(HBĐT) - Hòa Bình được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, kỳ thú; tài nguyên khoáng sản phong phú; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào... Tỉnh cũng có lợi thế "nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ", luôn sẵn sàng mở cửa đón làn sóng đầu tư để tạo sức bật cho nền kinh tế, thực hiện khát vọng phát triển nhanh, bền vững. 




Tỉnh ta xác định đầu tư hạ tầng giao thông là một trong những đột phá để mở rộng cánh cửa thu hút đầu tư vào tỉnh. (Ảnh chụp tại đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình).

Vốn đầu tư là 1 trong 3 trụ cột quan trọng, có ý nghĩa then chốt, là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển KT-XH. Xác định được vai trò đặc biệt quan trọng của vốn đầu tư đối với phát triển kinh tế, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút đầu tư (THĐT), phát triển doanh nghiệp (DN).

2020, 2021 là 2 năm hết sức khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và công tác THĐT nói riêng bởi ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Nhất là dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến sản xuất - kinh doanh của DN trên địa bàn, kiềm chế hoạt động của các nhà đầu tư (NĐT) đã, đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh. Bên cạnh đó, năm 2021 là năm đầu triển khai Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020, cùng hàng loạt cơ chế, chính sách pháp luật sửa đổi, bổ sung có liên quan đến thủ tục đầu tư, kinh doanh đã tạo ra vướng mắc về quy định của pháp luật trong thực hiện thủ tục đầu tư.

Cùng với những trở ngại do nguyên nhân khách quan trên thì vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), khó khăn về hạ tầng kỹ thuật, công tác quy hoạch, giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cũng là những "điểm nghẽn" trong THĐT vào tỉnh. Chia sẻ của ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuân Thiện là một ví dụ. Theo ông Hoàng, Tập đoàn Xuân Thiện đang triển khai dự án ở huyện Lạc Thủy, trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, chủ yếu thủ tục đầu tư về đất đai, đây là nguyên nhân chính kéo dài thời gian làm thủ tục đầu tư. Hiện nay còn một số chồng chéo giữa Luật Đầu tư và Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai với Luật Quy hoạch hay Luật Đầu tư với Luật Quy hoạch gây khó khăn cho DN. "Chúng tôi xác định Hòa Bình là quê hương thứ 2 vì địa điểm đầu tư giáp ranh với Ninh Bình, đây là thuận lợi lớn của DN. Để giúp các DN sớm triển khai dự án, chúng tôi mong muốn UBND tỉnh tổ chức làm việc 1 tháng ít nhất 1 lần để kịp thời nắm bắt tình hình thực tế, lắng nghe nguyện vọng, đề xuất của DN. Tỉnh cũng nên hỏi - đáp thường xuyên với các bộ, ngành để có cơ sở trả lời DN khi vướng mắc về TTHC, nếu chỉ biết chờ đợi sẽ mất thời gian của DN và có thể là cơ hội THĐT của tỉnh. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chức năng rà soát thực trạng quản lý đất đai, nhân khẩu, hộ khẩu ở các địa phương có kế hoạch THĐT, nơi có tiềm năng về khoáng sản, du lịch..." - ông Hoàng bày tỏ.

Cùng chung nỗi niềm, nguyện vọng như Tập đoàn Xuân Thiện, tại các buổi làm việc tháo gỡ khó khăn cho DN, NĐT của UBND tỉnh trong thời gian qua, nhiều NĐT lớn như Tập đoàn Hòa Phát, T&T, hay lãnh đạo Hiệp hội DN tỉnh... đều cho rằng, những hạn chế trong công tác quy hoạch; thời gian giải quyết các TTHC, nhất là thủ tục về đất đai kéo dài; hạ tầng giao thông và các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ; thái độ, vai trò trách nhiệm, trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn yếu kém... là những rào cản lớn đối với NĐT đến với tỉnh.

Lắng nghe, thấu hiểu cái khó, cùng đồng hành với các DN, NĐT là quan điểm xuyên suốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý, THĐT. Trao đổi với báo chí nhân dịp đầu năm mới 2022, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn cho biết: Chưa bao giờ tỉnh tổ chức xây dựng quy hoạch một cách bài bản, quy mô rộng lớn như hiện nay. Chúng ta đã thành lập Ban chỉ đạo quy hoạch tỉnh bao gồm toàn bộ BCH Đảng bộ tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố để chỉ đạo, thực hiện công tác quy hoạch. Bên cạnh đó, trong năm 2021, tỉnh đã ban hành hàng loạt quy chế để làm sao cải thiện được môi trường đầu tư kinh doanh, bởi xuất phát điểm của tỉnh rất thấp. Nhằm đạt mục tiêu mỗi năm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 3 bậc như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, trước hết, BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành các quy chế, như quy chế về lựa chọn NĐT để đảm bảo thực sự lựa chọn được những NĐT tốt, có tiềm năng, muốn gắn bó lâu dài với Hòa Bình. Tỉnh cũng ban hành Bộ tiêu chí DDCI áp dụng thử nghiệm trong năm 2021 để đánh giá năng lực, chất lượng dịch vụ của các sở, ban, ngành và cấp huyện. Ông cha đã dạy, "phải thông lộ, tích thủy” thì mới phát triển. Do vậy, tỉnh đã tập trung vào hạ tầng giao thông. Có thể nói, chưa bao giờ tỉnh ta bố trí vốn đầu tư công cho các dự án về giao thông lớn như giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó tỉnh đã bố trí nguồn lực xấp xỉ 60% và chuẩn bị hàng loạt dự án giao thông trọng điểm có thể khởi công vào năm 2022.

Cũng để cải thiện môi trường đầu tư, năm qua, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho DN, HTX, hộ kinh doanh và người dân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đồng thời thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất tại khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.

Song song với đó, công tác cải cách hành chính được chú trọng thông qua việc công bố 777 dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4, 462 DVC mức độ 3 tại cấp tỉnh; cấp huyện có 80 DVC mức độ 3; 101 DVC mức độ 4; cấp xã có 48 DVC mức độ 3, 24 DVC mức độ 4. Cắt giảm 30% thời gian giải quyết TTHC so với quy định của pháp luật đối với 697 TTHC tại cấp tỉnh, 133 TTHC tại cấp huyện, 42 TTHC tại cấp xã. Với những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong những năm vừa qua, thứ hạng chỉ số PCI tỉnh từng bước được cải thiện, kéo theo công tác THĐT có chuyển động mạnh.

Theo chia sẻ của đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Hiện, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án lớn, giá trị đầu tư từ 3 - 4 nghìn tỷ đồng, thậm chí có dự án lên tới khoảng 10.000 tỷ đồng, đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh và các cấp, ngành trong THĐT trong năm 2021. Đặc biệt đối với đầu tư ngoài ngân sách, hiện, hầu hết các NĐT lớn của Việt Nam đã có mặt tại tỉnh và đang hoàn tất các thủ tục để triển khai dự án, trong đó phải kể đến các Tập đoàn: FLC, Vingroup, Sun Group, T&T, Tân Hoàng Minh... Trong năm qua, tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ việc phân cấp và triển khai các quy định của pháp luật. Chính vì vậy, tỉnh đã tháo gỡ được nhiều vấn đề về phân cấp vốn đầu tư, phân cấp vốn ngân sách, tỷ lệ điều tiết và công tác giải phóng mặt bằng được giải quyết nhanh hơn. Ngoài ra cũng có nhiều đề án được xây dựng, ban hành để thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đây là sự nỗ lực cao độ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nhờ vậy đã góp phần giúp bức tranh kinh tế của Hòa Bình có sự khởi sắc, tạo nền móng, bước đệm và tạo đà để tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong năm 2022 cũng như các năm tiếp theo.

(Còn nữa)

Hoàng Nga

Các tin khác


Rộn ràng ngày hội tòng quân

(HBĐT) - Hòa chung không khí phấn khởi đầu xuân Nhâm Dần, cùng với cả nước, đúng 8h ngày 16/2, tất cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh đồng loạt tổ chức lễ giao, nhận quân năm 2022. Trên khắp các nẻo đường từ nông thôn, miền núi xa xôi đến thành thị, rộn ràng không khí náo nức, lớp lớp thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của tuổi trẻ đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày hội giao, nhận quân trên quê hương Hòa Bình thực sự là ngày hội non sông.

Gác rừng ngày đầu xuân

(HBĐT) - Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” - lời bài hát "Một đời người, một rừng cây” khiến tôi nghĩ về những gian truân, vất vả mà các chiến sĩ kiểm lâm Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hang Kia - Pà Cò đang trải qua. Tết đến, xuân về là dịp để gia đình sum họp, đoàn viên nhưng giữa đại ngàn, những người lính gác rừng lặng thầm hy sinh hạnh phúc riêng, ngày đêm canh giữ, bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng. Với họ, rừng là nhà, Tết cũng gắn bó với rừng.

Những con đường mang khát vọng phát triển

(HBĐT) - Hòa Bình được đánh giá có vị trí "Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ", đây là lợi thế đặc biệt để phát triển. Những năm qua, với việc xác định phát triển kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại, trong đó tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá trong phát triển KT-XH khiến câu chuyện Hòa Bình gần mà xa dần trở thành ký ức.

Nghĩa tình miền đá núi

HBĐT) - Trong ngôi nhà mới, rót chén nước mời khách, ông Vàng A Dê ở xóm Hang Kia, xã Hang Kia (Mai Châu) xúc động: Sau bao nhiêu năm sống trong ngôi nhà xập xệ, thông thống gió, mưa rét buốt, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cán bộ công an, đến nay chúng tôi mới có được ngôi nhà vững chãi, ấm áp.

Đón xuân trên “miền cổ tích” Mường Vang

(HBĐT) - Chẳng biết có duyên tình gì với vùng đất Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do của huyện Lạc Sơn hay không mà năm nào cũng vậy, cứ khi đông qua, đón ánh nắng trong tiết xuân còn rét ngọt, tôi lại lên đường đến với các xã vùng cao được ví như nóc nhà của vùng đất Mường Vang...

Núi Shaxa và những người bạn Xô viết trên công trình thủy điện Hòa Bình

(HBĐT) - Vào những năm 80 của thế kỷ trước, hình ảnh những chuyên gia Liên Xô rất gần gũi với người dân thị xã Hòa Bình. Trên công trường, họ là những "ông Tây” đội mũ nhựa trắng, áo bảo hộ, tay cầm đèn lò lăn lộn khắp các điểm nóng của công trình. Vào buổi chiều hay ngày nghỉ, tại chợ Vồ, chợ Tổng, chợ Phương Lâm…, các "bà Liên Xô” cởi mở, thân thiện cùng những đứa trẻ xinh xắn lượn chợ ngắm nghía mua đồ, hoa quả, xì xồ trả giá. Các bà, các chị bán hàng ở chợ nói tiếng Nga như gió… Nhưng theo thời gian, những hình ảnh của họ còn đọng được bao nhiêu trong ký ức người dân Hòa Bình!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục