Nhiều lao động tự do trong tỉnh không mặn mà với BHXHTN.
(HBĐT) - Theo kế hoạch của Bảo hiểm Việt Nam, đến năm 2010, tỉnh ta phấn đấu đạt chỉ tiêu 1.100 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với tổng số tiền thu là trên 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai mới chỉ có 378 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 30% kế hoạch. Qua điều tra cho thấy, có nhiều lý do khiến người lao động không mặn mà với chế độ bảo hiểm này.
Không bằng gửi tiết kiệm
Là lao động tự do, chị Đoàn Thị Mến (Phường Hữu Nghị - TPHB) muốn tìm hiểu về bảo hiển xã hội tự nguyện để tham gia. Với mức đóng thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện và được tính trên mức thu nhập do người tham gia bảo hiểm xã hội lựa chọn, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung. Hiện nay, chị mở cơ sở may tư nhân với thu nhập 2,5 triệu đồng, nếu chọn mức thu nhập này để đóng thì chị Mến sẽ đóng hàng tháng là 450.000 đồng, tương đương với 18% thu nhập. Chị Mến có thể chọn đóng hàng tháng, hàng quý hoặc 6 tháng 1 lần theo như quy định của luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng thi hành. Sau một thời gian suy nghĩ, hỏi ý kiến của một số người, chị đã quyết định không tham gia cho dù nó đem lại hy vọng có lương hưu cho những người lao động tự do như chị. Vì theo chị: “Sau mấy chục năm đóng bảo hiểm đến khi nhận chế độ bảo hiểm cũng không hơn gì là gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vào công việc khác”.
Chị Phùng Thị Vân và chồng ở khu Thống Nhất, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi đều là lao động tự do, nhưng hai vợ chồng vẫn không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vì theo cách tính của chị Vân: Trong cả quãng thời gian 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, chị có 10 năm đóng theo mức thu nhập 1 triệu đồng/tháng và 10 năm đóng theo mức thu nhập 2 triệu đồng/ tháng. Cơ quan quản lý sẽ tính ra mức lương trung bình của chị trong 20 năm là 1,5 triệu đồng/ tháng. Lương hưu của chị sẽ được tính bằng 45% của 1,5 triệu đồng này được cộng thêm tiền theo tỷ lệ trượt giá do Chính phủ quy định. Trong trường hợp người lao động đóng nhiều hơn 20 năm thì với mỗi năm đóng thêm, nữ được hưởng thêm 3%, và nam là 2%. Với cách tính đơn giản đó, đến khi về hưu được hưởng mức lương hơn 1 triệu đồng, cộng thêm tỷ lệ trượt giá thì không đủ để đảm bảo cuộc sống. Chính vì vậy, vợ chồng chị đã chọn giải pháp là gửi tiền vào ngân hàng vừa thuận tiện, vừa có một khoản tiền lãi nhất định phục vụ cho đời sống.
Nhiều khó khăn trong quá trình triển khai
Ông Nguyễn Đức Sơn, Trưởng phòng Thu – Bảo hiểm Hòa Bình cho biết: Đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam trọng độ tuổi lao động, không thuộc diện áp dụng của pháp luật về Bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đối với Hòa Bình, đối tượng tham gia chủ yếu là cán bộ các xã, thị trấn, hay những người đã từng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng vẫn chưa đủ năm công tác… Tuy vậy, sau gần 3 năm triển khai, Bảo hiểm Hòa Bình luôn không đạt chỉ tiêu kế hoạch do Bảo hiểm Việt
Còn theo ông Nguyễn Hồng Hùng, Giám đốc Bảo hiểm huyện Cao Phong cho biết: Hiện tại, toàn huyện Cao Phong có 39 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thời gian ban đầu triển khai có nhiều người tham gia, nhưng rồi lại bỏ cho dù phải mất một khoản đóng bảo hiểm trước đó. Vì ngoài những nguyên nhân trên, người dân còn thấy người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có tới 5 chế độ được Nhà nước hỗ trợ đóng phí. Trong khi đối với Bảo hiểm xã hội tự nguyện, họ phải lo đóng phí hoàn toàn mà người tham gia chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Với người dân, thói quen chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, chưa thấy được lợi ích lâu dài khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nên tỷ lệ người dân nông thôn tham gia loại hình bảo hiểm này còn thấp là điều dễ lý giải.
Tân Lạc cũng là huyện có tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp như ở các địa phương trong toàn tỉnh. Hiện nay, toàn huyện chỉ có 30 người tham gia, ông Nguyễn Ngọc Dương, Phó Giám đốc Bảo hiểm huyện Tân Lạc cho biết: Một nguyên nhân nữa khiến người dân không “mặn mà” với Bảo hiểm xã hội tự nguyện là hiện nay chưa có chế độ cho các Đại lý thu Bảo hiểm xã hội tự nguyện, chính vì vậy người dân phải tự đến Bảo hiểm huyện, thành phố để đóng. Chính vì vậy, nhiều người còn mang tâm lý ngại ngần khi phải đến những nơi như vậy. Thêm một lý do khiến cho người dân quay lưng lại với bảo hiểm xã hội tự nguyện là quy định thời gian được hưởng chế độ bảo hiểm quá dài. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được hưởng chế độ bảo hiểm khi đã thực hiện việc đóng các khoản phí đầy đủ và phải đạt đến độ tuổi nhất định theo quy định của pháp luật. Trong khi đó ở chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc thì quy định về vấn đề đó tỏ ra mềm dẻo hơn nhiều.
Cần nghĩ đến lợi ích lâu dài
Khi tham gia bảo hiểm nói chung và bảo hiểm xã hội tự nguyện nói riêng chính là việc người tham gia bảo hiểm đang hướng tới việc sẽ được thụ hưởng một chế độ nhất định khi không còn khả năng lao động. Đồng thời việc tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện còn là hành động mang tính nhân đạo, tính xã hội rộng lớn; giúp hạn chế rủi ro, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Tính ưu việt của Bảo hiểm xã hội tự nguyện là rất rõ. Song, như phân tích trên, thu nhập của người lao động hàng tháng thấp và bấp bênh, thời gian tham gia dài nên nhiều người không đủ sức theo. Nhiều người lao động tìm cách tiết kiệm bằng hình thức “bỏ ống”, gửi ngân hàng thay vì tham gia bảo hiểm. Vì vậy, để thực sự thu hút được người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có sự điều chỉnh các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tế, hài hòa được lợi ích của người tham gia bảo hiểm. Đồng thời với điều đó thì việc tuyên truyền sâu rộng luật Bảo hiểm xã hội; tuyên truyền về chế độ, chính sách cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng như giúp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thấy được lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm… sẽ góp phần cải thiện tình hình tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn; hướng tới mục tiêu “ Bảo hiểm toàn dân” như chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Hồng Nhung
(HBĐT) - Ngày 26/9, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh đã tổ chức hội nghị ôn lại truyền thống 19 năm ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10/1991 – 1/10/2010) và tư vấn sức khỏe cho trên 150 cán bộ, hội viên người cao tuổi.
(HBĐT) - Ngày 25/9, Sở Y tế phối hợp với Dự án UNFPA chu kỳ VII tổ chức hội thi nữ hộ sinh giỏi, thanh lịch cấp tỉnh năm 2010 nhằm nâng cao chất lượng công tác làm mẹ an toàn, chăm sóc và cấp cứu sơ sinh, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật giữa các điều dưỡng viên, hộ sinh trong toàn tỉnh.
(HBĐT) - Trong 2 ngày 24-25/9, Chi cục ATVSTP tổ chức tập huấn nâng cao nhiệp vụ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho cán bộ tuyến cơ sở. Tham gia lớp tập huấn có 28 cán bộ y tế đến từ trung tâm y tế dự phòng các huyện, thành phố trong toàn tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 24/9, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban Quản lý Dự án VNM 7 PG 0003 tỉnh phối hợp tổ chức trao giải cuộc thi viết tìm hiểu Dân số/SKSS năm 2010.
(HBĐT) - Năm 2009, được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, từ đó Trạm y tế xã Phú Cường, huyện Tân Lạc luôn thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Giám sát dịch bệnh trên bình diện "Động vật - Con người - Môi trường" nhằm phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguy cơ gây đại dịch trên người đang được Chính phủ Việt Nam hướng đến trong Chương trình phối hợp hành động quốc gia phòng chống cúm gia cầm và cúm ở người (Sách Xanh) giai đoạn 2011-2015. Đây cũng là kế sâu rễ bền gốc để đối phó với nhiều loại dịch bệnh đang hoành hành hiện nay.