Tiểu học và THCS. Riêng bậc học Mầm non năm học 2009-2010 có 6 lớp với 72 trẻ.