Bệnh nhân B.Q.V ở huyện Tân Lạc vừa được xuất viện sau hơn 2 tuần điều trị tại khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình với chẩn đoán máu tụ nguyên phát ngoài màng cứng tuỷ sống cổ. Đây là căn bệnh nguy hiểm bởi nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng vĩnh viễn như liệt tay chân, khó khăn trong việc nói, lú lẫn trí nhớ, thậm chí tử vong nếu khối máu tụ quá lớn. Đáng chú ý, bệnh nhân còn rất trẻ khi mới tròn 15 tuổi.
Bác sĩ CKII Nguyễn Đạt Hiếu, Phó Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình kiểm tra vận động trước khi cho bệnh nhân xuất viện.
Bệnh nhân V nhập viện ngày 24/9/2024 với triệu chứng khi đang chơi điện thoại trong đêm nhiều giờ đột ngột đau giữ dội vùng cột sống cổ, liệt tứ chi và đã được đưa đi cấp cứu. Lúc vào khám, bệnh nhân tỉnh táo, liệt tứ chi, liệt nhiều bên phải với cơ lực chân 2/5 và cơ lực tay chỉ 1/5; kèm theo đau nhiều vùng đốt sống cổ 4-5-6-7. Nghi ngờ nhiều liên quan đến tủy sống khu vực cột sống cổ, bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân chụp cộng hưởng từ MRI. Từ đó, phát hiện khối máu tụ lớn ngoài màng cứng mặt sau ngoài bên phải tủy cổ ngang mức C3-C5 gây chèn ép tủy cổ nặng nề. Bệnh nhân được chẩn đoán bị máu tụ tiên phát ngoài màng cứng tuỷ sống cổ và được chỉ định mổ cấp cứu.
Ekip mổ gồm phẫu thuật viên chính TS.BS Trương Như Hiển, Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Ngoại thần kinh và các cộng sự. Trong thời gian 1,5 giờ, với phương pháp sử dụng kính vi phẫu thực hiện cuộc phẫu thuật với một vết mổ nhỏ, các bác sĩ đã lấy được máu tụ, cầm máu, giải áp chèn ép tủy sống, nguồn chảy máu từ đám rối tĩnh mạch sau của tuỷ sống bị vỡ… Khám lại sau khi bệnh nhân đã thoát mê sau mổ, các dấu hiệu về vận động, cảm giác đã phục hồi sớm. Ngày đầu tiên sau mổ, cơ lực chân và tay đạt mức 4/5 với tiến triển tốt. Giai đoạn sau mổ, bệnh nhân được kết hợp tập phục hồi chức năng cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
Theo TS.BS Trương Như Hiển, máu tụ ngoài màng cứng tủy sống là bệnh ít gặp, lâm sàng thường hay bỏ sót. Nguyên nhân thường gặp do dị dạng hệ mạch ngoài màng tủy hoặc do chấn thương. Cần phát hiện sớm và xử trí kịp thời để tránh các biến trứng nặng nề do máu tụ gây chèn ép tủy sống. Bệnh thường gặp với người lớn tuổi, có bệnh lý nền như cao huyết áp, thoái hoá cột sống nặng... Tuy nhiên, bệnh phát hiện ở người trẻ, đặc biệt mới 15 tuổi thì trong hơn 20 năm trong nghề đây là lần đầu tiên.
Khai thác bệnh nhân được biết, trước khi phát bệnh, người bệnh chơi game trên điện thoại liên tục trong thời gian khá lâu. Trong quá trình đó, bệnh nhân có nhiều động tác mạnh như lắc, giật mạnh cổ mà theo bệnh nhân thì các động tác này được thực hiện nhằm đỡ mỏi. Đây cũng được các bác sĩ xác định là nguyên nhân chính khiến cột sống cổ bị tác động đột ngột với lực mạnh gây tổn thương mạch máu chèn ép tủy sống cổ. Mặt khác, với người có thói quen cúi xuống nhìn vào điện thoại và máy tính bảng lâu để đọc tin nhắn hoặc chơi game gây đẩy đầu về phía trước và gia tăng áp lực lên cột sống, các mạch máu bị ứ trệ dễ tổn thương.
Qua trường hợp trên, BS Hiển khuyến cáo: Đối với người có các bệnh lý nền kèm đau, hạn chế vận động cổ, vai, gáy hoặc đau tê bì lan xuống tay, chân thường xuyên… nên khám tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa và có thể tầm soát bằng cách chụp phim cộng hưởng từ… để phát hiện kịp thời các bất thường của cột sống. Trong chế độ sinh hoạt, vận động và làm việc phải luôn giữ cột sống ở tư thế sinh lý thoải mái nhất, không bị gò bó. Khi nằm không nên sử dụng gối cao, tránh cột sống cổ ở tư thế cúi, gập trong thời gian dài. Đặc biệt đối với người làm việc văn phòng hay phải ngồi lâu, cần có khoảng nghỉ sau mỗi 30-45 phút làm việc. Đối với người mắc chứng đau cổ, vai, gáy không nên tự ý hoặc để người khác thực hiện các động tác vặn, giật, lắc đột ngột hoặc cố tình thực hiện một động tác nào đó để có tiếng kêu. Nếu có biểu hiện đau cần cố định cổ, đưa đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sâu về thần kinh gần nhất và trong thời gian sớm nhất để được khám, điều trị.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có đầy đủ trang thiết bị khám, chẩn đoán bệnh chính xác, hiệu quả, nhất các bệnh lý thần kinh, cột sống như: máy chụp cắt lớp vi tính 64 dãy, máy chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla... Bên cạnh đó là đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực thần kinh, cột sống. Trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bệnh lý thần kinh, cột sống, người dân có thể liên hệ khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, tầng 5, nhà B8. Điện thoại khoa/chuyên gia: 02183 505 777, 0916290976.
Nguyễn Tuyết
(Bệnh viện Đa khoa tỉnh)
Tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tăng cường năng lực triển khai thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) và điều 5.3 FCTC tại Việt Nam, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: "Quan điểm của Bộ Y tế là đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu, và nhất quán quan điểm là đề xuất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…”.
Mới đây, các y bác sĩ khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một bé gái (3 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng búp ngón II tay trái bị đứt lìa do kẹp tay vào cửa.
Từ ngày 30/9 - 2/10, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và Trung tâm II – Hội cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam phối hợp tổ chức đợt khám sàng lọc và phẫu thuật cho trẻ khuyết tật hoàn cảnh khó khăn năm 2024. Chương trình được thực hiện tại 10 huyện, thành phố trong tỉnh.
Bộ Y tế đã triển khai thí điểm tích hợp giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế và giấy hẹn tái khám trên các ứng dụng VNeID. Kết quả bước đầu khá tích cực, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính là căn cứ để mở rộng trên cả nước thời gian tới.
Bộ Y tế cho biết nhận được Công văn số 655/BDN của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Tối 2/10, Đảng uỷ Sở Y tế tổ chức Hội nghị mở rộng ra Nghị quyết lãnh đạo chuyển hoạt động của Sở Y tế vào trạng thái khẩn cấp về quốc phòng. Đây là nội dung diễn tập nằm trong khung diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2024.