(HBĐT) - Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” - lời bài hát "Một đời người, một rừng cây” khiến tôi nghĩ về những gian truân, vất vả mà các chiến sĩ kiểm lâm Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hang Kia - Pà Cò đang trải qua. Tết đến, xuân về là dịp để gia đình sum họp, đoàn viên nhưng giữa đại ngàn, những người lính gác rừng lặng thầm hy sinh hạnh phúc riêng, ngày đêm canh giữ, bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng. Với họ, rừng là nhà, Tết cũng gắn bó với rừng.


Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò được đánh giá là khu vực có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm, nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam.

Tết - mùa cao điểm giữ rừng

 Đối với cán bộ, nhân viên BQL Khu BTTN Hang Kia -  Pà Cò, dịp Tết Nguyên đán là thời gian cao điểm của công tác đấu tranh, ngăn chặn phá rừng và trực phòng, chống cháy rừng (PCCR). Bởi đây là cao điểm của mùa khô, cộng với đồng bào dân tộc Mông 2 xã Hang Kia và Pà Cò đã ăn Tết truyền thống của người Mông trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng. Tết Nguyên đán là lúc bà con lên nương làm rẫy, đốt thực bì tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng và khai thác rừng lấy gỗ. Không chỉ vậy, lâm tặc thường lợi dụng những ngày Tết để khai thác lâm sản trái phép.

Hiện, diện tích rừng và đất rừng BQL Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò được giao quản lý 5.314,36 ha, trong đó, chủ yếu là rừng tự nhiên. Nơi đây được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là khu vực có quần thể sinh vật với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm, nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Hơn nữa, Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò còn được biết đến với các quần thể rừng trên núi đá vôi còn sót lại ở khu vực miền Bắc Việt Nam với quần thể thông Pà Cò và các loài cây lá kim như: Pơ mu, tuế núi đá, dẻ tùng, thông đỏ bắc, thông tre lá ngắn… Với tính đa dạng sinh học cao, Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò đóng vai trò quan trọng trong chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học của quốc gia, khu vực và quốc tế. 

Những năm qua, đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh trong việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn, truy quét các tổ chức, cá nhân chặt phá, khai thác rừng, săn bắt động vật rừng trái phép. Sự phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị với UBND các xã, cơ quan chức năng và các chủ rừng giáp ranh với khu bảo tồn đã hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép. Nhiều vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp được phát hiện và xử lý kịp thời. Song, với diện tích rừng quản lý rộng, Khu BTTN nằm trên địa bàn 6 xã của tỉnh, giáp ranh với tỉnh Sơn La và Thanh Hóa nên vấn đề ANTT rất phức tạp. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm của BQL số lượng ít; đồng bào dân tộc các xã sống cạnh rừng, ven rừng mưu sinh dựa vào rừng nên một số người luôn tìm cách vào rừng khai thác gỗ, phá rừng làm nương rẫy. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Anh Sùng A Vàng, Phó trưởng BQL Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò chia sẻ: Công tác quản lý, bảo vệ rừng rất phức tạp, anh em Kiểm lâm chúng tôi xác định Tết Nguyên đán càng phải tăng cường phối hợp với tổ liên gia các xóm để tuần tra, kiểm tra tại điểm nóng. Chỉ cần lơ đễnh một chút là những đối tượng xấu khai thác lâm sản. Cách đây khoảng chục năm, lợi dụng đêm giao thừa, lâm tặc khai thác gỗ. Rút kinh nghiệm, vào dịp Tết, BQL Khu BTTN bố trí lực lượng trực 24/24h, chia ca để tuần tra, trực Tết ở những điểm nóng, cửa rừng, khu vực giáp ranh với các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La. Chỉ cần có thông tin về cháy rừng, khai thác, vận chuyển gỗ trái phép là lực lượng Kiểm lâm trực tại rừng, hay những người được phép về nhà nghỉ Tết đều tức tốc lên đường làm nhiệm vụ. Ngoài ra, dịp Tết, chúng tôi còn tranh thủ giúp đỡ, hướng dẫn bà con 2 xã Hang Kia, Pà Cò làm nương rẫy, đảm bảo công tác PCCR khi bà con đốt thực bì.

Đón giao thừa giữa đại ngàn

 Anh Nguyễn Tiến Khanh, cán bộ Kiểm lâm BQL Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò - quê ở TP Hòa Bình nhớ lại: Chiều 30 Tết, không khí đón năm mới của anh em trong Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò nhộn nhịp, khẩn trương. Mỗi chiến sĩ Kiểm lâm một việc, người thì vớt bánh chưng, người lại chuẩn bị mâm cơm tất niên, ai khéo tay thì trang trí cành đào, bày mâm ngũ quả… Xong việc, mọi người quây quần bên mâm cơm tất niên, giành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và động viên nhau: Vui xuân, đón Tết giữa rừng không phải ai muốn cũng được đâu. Đó là cái "sang” của người lính gác rừng. "Sang” thật chứ, vì ngoài gian nan, vất vả, dịp Tết những người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng được thỏa sức  ngắm hoa rừng, nghe tiếng chim hót, đón khoảnh khắc thiêng liêng của giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới nơi đại ngàn. Sau bữa cơm tất niên, mọi người gọi điện chúc mừng năm mới bố mẹ, vợ con ở quê nhà rồi vác đồ nghề tới điểm trực để làm nhiệm vụ tuần tra, canh rừng trong đêm giao thừa.

Giữa bốn bề núi non trùng điệp, tiết trời nơi đây lạnh giá, cái rét tê tái như cứa vào da thịt nhưng không cản được bước chân tuần tra rừng của những cán bộ Kiểm lâm. Anh Nguyễn Hồng Khánh, cán bộ Kiểm lâm Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò  (nhà ở thị trấn Mai Châu) chia sẻ: Hơn 20 năm gắn bó với rừng, bàn chân mình cùng các anh em  đã đi khắp các cánh rừng nơi đây, không có chỗ nào chúng tôi chưa tới, không có khó khăn, nguy hiểm nào chưa trải qua. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc để tuyên truyền, vận động bà con tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Ngày thường cũng như ngày lễ, Tết cán bộ Kiểm lâm vẫn vượt núi, băng suối để gác rừng, ngăn chặn hành vi phá rừng. Đón Tết với rừng đã trở thành thường xuyên đối với bất cứ cán bộ Kiểm lâm nào của BQL. 1/3 thời gian công tác được đón giao thừa trong rừng, đó là niềm vinh dự tự hào của tôi. Nói thật đôi lúc cũng nhớ nhà da diết, nhất là khi các con còn nhỏ. Nhưng rồi cảm giác này cũng qua nhanh, nhường cho quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ canh gác, bảo vệ rừng. 

Gian khổ lẫn hiểm nguy là vậy, nhưng bảo vệ được màu xanh của đại ngàn là niềm vui chung của hầu hết những người giữ rừng - các chiến sĩ kiểm lâm. Họ luôn lặng lẽ, bền bỉ vượt qua khó khăn, quyết tâm bám rừng, bảo vệ màu xanh sự sống của những cánh rừng nguyên sinh nơi đại ngàn không kể ngày thường hay trong những ngày lễ Tết.

Thu Thủy

Các tin khác


Mang mùa xuân ấm áp đến cho người nghèo

(HBĐT) - Đến hẹn lại lên, vào dịp cuối năm có rất nhiều chuyến xe từ thiện của các tổ chức, cá nhân chở nhu yếu phẩm đến với bà con nghèo ở những địa bàn vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Năm nay, tôi lại có dịp đồng hành trên chuyến xe của Sở VH-TT&DL và một số tổ chức thiện nguyện chở quà Tết đến với 2 xã ven hồ Hòa Bình: Xã Thung Nai (Cao Phong) và xã Suối Hoa (Tân Lạc). Đi, đến, nghe, nhìn và cảm nhận tôi thầm mong có nhiều hơn nữa những chuyến xe thiện nguyện mang mùa xuân ấm áp đến cho người nghèo.

Khát vọng mùa xuân

(HBĐT) - Một mùa xuân mới đang về trên khắp quê hương. Xuân của đổi mới, xuân của những nỗ lực vượt khó, những cách làm mới, tư duy đột phá xây đắp tương lai. Từ thành phố, thị trấn, thị tứ đến những bản làng xa xôi, sắc xuân rộn rã, lòng người phấn chấn, hạnh phúc lan tỏa, ấm áp trong từng gia đình, hướng về tương lai tốt đẹp, bình an.

Tháo gỡ điểm nghẽn thủ tục về đất trong đầu tư: Bài 2 - Giải pháp nào tháo gỡ điểm nghẽn?

(HBĐT) - Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, cũng được xem là "chìa khóa” quan trọng để mở cửa thu hút đầu tư. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 1 trong 3 đột phá chiến lược của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 là: Tập trung CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC, tập trung cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 mỗi năm tăng tối thiểu 3 bậc. Tuy nhiên, với những bất cập trong thủ tục đất đai - một trong những khâu đầu tiên quyết định chủ trương đầu tư, để đạt được mục tiêu trên thực sự là một thách thức không nhỏ. Vậy đâu là giải pháp?

Tháo gỡ điểm nghẽn thủ tục về đất trong đầu tư: Bài 1 - Điểm nghẽn thủ tục về đất

(HBĐT) - Theo Luật Đầu tư năm 2020, thủ tục về đất đai là 1 trong 8 loại hồ sơ bắt buộc trong bộ thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư đối với mỗi dự án có sử dụng đất. Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian mới có thể khởi động được dự án, chủ yếu do vướng các quy định về thủ tục đất đai. Thực trạng này cũng là một lực cản không nhỏ ảnh hưởng đến quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. 

Vững tin vượt "bão" dịch: Bài 4 - Chung sống an toàn với dịch bệnh

(HBĐT) - Biến chủng mới liên tục xuất hiện, khả năng lây lan mạnh, dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Thời gian qua, cùng với cả nước, tỉnh đã dồn mọi nguồn lực cho cuộc chiến chống dịch cam go này. Với sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, tỉnh đã giữ vững vùng xanh an toàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, để chung sống an toàn với đại dịch, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế là thách thức lớn, đòi hỏi có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự quyết tâm của Nhân dân.

Vững tin vượt “bão” dịch: Bài 3 - Giữ vùng xanh phục hồi kinh tế

(HBĐT) - Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân. Đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở. Đồng thời khôi phục và phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục