(HBĐT) - Không phải Đảng bộ, chính quyền các cấp huyện Mai Châu không vào cuộc. Ngược lại, các biện pháp từ tuyên truyền, vận động đến xử phạt đều đã được áp dụng, tuy nhiên vấn nạn tảo hôn vẫn chưa được kiểm soát, thậm chí còn bùng phát trong 6 tháng đầu năm nay. Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, số vụ tảo hôn ở huyện Mai Châu đã tăng gấp ba so với cả năm 2015 với trên 100 vụ và chắc chắn vẫn còn khó kiểm soát khi có không ít trường hợp tảo hôn là con của Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Bí thư Chi bộ, đảng viên, giáo viên.

Các hội, đoàn thể trên địa bàn huyện Mai Châu tăng cường phối hợp tổ chức các chương trình tuyên truyền về “nói không với tảo hôn” tại các trường học trên địa bàn. Ảnh chụp tại trường THCS xã Phúc Sạn.

 

Lấy chồng từ thuở 13...

Chuyện tưởng chừng chỉ có trong ca dao ấy vẫn đang diễn ra khá phổ biến ở huyện vùng cao Mai Châu. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, toàn huyện có 78 vụ với 44 vụ tảo hôn ở cả vợ và chồng. Nhiều cô bé chỉ mới bước qua tuổi 12, 13 vài tháng đã thành vợ và chuẩn bị làm mẹ. Con số này tiếp tục tăng lên xấp xỉ 30 vụ trong tháng 7, tháng 8- quãng thời gian được quan niệm không phải là mùa cưới.

 

Chúng tôi tìm đến Hang Kia, nơi vấn nạn tảo hôn xảy ra nhức nhối nhất. Từ rất lâu rồi ở bản Mông xinh đẹp này đã tồn tại tục kéo vợ. Khi người con trai thấy ưng bụng cô gái nào sẽ kéo cô ấy về nhà mình ở. Đám hỏi được diễn ra sau đó 3 ngày. Tục này hiện vẫn đang còn, có điều giờ đây, chàng trai Mông thường bắt vợ khi giữa hai bên nam, nữ đã có sự tìm hiểu, thuận tình. Bí thư Đảng ủy xã Hang Kia Khà A Lau thở dài: Chuyện tình yêu ở xã vùng cao này còn nan giải lắm! Nạn tảo hôn vẫn diễn ra và tăng theo cấp số cộng. Riêng trong 6 tháng đầu năm đã có trên 40 vụ. Trong đó quá nửa là tảo hôn ở cả vợ và chồng.

 

Đợt mưa kéo dài khiến con đường vào xóm Thung Mặn càng thêm lầy lội, hiểm trở. Nằm cách trung tâm xã chỉ vài cây số nhưng phải mất hàng giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được nhà của đôi vợ chồng trẻ Hờ A L. và Giàng Y L. Cùng sinh ra và lớn lên ở Thung Mặn, từ lâu, Giàng Y L. đã được Hờ A L. để mắt tới. Họ thuận tình theo nhau và nên vợ, nên chồng khi A L. vừa tròn 16, còn Y L. mới chỉ bước qua tuổi 12 được 7 tháng. Cắm cúi bên tấm vải thêu, cô gái trẻ cố giấu đi giọt lệ buồn tủi bởi chỉ vài tháng nữa thôi Y L. sẽ phải nghỉ học, cố lắm gia đình cũng chỉ đủ sức nuôi chồng em học tiếp cấp THPT. Rồi đây, đôi chân của cô bé chưa đầy 13 tuổi ấy sẽ phải thay chồng bước mòn trên những nương ngô, đôi bàn tay phải làm đủ mọi công việc của người phụ nữ trong gia đình và chờ ngày đứa con chào đời khi chưa kịp chuẩn bị cho vai trò làm mẹ.

 

Cũng như Y L., Khà Y M. (ở Thung Ẳng), Vàng Y P., Khà Y P. (ở xóm Hang Kia) đều làm vợ khi chỉ mới 13, 14 tuổi. Thiếu đi những kiến thức cơ bản về cuộc sống, về hôn nhân, về việc làm mẹ những gì đang chờ đợi họ? Hậu quả của tảo hôn không chỉ dừng lại ở mức độ vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình mà còn dẫn đến nhiều bi kịch. Những cặp vợ chồng trẻ con này đã tự đánh mất cơ hội học tập, tìm kiếm việc làm để lập thân, lập nghiệp. Nghiêm trọng hơn, người con gái sinh nở ở tuổi thiếu niên rất dễ bị đẻ non, sảy thai. Con của họ cũng phải đối mặt với nguy cơ và những rủi ro về sức khoẻ như suy dinh dưỡng, trọng lượng thấp, sức đề kháng yếu

Đi tìm hồi kết cho câu chuyện buồn- tảo hôn

 

Nếu năm 2015, toàn huyện Mai Châu vẫn còn có 3 xã chưa có nạn tảo hôn thì đến nay chỉ còn 2 xã. Đáng báo động là nạn tảo hôn đã xâm nhập vào cả gia đình cán bộ, đảng viên. Cụ thể như ông Sùng A Lòng, Bí thư chi bộ xóm Thung Mài (Hang Kia) có con là Sùng Y X. lấy chồng khi mới 16 tuổi 3 tháng. ông Vàng A Thào, Phó Chủ tịch UBND xã Hang Kia có con dâu là Khà Y P. mới chỉ 15 tuổi 11 tháng và điển hình trường hợp đảng viên, giáo viên Hờ A Tráng kết thông gia với Phó Bí thư chi bộ xóm Thung Ẳng Sùng A Sở, con của họ nên vợ, nên chồng khi cả 2 mới chỉ 16 tuổi. Dường như nạn tảo hôn đã và đang trở thành phong trào tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò.

 

Không phải chính quyền các cấp ở huyện Mai Châu không vào cuộc. Ngược lại, từ huyện đến xã và các tổ chức, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội NCT, Hội CCB đều tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên gương mẫu, đi đầu trong việc xóa nạn tảo hôn. Đồng chí Hà Thị Lan, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Mai Châu khẳng định: Ban Thường vụ Huyện ủy đã ra Chỉ thị số 10 ngày 6/10/2011 về tăng cường tuyên truyền phòng - chống mê tín, dị đoan, tảo hôn. Các xã thành lập ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 10. Đồng thời có hình thức xử phạt, “đánh vào kinh tế” nhà trai tảo hôn với mức phạt 500.000 - 1 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, phạt không phải biện pháp hữu hiệu. ông Vàng A Tráng ở xóm Hang Kia (Hang Kia) đủng đỉnh nói: “Một gia đình chỉ mất từ 30  - 50 kg mận (giá 1 kg mận tại chợ Pà Cò từ 20.000 - 25.000 đồng/kg) mà lấy được vợ cho con thì không tiếc đâu. Có thêm con dâu về làm việc cho nhà mình, chẳng mấy mà thu lại được. Thực tế đó cho thấy, việc xử phạt thực sự chưa phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên cũng có ý kiến băn khoăn rằng, phải chăng sự vào cuộc là có nhưng chưa quyết liệt khi cũng theo đồng chí Trưởng ban Dân vận, từ đầu năm đến nay chưa xử phạt bất cứ trường hợp nào?

 

Trao đổi với đồng chí Đặng Mai Sơn, Phó Bí thư TT Huyện ủy Mai Châu về vấn đề này chúng tôi được biết, trước thực trạng đáng báo động kể trên, tháng 4/2016, BTV Huyện ủy đã ra Nghị quyết số 03 về lãnh đạo phòng- chống tảo hôn trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016- 2020, trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, đoàn thể trong việc chung tay giải quyết vấn nạn tảo hôn với nhiều giải pháp căn bản như: tuyên truyền có trọng điểm; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ đến tận xóm, bản; xây dựng các mô hình CLB tiền hôn nhân, thanh niên với pháp luật Tiếp đó, tháng 7 vừa qua, BCĐ phòng - chống tảo hôn huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 kể trên. Trong đó đề ra cụ thể các bước tiến hành và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hàng năm.

 

Với những bước đi cụ thể, có thể nhận thấy rằng không phải Đảng bộ, chính quyền huyện Mai Châu không vào cuộc quyết liệt mà là sự chuyển hướng trong cách giải quyết vấn nạn này. Bởi không thể phủ nhận rằng, để giải quyết nạn tảo hôn vốn tồn tại lâu đời như một phong tục, tập quán thì có lẽ không thể chỉ dựa vào các hình thức xử phạt, vấn đề cốt lõi là làm sao để thay đổi từ nhận thức đến hành vi của của đồng bào nơi đây để câu chuyện buồn về tảo hôn của những thiếu niên vùng cao Mai Châu sẽ tìm được hồi kết. 

 

 

                                                                                Hải Yến

 

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục