(HBĐT) - Hòa Bình được đánh giá có vị trí "Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ", đây là lợi thế đặc biệt để phát triển. Những năm qua, với việc xác định phát triển kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại, trong đó tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá trong phát triển KT-XH khiến câu chuyện Hòa Bình gần mà xa dần trở thành ký ức.

Sau hơn 3 năm đưa vào khai thác, đường Hòa Lạc - Hòa Bình đã góp phần đắc lực giúp tỉnh mở cửa đón làn sóng đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Giờ đây, người dân đôi bờ sông Đà không còn chịu cảnh luồn lách, chen lấn khi qua cầu cứng, nhất là vào những khung giờ cao điểm. Đón xuân năm nay, người dân thành phố có thêm một địa điểm đẹp để thỏa sức ngắm nhìn dòng sông thơ mộng và ghi lại những bức ảnh đẹp bên cầu Hòa Bình 2. Cây cầu được xây dựng không chỉ đáp ứng yêu cầu về giá trị sử dụng mà còn được xem là cây cầu đẹp, hiện đại nhất trên dòng sông Đà đến thời điểm này với tháp dây văng tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan đô thị và chiếu sáng.

Được gặp, trò chuyện cùng vợ chồng bác Hoàng Văn khi hai bác đứng nhìn cây cầu lúc chiều buông càng cảm nhận rõ niềm vui đối với một công trình nhiều ý nghĩa. "Ai đã từng phải đi cầu phao hay chen lấn trên những chuyến phà mùa xả lũ hoặc gò lưng đạp xe qua đường hầm mới thấu hiểu giá trị của những cây cầu như thế này các cháu ạ", bác Văn bộc bạch. Rồi bác tâm sự: "Trước đây, cùng là thị xã mà người dân bờ phải, bờ trái cứ thấy xa xôi, chưa kể sự giao thương, điều kiện phát triển bó buộc rất nhiều, nguyên nhân chính cũng vì cách trở sông nước. Giờ thì sung sướng thật, trên sông Đà chảy qua thành phố đã có 3 cây cầu bề thế không chỉ giúp đi lại thuận lợi mà hơn thế là nâng tầm vóc thành phố”. Đúng là những cây cầu nối bờ vui, đã kết nối khu vực bờ trái với bờ phải và kết nối khu vực trung tâm tỉnh với các tỉnh lân cận, mở rộng không gian đô thị. Trong tương lai, trên dòng sông Đà chảy qua thành phố sẽ có thêm những cây cầu hiện đại nhằm hoàn chỉnh hệ thống đường cao tốc qua tỉnh và kết nối các khu đô thị dọc 2 bờ sông Đà. Từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, thu hút đầu tư vào TP Hòa Bình cũng như toàn tỉnh.


Đường tỉnh 435 được cải tạo, nâng cấp đã tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư, thúc đẩy phát triển khu vực hồ Hòa Bình.

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ như các quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng có tính đối ngoại, đường đô thị, đường đến các khu, cụm công nghiệp, qua các vùng động lực kinh tế của tỉnh, đường kết nối với khu du lịch quốc gia vùng hồ sông Đà... là mục tiêu chiến lược của tỉnh, đã và đang được huy động nguồn lực để thực hiện. Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình là một điển hình. Sau hơn 3 năm đưa vào khai thác, tuyến đường đã kết nối tỉnh ta gần hơn với vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo môi trường thu hút đầu tư, mở ra cơ hội phát triển đô thị, du lịch, thương mại dọc tuyến. Nhiều người nói rằng, giờ đi Hà Nội như đi chơi vì chỉ mất khoảng 1 giờ xe chạy. Cũng vì vậy mà bạn bè, khách du lịch đến với tỉnh nhiều hơn và cơ hội thu hút đầu tư vào tỉnh cũng rộng mở.

Từ giá trị được khẳng định, hiện nay, tỉnh đang rốt ráo phối hợp với các bộ, ngành chuẩn bị các thủ tục, điều kiện để triển khai Dự án mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Đây được xác định là một trong những dự án trọng điểm giai đoạn 2020 - 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông giữa khu vực Tây Bắc, tỉnh Hòa Bình với Thủ đô Hà Nội và các địa phương khác trong khu vực. Đồng thời, có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh giao thương, đón làn sóng đầu tư. Dự kiến, chiều dài tuyến gần 23 km, trong đó đi qua địa phận Hòa Bình gần 16 km. Phương án khả thi được xây dựng quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh (có dự trữ quỹ đất để mở rộng đường bộ thành 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh và hệ thống đường bên quy mô 4 làn xe...). Trong tương lai không xa, cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình được đầu tư, đưa vào sử dụng sẽ kết hợp với tuyến Đại lộ Thăng Long tạo thành trục động lực nối liền TP Hòa Bình với Hà Nội, nâng cao năng lực vận chuyển, đảm bảo năng lực lưu thông của các phương tiện vận chuyển từ các tỉnh Tây Bắc đi Hà Nội và ngược lại. Đặc biệt là hứa hẹn khai thác quỹ đất trên 11.100 ha đã được hoạch định trong quy hoạch chung xây dựng khu vực hai bên tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình; quỹ đất dọc tuyến trên địa phận Hà Nội, trong đó có quy hoạch khu công nghệ cao Hòa Lạc; mở ra cơ hội thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp Yên Quang, Mông Hóa, cụm công nghiệp Tiên Tiến nói riêng và địa bàn tỉnh Hòa Bình nói chung...

Với vai trò của "giao thông đi trước mở đường”, những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, kết nối. Nhiều tuyến đường quan trọng đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp như: đường kết nối đường Hồ Chí Minh và QL12B đi QL1; đường tỉnh 433, 435; 438; dự án đường nối từ QL 6 với đường Chi Lăng (TP Hòa Bình), đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc… tạo điều kiện thuận lợi giúp các địa phương phát triển.

Đặc biệt, với mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hợp lý, liên hoàn giữa đường bộ và đường thủy nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày một gia tăng; kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh tạo thành hệ thống giao thông thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển KT-XH bền vững... Trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2025, tỉnh ta có chủ trương: Tập trung các nguồn lực của tỉnh, đề xuất, kêu gọi các nguồn hỗ trợ từ T.Ư, bộ, ngành và vốn nước ngoài để ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông mang tính đột phá trong phát triển KT-XH. Theo đó, ngoài cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình giai đoạn 2, tỉnh sẽ chú trọng huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Sơn La; cầu Hòa Bình 5, 6; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường đối ngoại như: QL 21 (kết nối tỉnh Hà Nam), QL 12B (kết nối tỉnh Ninh Bình), QL 70B (kết nối tỉnh Phú Thọ), QL6 (đoạn qua TP Hòa Bình - kết nối Hà Nội, Sơn La); đường tỉnh 433 (kết nối tỉnh Sơn La); đường vành đai 5 (kết nối khu vực vùng Thủ đô)... Những con đường mang khát vọng phát triển được đầu tư xây dựng hứa hẹn sẽ mang về những mùa xuân tươi đẹp cho quê hương Hòa Bình.


Bình Giang


Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục