Từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng trở lại tại một số địa phương miền Trung.
Dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng trở lại tại các tỉnh miền Trung với gần 16.000 ca mắc, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là khu vực ghi nhận 3 trong tổng số 4 trường hợp mắc Zika trên cả nước.
Hiện nay, thời tiết mưa nắng thất thường là điều kiện để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika sinh sôi, phát triển nên nguy cơ xâm nhập và bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika rất cao. Vì thế, các địa phương miền Trung đang triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Chỉ trong tuần qua, toàn khu vực đã ghi nhận 415 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 18% so với tuần trước, nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết tại 11 tỉnh khu vực miền Trung từ đầu năm đến nay lên gần 16.000 ca, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 2 ca tử vong.
Tỉnh Khánh Hòa là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất trong khu vực, với hơn 3.900 ca. Đây cũng là địa phương có 2 trường hợp tử vong. Tiếp đến là tỉnh Bình Định hơn 3.340 ca, thành phố Đà Nẵng gần 2.500 ca.
Ông Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, mấy tháng gần đây, bệnh sốt xuất huyết tại thành phố này tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, bình quân mỗi tuần thành phố ghi nhận khoảng 50 ca mắc mới. Chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết và bệnh Zika xâm nhập vào thành phố, ngành Y tế thành phố đã tăng cường công tác giám sát, xử lý hóa chất diệt muỗi chủ động tại những khu vực trọng điểm về sốt xuất huyết.
Trong điều kiện thời tiết thay đổi, mưa nắng bất thường như hiện nay, dự báo bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng cao vào tháng 10 và tháng 11 tới. Bên cạnh bệnh sốt xuất huyết, khu vực miền Trung cũng đã ghi nhận 3 trường hợp mắc Zica trong tổng số 4 ca được phát hiện trên cả nước. Đáng lưu ý là, dịch bệnh do virus Zika đang diễn biến phức tạp tại các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia…
Vì thế, công tác điều tra, giám sát véc tơ truyền bệnh được các địa phương có cửa khẩu hàng không Quốc tế như thành phố Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa… đặc biệt quan tâm.
Ông Phạm Trúc Lâm, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế tại thành phố Đà Nẵng cho biết: Trung tâm đã làm việc với Cảng vụ, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Công an xuất nhập cảnh và Hải quan để tăng cường kiểm tra giám sát hành khách nhập cảnh vào sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Tại cửa khẩu đến luôn có 2 camera đo thân nhiệt từ xa bằng tia hồng ngoại hoạt động song song tránh tình trạng bỏ sót. Bên cạnh đó, có hệ thống các trang thiết bị đo thân nhiệt bằng tia hồng ngoại cầm tay giám sát dịch. Trong trường hợp hành khách nghi ngờ là dịch, xe cấp cứu 115 sẽ vận chuyển về khu vực cách ly của thành phố là Bệnh viện Đà Nẵng đối với người lớn và Bệnh viện Phụ sản Nhi đối với trẻ em.
Tiến sỹ Viên Quang Mai, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết, vài tháng trước đây, dịch bệnh sốt xuất huyết ở khu vực miền Trung có xu hướng giảm. Tuy nhiên, lúc này đã bắt đầu vào mùa sốt xuất huyết nên các địa phương không được lơ là, chủ quan với công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo Tiến sỹ Viên Quang Mai: “Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện dịch bệnh, chủ động trong công tác phòng ngừa dịch bệnh. Chỉ có cách là phát hiện sớm, giám sát chặt chẽ và cứu chữa kịp thời, đảm bảo sẽ hạn chế tử vong. Chúng ta cần diệt muỗi, bọ gậy, vừa phòng chống sốt xuất huyết đồng thời phòng chống Zika”./.
Theo VOV.vn
(HBĐT) - Tính đến hết tháng 8/2016, số người tham gia BHYT của huyện Yên Thủy trên 50.000 người, chiếm 79,7% dân số, so với cùng kỳ năm 2015 tăng 3,1%. Đến năm 2020, BHXH huyện phấn đấu trên 90% dân số tham gia BHYT. Số người tham gia đóng BHYT tự nguyện có hơn 3.000 người, chiếm gần 5% dân số.
Một nghiên cứu được công bố trên Journal of Agricultural and Food Chemistry cho thấy các hợp chất trong gừng và ớt tương tác được với nhau và có thể làm giảm nguy cơ ung thư.
(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Đình Lương, Trưởng phòng Y tế huyện Kỳ Sơn cho biết: Công tác y tế cơ sở là một trong những lĩnh vực được huyện dành nhiều quan tâm. Từ nguồn kinh phí của tỉnh, huyện, trong những năm qua, huyện đã đầu tư xây dựng mới 5 trạm y tế xã với công trình nhà 2 tầng đầy đủ các phòng chức năng, khu tường bao, biển cổng, công trình phụ trợ đáp ứng yêu cầu chuẩn quốc gia về y tế xã với nguồn vốn đầu tư từ 4 - 5 tỉ đồng /trạm, gồm trạm y tế các xã: Mông Hoá, Hợp Thịnh, Hợp Thành, Phúc Tiến, Dân Hạ.
(HBĐT) - Chợ Chiềng, xã Tân Lập (Lạc Sơn) được xem là một chợ lớn trong khu vực Mường Vó. Theo thông lệ, mỗi tuần chợ Chiềng có 2 phiên họp vào thứ ba và thứ sáu. Nơi đây trở thành đầu mối tập trung mua bán, trao đổi hàng hoá giữa người dân ở các xã: Tân Lập, Miền Đồi, Tuân Đạo, Quý Hoà. Trước đây, hàng hoá được mang đến chợ chủ yếu là các sản phẩm nông sản của người dân địa phương sản xuất. Do sự giao thương ngày càng được mở rộng, hiện nay ở chợ Chiềng có đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ đời sống người dân.
(HBĐT) - Ngày 21/9, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống tỉnh tổ chức hiến máu tình nguyện lần 2, năm 2016.
(HBĐT) - Ung thư đường sinh sản là các ung thư xuất phát từ phần phụ của nữ giới. Gọi là phần phụ, song thực chất đây là cơ quan chính có chức năng sinh sản gồm các bộ phận quan trọng như buồng trứng, vòi trứng, tử cung, cổ tử cung, âm đạo và bộ phận sinh dục ngoài. Đáng lo ngại là những cơ quan này lại có nguy cơ ung thư cao hơn nhiều lần so với các bộ phận khác trên cơ thể.