(HBĐT) - Tính đến sáng 4/6, Hòa Bình đã hoàn thành việc tiêm vắc xin đợt 1 và đợt 2, chưa có trường hợp nào phản ứng nặng, tử vong. Việc tiêm vắc xin được thực hiện theo đúng đối tượng, sử dụng hiệu quả vắc xin đã được phân bổ. Hiện nay, tỉnh đã tiếp nhận 17.500 liều vắc xin được cấp đợt 3, trong đó, 500 liều vắc xin tiếp nhận và bảo quản giúp lực lượng công an và lực lượng quân đội; 17.000 liều sẽ được tiêm cho những người thuộc nhóm ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP, ngày 26/2/2021. Số lượng vắc xin này đã được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tiếp nhận, bảo quản tại kho dược theo đúng quy định của Bộ Y tế.

 


Nhân viên y tế BV Đa khoa tỉnh được tiêm vắc xin Covid - 19

Ngày 7/6, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh đã có Quyết định số 111 về việc phân bổ vắc xin phòng Covid-19. Theo đó, tổng số 17.000 liều vắc xin tỉnh Hòa Bình được Bộ Y tế phân bổ sẽ được sử dụng 6.300 liều để phân bổ cho các đơn vị để tiêm mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1; 10.700 liều phân bổ cho các đơn vị tiêm mũi 1. Trong số 10.700 liều được phân bổ cho các đơn vị tiêm mũi 1, huyện Lương Sơn 900 liều, Kim Bôi 800 liều, Lạc Thủy 800 liều, Tân Lạc 800 liều, Lạc Sơn 700 liều, Yên Thủy 700 liều, Cao Phong 500 liều, Mai Châu 600 liều, Đà Bắc 600 liều, TP Hòa Bình 1.400 liều, Bệnh viện Đa khoa tỉnh 700 liều, các đơn vị y tế tuyến tỉnh 339 liều, các cơ quan đơn vị 1.741, Bệnh viện Nam Lương Sơn 120 liều. 

Đồng chí Kiều Đình Vì, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Nguyên lý hoạt động của vắc xin là tạo ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể, bằng cách đưa kháng nguyên của một loại vi rút cụ thể vào cơ thể thông qua các liều tiêm. Khi một người đã được tiêm vắc xin, trên lý thuyết người đó được miễn nhiễm với căn bệnh đã tiêm. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể tiêm vắc xin được, những người có hệ miễn dịch yếu hay dị ứng với một số thành phần của vắc xin không được phép tiêm. Nếu số người tiêm vắc xin tăng lên thì mầm bệnh khó tồn tại trong cộng đồng, nguy cơ phơi nhiễm của những người không được tiêm sẽ giảm xuống thấp. Trạng thái đó được gọi là miễn dịch cộng đồng. Đây chính là mục tiêu của tất cả chiến dịch tiêm chủng hàng loạt, trong đó có tiêm vắc xin Covid-19. Trong bối cảnh  dịch Covid19 diễn biến phức tạp, việc tiêm vắc xin là để hướng tới miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Những mục tiêu của chiến lược vắc xin đã rõ, như giúp giảm thiểu áp lực lên hệ thống y tế; giảm nhẹ triệu chứng và tỷ lệ tử vong, mở lại các hoạt động từng có trước đây của xã hội và cuối cùng là loại bỏ vi rút vĩnh viễn.

Trải qua 2 đợt tiêm vắc xin Covid -19 cho thấy, các điểm tiêm của tỉnh đều đã thực hiện rất nghiêm túc việc khám sàng lọc trước khi tiêm, đảm bảo cho việc tiêm vắc  xin Covid-19 diễn ra an toàn. Hiện nay, cùng với việc tiếp tục truy vết, khoanh vùng dập dịch, tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát mất kiểm soát, yêu cầu cần thiết đặt ra là nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của vắc xin và tiêm vắc xin phòng dịch như là một trách nhiệm bảo vệ cộng đồng.

Đồng chí Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết thêm: Để thực hiện được chiến lược vắc xin, cần cung cấp kiến thức về vắc xin cho người dân nghiên cứu và chuẩn bị tâm lý trước khi tiêm. Chuẩn bị công tác hậu cần, bảo quản vắc xin theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất và nhân lực y tế để đảm bảo việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 theo đúng tiến độ, an toàn. Hiện, Sở Y tế đang tham mưu UBND tỉnh kế hoạch phân bổ 17.000 liều vắc xin được cấp đợt 3. Các đối tượng tiêm sẽ căn cứ theo Nghị quyết số 21 của Thủ tướng Chính phủ. Cũng cần lưu ý, các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng là người từ 18 tuổi trở lên, không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vắc xin. Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng là đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù. Hoặc trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh Covid-19. Tiêm vắc xin khác trong vòng 14 ngày trước, đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng, người trên 65 tuổi, giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.

Dương Liễu


Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục