Đông đảo phụ huynh đến nộp hồ sơ xét tuyển cho con vào lớp 6 Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM sáng 14-6-2011.

Đông đảo phụ huynh đến nộp hồ sơ xét tuyển cho con vào lớp 6 Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM sáng 14-6-2011.

Phương pháp tuyển sinh không ổn định của nhiều địa phương đã góp phần khiến tình trạng “chạy” trường ngày càng trầm trọng hơn.

 

“Nhiều năm nay, con em của người dân khu phố tôi đều được phân tuyến vào học lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm nay đến lượt con tôi vào lớp 1, cháu lại bị chuyển sang Trường tiểu học Hòa Bình. Ông xã giao nhiệm vụ cho tôi phải bằng mọi cách “chạy” vào Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đáng lẽ trong tuyến bây giờ lại thành ngoài tuyến” - chị Hằng, phụ huynh cư ngụ tại khu phố 5, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM, phản ảnh.

Thấp thỏm cầu may

Tương tự, nhiều phụ huynh có hộ khẩu tại P.Đa Kao, Q.1 cũng “ngồi trên đống lửa” khi kế hoạch tuyển sinh của Phòng GD-ĐT quận phân tuyến: Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (đóng trên địa bàn P.Đa Kao) nhận trẻ có hộ khẩu thường trú nhập hộ khẩu từ năm 2005 (tức là trẻ có khai sinh tại P.Đa Kao) tại các khu phố từ 1-8 cho đến khi đủ chỉ tiêu. Các trường hợp còn lại được phân bổ sang một trong ba trường ở... phường khác.

Chị L.L.- cư ngụ tại khu phố 2 - lo lắng: “Như vậy tức là phải chờ đến 31-7, khi Trường Đinh Tiên Hoàng tuyển sinh xong tôi mới biết “số phận” con mình ra sao. Cùng là dân trong tuyến nhưng sao hên - xui quá, có năm đương nhiên dân Đa Kao sẽ vào Trường Đinh Tiên Hoàng, năm nay lại... phấp phỏng như thế này”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện khá nhiều phụ huynh ở P.Đa Kao đang kháo nhau cách thức “chạy” vào Trường Đinh Tiên Hoàng, thậm chí có phụ huynh còn tìm cách “chạy” vào trường trội hơn ở phường lân cận.

Không chỉ tiểu học, ở bậc THPT nhiều học sinh cũng phải chịu cảnh hên - xui trong tuyển sinh. Tại Q.Thủ Đức, TP.HCM năm học 2009-2010, học sinh P.Linh Tây được phân tuyến vào Trường THPT Nguyễn Hữu Huân. Thế nhưng, năm học 2010-2011 học sinh phường này lại trở thành ngoài tuyến, thay vào đó là học sinh thuộc khu phố 2, 4, 5 P.Linh Xuân. Năm học 2011-2012, học sinh P.Linh Xuân lại trở thành diện ngoài tuyến và học sinh khu phố 2, P.Linh Tây được xem là diện trong tuyến vào Trường Nguyễn Hữu Huân.

Trong khi đó, nhiều gia đình có hộ khẩu ở Q.6 lại đang thấp thỏm đợi chờ bởi năm nay việc quyết định ai sẽ được vào lớp 10 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi phải chờ cách phân tuyến của Phòng GD-ĐT Q.6.

Trong tuyến cũng “chạy”

Trong khi đó, mặc dù TP.HCM đã không công nhận trường trọng điểm từ nhiều năm nay nhưng đến năm học này, nhiều quận vẫn áp dụng cách tuyển sinh lớp 6 theo điểm chuẩn (thay vì phân tuyến theo địa bàn) cho những trường trước đây là trường trọng điểm.

Vì thế, thông tin các trường THCS Chu Văn An và Lê Quý Đôn, Q.11, TP.HCM mỗi trường chỉ tuyển hơn 80 chỉ tiêu và tuyển từ cao xuống thấp khiến nhiều phụ huynh địa bàn P.5 và P.8 (Q.11) “lên ruột”. Và tình trạng “chạy” trường không thể tránh khỏi khi “nộp đơn để đi học gần nhà mà không chắc chắn thì phải “chạy” cho chắc chứ” - anh T.Vân, cư ngụ tại P.5, giải thích.

 Tình trạng này cũng diễn ra ở P.8, Q.4 khi Trường THCS Vân Đồn (đóng trên địa bàn P.8) tuyển học sinh diện trong tuyến nhưng phải có tổng điểm môn toán, tiếng Việt từ 19,5 trở lên.

Chính phương pháp tuyển sinh không ổn định của các địa phương đã khiến tình trạng “chạy” trường ngày càng trầm trọng hơn. Bởi ngay cả phụ huynh trong tuyến cũng... hồi hộp, không yên tâm về “số phận” của con em mình.

Nhiều người cho biết: qua thời gian, tình trạng “chạy” trường không hề thuyên giảm mà phát triển theo cấp số nhân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Bởi theo thời gian, không chỉ học sinh ngoài tuyến mà học sinh trong tuyến (cư ngụ tại phường có trường trú đóng) cũng phải “chạy” trường mới mong có một chỗ học như ý.

Những tin đồn một suất học 15 triệu, 20 triệu, thậm chí lên đến 50 triệu đồng để vào trường này, trường kia vẫn cứ râm ran trong giới phụ huynh và cả giáo viên vào mỗi mùa tuyển sinh.

Trao đổi với chúng tôi về những thay đổi cách phân tuyến tuyển sinh của một số trường trên địa bàn, ông Đinh Thiện Căn - trưởng Phòng GD-ĐT Q.1 - thông tin: “Những năm trước, các cháu ở khu phố 5, P.Bến Nghé được phân tuyến vào học ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng năm nay xét thấy địa bàn khu phố 5 nằm trên đường Đồng Khởi, Mạc Thị Bưởi gần Trường Hòa Bình hơn nên chúng tôi phân tuyến vào Trường Hòa Bình”.

Ông Căn cũng cho rằng do Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng chỉ tuyển bốn lớp 1 nên trường phải ưu tiên tiếp nhận số cháu có khai sinh tại phường. Số cháu còn lại, tùy từng trường hợp cụ thể UBND phường sẽ sắp xếp để được đi học gần nhà nhất.

Ước muốn chính đáng

Một cán bộ làm việc trong ngành GD-ĐT Q.1 (đề nghị không nêu tên) đánh giá: “Thật ra việc chạy trường không có gì xấu, nó thể hiện ước muốn chính đáng của phụ huynh là chọn một ngôi trường phù hợp cho con em mình. Làm cha mẹ đáng lẽ họ phải có quyền chọn trường cho con. Việc phân tuyến vô tình tước đi cái quyền ấy, áp đặt phụ huynh phải cho con học tại trường mà ta sắp xếp”.

Theo vị cán bộ này, việc chạy trường không chỉ đơn thuần là chọn trường tốt mà đôi khi phụ huynh phải tính toán đoạn đường đưa rước con em sao cho thuận tiện.

Đương nhiên lãnh đạo ngành GD-ĐT có cái lý của họ khi thực hiện việc phân tuyến vào các lớp đầu cấp. Phân tuyến để ổn định xã hội, để tránh tình trạng bát nháo vào mỗi mùa tuyển sinh. Nhưng liệu chủ trương đó có còn nhiều ý nghĩa khi nhiều phụ huynh phải tốn tiền của, công sức, tìm cách chạy trường. Ăn theo đó là nhiều “dịch vụ” vẫn âm thầm hoạt động.

Tuyển sinh đầu cấp ở Gò Vấp, Thủ Đức

Theo kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp của Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, TP.HCM năm học 2011-2012, học sinh đã hoàn thành cấp tiểu học chương trình tiếng Anh tăng cường (TATC) năm học 2010-2011 có điểm toàn năm từng kỹ năng từ 6 điểm trở lên và đã hoàn thành chương trình cấp tiểu học sẽ được tiếp nhận vào lớp 6 chương trình TATC năm học 2011-2012 tại trường: THCS Quang Trung (nhận học sinh TATC Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền), THCS Phan Tây Hồ (nhận học sinh TATC Trường tiểu học Phan Chu Trinh), THCS Nguyễn Trãi (nhận học sinh TATC Trường tiểu học Võ Thị Sáu).

* Theo Phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức, năm học 2011-2012, các trường tiểu học trên địa bàn quận sẽ xét chọn học sinh học lớp hai buổi trong ngày theo thời gian cư trú tại địa bàn (ưu tiên cho đối tượng đủ điều kiện đăng ký giai đoạn 1 theo thứ tự thời gian cư trú, tiếp đến là giai đoạn 2 và nếu còn chỉ tiêu hai buổi xét tiếp đến giai đoạn 3).

(Mời xem chi tiết trên Tuổi Trẻ Online: tuoitre.vn)

                                                                         Theo TuoiTre

Các tin khác


Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục