(HBĐT) - Hòa Bình - tỉnh cửa ngõ phía Tây Bắc, đang bước vào mùa Xuân mới. Xuân của đổi mới tư duy, hành động trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết những khó khăn vướng mắc cản trở sự phát triển, nhất là cải cách hành chính (CCHC); giải phóng mặt bằng (GPMB); huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút nhà đầu tư có năng lực triển khai khai dự án, tập trung vào các lĩnh vực du lịch, đô thị sinh thái, công nghiệp theo quy hoạch, mở ra cánh cửa cho Hòa Bình cất cánh, hòa nhịp đổi mới cùng đất nước.
Sau đại hội Đảng các cấp, tỉnh Hòa Bình thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, thách thức đối với sự phát triển của địa phương. Trong đó, đáng chú ý là cơ chế phối hợp giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, tài nguyên môi trường của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư. GPMB các dự án đầu tư, kể cả trong ngân sách và ngoài ngân sách chậm tiến độ. CCHC chậm chuyển biến, môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh nằm ở tốp trung bình hoặc thấp. Hạ tầng kinh tế - xã hội (KT - XH), nhất là giao thông nói chung còn yếu và thiếu, ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh. Tỉnh có môi trường sạch, trong lành, cảnh quan thiên nhiên hữu tình, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là những tiềm năng lớn nhưng chưa được đánh thức…
Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn (thứ 3 từ trái sang) chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. ảnh: PV
Trên cơ sở đó, tỉnh Hòa Bình đã đề ra giải pháp khắc phục. Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy các cấp, cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy trách nhiệm người đứng đầu thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, tập trung vào CCHC, GPMB, thu hút đầu tư… Đến nay, Hòa Bình đã thực hiện luân chuyển 100% bí thư cấp ủy cấp huyện, đồng thời là chủ tịch HĐND. Tỉnh thực hiện chủ trương không để cán bộ, công chức (CB, CC) từ cấp phó phòng trở lên giữ chức vụ quá lâu ở một vị trí công tác, hướng tới mục tiêu siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Việc đánh giá cán bộ đang thực hiện theo nguyên tắc lấy sản phẩm, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao gắn với cơ chế thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những CB, CC thiếu gương mẫu, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, các nhiệm vụ liên quan đến CCHC, GPMB, thu hút đầu tư, thu ngân sách nhà nước…
Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư phát triển
Quyết liệt, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành gắn với cơ chế kiểm tra, đôn đốc, tỉnh Hòa Bình đã từng bước tạo ra sự chuyển động trong hệ thống cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp.
Là vùng lõm không có nhiều lợi thế như các địa phương khác, huyện Lạc Sơn đổi mới công tác cán bộ, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, huy động hệ thống chính trị vào cuộc làm tốt công tác GPMB dự án trọng điểm hồ chứa nước Cánh Tạng; hình thành tư duy, cách làm mới về chuẩn bị quỹ đất sạch thu hút đầu tư, được doanh nghiệp tin tưởng, quyết tâm triển khai các dự án lớn. Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn Bùi Văn Lịnh cho biết: Huyện đã thành lập tổ công tác tập trung chỉ đạo, giải quyết kịp thời những vướng mắc, kể cả về cán bộ cũng xử lý nghiêm, tăng cường nắm bắt thông tin, diễn biến tư tưởng của cán bộ và nhân dân, kịp thời xử lý nhà đầu tư ôm, mua đất để trục lợi, nhường đất cho nhà đầu tư có năng lực triển khai dự án thật. Theo đó, một số nhà đầu tư quyết tâm mở rộng dự án, quyết tâm khởi công dự án trong năm 2021.
Huyện Kim Bôi có cảnh quan sơn thủy hữu tình, mộng mơ, tươi đẹp, bản làng trù phú còn lưu giữ bản sắc văn hóa đậm đà, đặc biệt có nguồn suối khóang được ví như "vàng trắng” đang trở nên sôi động bởi hàng loạt các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách, kỳ vọng trong tương lai gần sẽ có nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái chất lượng cao của vùng.
Huyện Tân Lạc từ lâu được biết đến trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các loại rau ôn đới ở các xã vùng cao, nay cũng đang chuyển động mạnh mẽ bởi hàng loại dự án đầu tư hạ tầng, nâng cấp đô thị, phát triển du lịch vùng lõi hồ Hòa Bình, phát triển du lịch cộng đồng các xã Vân Sơn, Quyết Chiến…
Sự chuyển động trong tư duy hành động đang tạo nên sinh khí mới cho nhiều bản làng xa xôi, vùng khó khăn của các huyện Đà Bắc, Mai Châu. Các tiềm năng, lợi thế đang được khai thác hiệu quả, diện mạo đô thị, nông thôn, đời sống người dân biến đổi sâu sắc. Hạ tầng giao thông, các công trình phúc lợi vươn tới vùng sâu, vùng xa, mở ra những cơ hội tiếp cận với chủ trương, chính sách phát triển sản xuất, an sinh xã hội. Các vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh đang chuyển động mạnh về tư duy, hành động để bứt phá vươn lên. Huyện Lương Sơn tập trung triển khai nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu trở thành vùng kinh tế năng động, cơ bản trở thành thị xã trước năm 2025. Thành phố Hòa Bình đã có những công trình đột phá về hạ tầng phát triển không gian đô thị, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị vùng Thủ đô hiện đại, văn minh và là cửa ngõ vùng Tây Bắc…
Phấn đấu thu ngân sách nhà nước 10.000 tỷ đồng vào năm 2025
2021 là năm đổi mới với nhiều giải pháp, cách làm quyết liệt, hiệu quả triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Những nút thắt cản trở sự phát triển đang từng bước được tháo gỡ. Các nhiệm vụ trọng tâm về quy hoạch, CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, GPMB có nhiều chuyển động tích cực. Nhiều công trình, dự án quan trọng được đưa vào khai thác như đường nối quốc lộ 6 với đường Chi Lăng, đường 435 lên hồ Hòa Bình; các cầu qua sông Đà, mở ra lợi thế cạnh tranh, phát triển không gian đô thị, thương mại, nông nghiệp. Nhiều dự án, công trình quan trọng được khởi động như đường Hòa Lạc - Hòa Bình, đường Mộc Châu - Sơn La, các đường nội thị, đường liên kết vùng, tạo hiệu ứng tích cực thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách vào đầu tư. Lần đầu tiên tỉnh Hòa Bình có nhiều nhà đầu tư lớn như: TH True Milk, Sun Group, FLC... nghiên cứu, triển khai các dự án tập trung vào các lĩnh vực đô thị, sinh thái, du lịch công nghiệp ở nhiều địa phương như: Lương Sơn, TP. Hòa Bình, Lạc Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc… mở ra cơ hội rất lớn để tỉnh cất cánh...
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn cho biết: Năm 2022, tỉnh Hòa Bình tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, các đề án, nghị quyết chuyên đề của cấp ủy tỉnh, kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế của tỉnh đạt mức trung bình của cả nước, thu 10.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Trong đó, tập trung thực hiện 4 khâu đột phá chiến lược về quy hoạch, đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; huy động, ưu tiên bố trí nguồn lực triển khai các dự án hạ tầng chiến lược như: cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La), cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và đường liên kết vùng thành phố Hòa Bình - Kim Bôi, kết nối Hòa Bình với Hà Nội và Sơn La, phát triển hạ tầng đô thị các vùng động lực như thành phố Hòa Bình, Lương Sơn, Kim Bôi…
Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.168 tỷ đồng
Năm 2021, tỉnh Hòa Bình hoàn thành 16/21 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, bảo đảm những cân đối lớn của nền kinh tế. GRDP bình quân đầu người đạt 61,5 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.168 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư toàn xã hội ước đạt 17.105 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ lệ đô thị hóa đạt 31,6%. Hộ nghèo giảm còn 6,6%. Thêm 9 xã về đích nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh lên 65 xã, chiếm 50,4% tổng số xã, 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 30%. Chỉ số sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu tăng trưởng khá so với năm 2020…
Mạnh Tuấn - Lê Chung