Dù đã có dặn lòng mình rằng: Sẽ không sợ gì, nhất là với những con người có sự dị biệt nào đấy tôi đã gặp nhiều rồi; vậy mà khi gặp những đứa trẻ bất hạnh kia, tôi vẫn không hết bàng hoàng trước những nỗi đau.
Đi tìm nỗi đau
Cuốc bộ cùng cô Nục Thị Khằn, Phó Chủ tịch xã Yên Sơn, huyện Thông Nông, Cao Bằng và anh Dương Trọng Khôi, cán bộ 30A vào nhà Vi Văn Đôn, Nông Thị Nhung vốn được nhiều người Cao Bằng biết đến trên truyền hình tỉnh; tôi luôn cố hình dung ra cặp vợ chồng nhẽ ra là chị em con bác - con chú với nhau và những đứa con bất hạnh kia, quả là không dễ.
Tiếp chúng tôi trên căn nhà sàn đặc trưng của người dân tộc Nùng - Cao Bằng, trên là người ở, dưới là lợn, gà, trâu. Với gò má cao, làn da sáng, Nông Thị Nhung nở nụ cười gượng, nhăn nhó, đau khổ.
Căn nhà tối om, ẩm mùi hôi, tôi giật mình nghe tiếng ai thở mạnh hay tiếng khịt... khịt. “Các cháu thấy người lạ đó”, cô Khằn bảo. Tiến lại gần bếp lửa, những cái đầu bé nhỏ, mặt mũi nhem nhúa, đôi mắt lồi to, miệng rộng, dáng lù khù, 2 tay luôn quặp trước ngực, đôi chân trần giấu trong tro bếp. Cô Khằn khích lệ: “Không sao đâu, người quen nó thích nó mới leo lên cổ ngồi. Nó cũng biết chọn người đấy!”.
Càng lại gần, những đứa trẻ càng tỏ ra sợ hãi, mắt dáo dác nhìn mẹ, nhìn cô ruột đang bế đứa thứ 5 trên tay. Chúng cứ xích dần vào bếp rồi ú ớ không thành tiếng.
Cô Khằn cho biết: Vi Văn Đôn và Nông Thị Nhung là chị em đời thứ hai. Bà Nông Thị Hạ (mẹ Đôn) và ông Nông Văn Dậu (bố Nhung) là chị em ruột cùng mẹ, cùng cha.
Ngày ấy, gia đình họ Nông có nhiều ruộng đất lắm. Vì không muốn rơi vào tay người ngoài nên gia đình đã tác hợp cho Vi Văn Đôn và Nông Thị Nhàn vốn là chị em họ lấy nhau. Khi ấy Đôn mới 15 tuổi và Nhung 16 tuổi. Thế là từ anh em cùng họ thành thông gia với nhau; chị em bỗng nên nghĩa vợ chồng; bác gái (Nông Thị Hạ) gọi là mẹ chồng; cậu ruột Nông Văn Dậu gọi là bố vợ.
Năm 2000, vợ chồng Đôn – Nhung sinh hạ đứa con đầu lòng là Vi Văn Đông. Đứa thứ hai (đã mất), đứa thứ ba là Vi Văn Tiến (SN 2005), tiếp là Vi Thị Huế (SN 2007), Vi Thị Hiền (SN 2010). Chỉ riêng Vi Thị Huế là phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, hiện bé đang học mẫu giáo. Còn 3 đứa trẻ kia sinh ra chỉ nặng từ 1 - 2 kg, đầu bé tí, dáng khù khoằm. Các bé phát triển chậm, không nói được nhưng hiểu được. Đông thì nói được một chữ duy nhất, dễ nói nhất là “thay” - tiếng Nùng nghĩa là chết, do được một người hàng xóm dạy nói.
Tôi hỏi xem ngoài hình dạng, ba bé có biểu hiện gì đặc biệt không, Nông Thị Nhung cho biết: Các cháu vẫn ăn ngủ bình thường, được cái không ốm đau gì. Dù trời lạnh thế này nhưng vẫn không mặc nhiều áo ấm. Rồi chị kể, tay bế đứa bé khóc ngặt nghẹo: “Chúng nó nghịch lắm. Bố mẹ mà làm gì không hợp ý nó là nó đập phá ngay. Nhóm bếp thì nó lấy củi ra dụi tắt đi...”.
Vi Văn Đông nhìn tôi không chớp rồi bỗng dưng đứng dậy ôm cổ cô ruột định leo lên cổ ngồi. Cô Khằn bảo: Đông còn đi được, Tiến thì không, 2 chân cứ quặp lại không đứng được chỉ ngồi lết và đòi bế thôi. “Đông thích ai thì leo ngay lên cổ người đó và ôm đầu họ. Nó leo cây hái quả thì nhanh lắm!”.
Vi Văn Đôn đưa bàn tay trái Tiến cho tôi xem: “Nó có 6 ngón đấy”. Tay Tiến cứ giữ khư khư trước ngực nên tôi không để ý. Ngón cái bên tay phải chẻ đôi làm hai. Cố nịnh bằng gói sữa Fami duy nhất trong balô của mình, tôi mới chụp được bàn tay ấy. Khi bé chỉ máy ảnh đòi xem lại, tôi cho xem, bé nhìn rồi lấy tay gạt đi và ôm mẹ khóc. Từ đó, Tiến sợ cái máy ảnh của tôi khi hướng về phía cậu.
Chiếc bóng điện 25W như không đủ toả sáng cho căn nhà sàn rộng, không đủ soi rọi để tôi nhìn kỹ 7 mặt con người sống trong căn nhà ấy. Cái bếp củi cũng lò dò, đốm sáng đốm tối. Tôi chỉ mong nó bùng sáng để xua tan cái lạnh len vào khe cửa, cái ảm đạm trong căn nhà đồng hệ và 3 đứa trẻ khốn khổ kia.
Người đàn ông dáng thấp, lò dò xuất hiện từ phía nào đó của căn nhà mà tôi chưa đi hết. Ông cười cười, bước chậm, tay quờ quạng lối đi. Đó là Vi Văn Khằm, SN 1951, là bố chồng Nông Thị Nhung (nhẽ ra là bác rể). Vợ mất, ông sống cùng vợ chồng Đôn. Giờ mắt ông không nhìn thấy gì nữa. “Nó cứ mờ dần rồi tối hẳn. Hai lần mổ rồi đấy, nhưng không thấy khỏi đâu cán bộ à”.
Khi tôi hỏi tại sao lại tác hợp cho chị em lấy nhau, đôi mắt đờ đẫn, ông Khằn bảo ngày ấy không biết gì đâu, mà người Nùng vẫn có nhà như thế, khi sinh con có sao đâu. Với Nhung và Đôn thì bảo: Ngày ấy còn bé, ba mẹ đặt đâu thì ngồi đấy. Về sống với nhau và sinh con. Sinh con rồi mới đi đăng ký theo nghị định Chính phủ. Theo cô Khằm, ngày ấy chủ tịch xã ở thị trấn, không biết là anh em nên vẫn đăng ký được.
Khi đứa thứ hai mất đi, gia đình bắt đầu đi cúng. “Cúng nhiều tiền lắm đấy. Cúng nhà ông Bụt, ông Tào”. Đó là tập tục tín ngưỡng của bà con nơi đây. “Ông Bụt thì con ma nó nhập vào bảo là do nhặt được nụ hoa xấu (con được gọi là nụ hoa - PV), phải cúng xin nụ hoa tốt”. Sinh đứa thứ ba là Vi Thị Huế phát triển bình thường. Cứ tưởng chỉ cúng một lần thôi thì lần sau sẽ không việc gì. Nhưng khi sinh Tiến và Hiền thì vẫn vậy. Hai vợ chồng giờ không dám đẻ nữa. Được cái Đôn thương vợ con. Vợ sinh con như thế, nhưng vẫn chăm sóc và làm lụng chăm chỉ.
Bên cạnh nhà Đôn là Vi Văn Xuân (em trai Đôn). Vẫn là cái nghèo khổ sau nếp nhà gỗ bệt hở toác. Căn nhà bừa bộn đủ thứ quần áo, giẻ rách, soong nồi. Xuân tính hâm hâm, nói cười cả ngày mà nghe chừng câu nào cũng có lý lắm. “Nhà ta đẹp lắm đó. Cán bộ chụp đi, ta đi bộ đội về, là bộ đội Cụ Hồ đấy (rồi Xuân đưa tay lên trán chào cờ)... À, mà gọi cán bộ là em cho trẻ nhé. Ta cũng trẻ, sinh năm 1985 đấy. Vợ ta còn trẻ hơn”.
Đúng là vợ Xuân trẻ thật, sinh năm 1993, học hết lớp 3 “đủ chữ rồi”. Cô gái bế đứa trẻ trên tay mà tôi ngỡ chỉ là chị em, dù khuôn mặt cũng có phần già hơn tuổi.
Những con người giấu mình lụi hụi trong căn nhà sàn ọp ẹp, sau vách núi ngàn trùng, quần áo mong manh thách thức cái rét vùng cao. Tôi khẽ rùng mình ớn lạnh, chẳng biết vì gió hay vì nỗi đau kiếp người dài thế.
Theo LaoDong
(HBĐT) - Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) áp dụng bắt buộc đối với người người lao động và người sử dụng lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009, được quy định trong Luật BHXH đã được Quốc hội khóa XI thông qua.
(HBĐT) - Tối ngày 5/1, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trung tâm Chữa bệnh - GD - LĐXH tỉnh tổ chức hội thi “Vì ngày mai hòa nhập” năm 2011. Đến dự và cổ vũ có đại diện lãnh đạo các ban: Dân vận Tỉnh ủy, Tuyên giáo Tỉnh ủy; các Sở: Y tế, LĐ-TB&XH, Hội Nông dân, Công an tỉnh và 15 tuyên truyền viên (TTV) của 3 CLB “Đồng đẳng” đến từ 3 huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn.
(HBĐT) - Để bảo đảm sức khỏe cho các cháu đang đi học ở nhà trẻ, mẫu giáo và học sinh tiểu học, PTCS, THCS trên địa bàn khi có thời tiết rét đậm, rét hại, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh vừa có Công văn gửi phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị, trường học ở vùng cao thường xuyên có nhiệt độ thấp chủ động điều chỉnh thời gian học buổi sáng chậm lại theo thời gian quy định, tránh thời tiết rét đầu buổi sáng ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Bên cạnh đó, các trường căn cứ vào thời tiết của vùng và thực tế tại địa phương cho phép các em nghỉ học theo đúng quy định.
(HBĐT) - Hưởng ứng kế hoạch vận động hiến máu tình nguyện trong dịp Tết và tổ chức Lễ hội Xuân hồng 2012, ngày 4/1, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện thành phố phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức ngày hội hiến máu tại trường Trung cấp Y tế tỉnh.
(HBĐT) - Còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Vào dịp này, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, đi liền với đó là gia tăng nguy cơ ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.
(HBĐT) - Không còn cái vẻ mặt héo hon sau những bữa no, bữa đói; không còn cảnh lấm lem bùn đất mỗi ngày; không còn sự chới với, cô đơn trong tâm hồn con trẻ sau những nghiệt ngã của cuộc đời. Giờ đây, chúng tôi đã thấy những tiếng cười trong trẻo, thơ ngây với những chiếc răng sún của cậu bé Bùi Minh Tuấn - đứa trẻ duy nhất có HIV ở TTBTXH tỉnh.