(HBĐT) - Đã nhiều ngày nay, số người nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh tăng mạnh với trên, dưới 2.500 trường hợp mắc mới mỗi ngày. Trong đó, TP Hòa Bình luôn dẫn đầu về số ca mắc, đỉnh điểm có ngày lên tới gần 830 ca, trải rộng ở các phường, xã. Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu suy giảm, cũng đồng nghĩa với việc cuộc sống đang bị đảo lộn. Nhiều gia đình lao đao, chật vật chống đỡ với dịch bệnh và mưu sinh.
Thời điểm này, nhiều nhà thuốc trên địa bàn TP Hòa Bình khan hiếm một số loại thuốc, dược phẩm, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh.
Gia đình chị H.T.H (phường Thống Nhất) vừa phải trải qua những ngày lo âu, lận đận do Covid-19. Vì công việc, ngày nào chồng chị cũng phải đi Hà Nội lấy hàng về TP Hòa Bình giao cho các cửa hàng. Biết là dịch bệnh tại Hà Nội lâu nay rất căng thẳng nhưng vì cuộc sống nên không thể bỏ. Mặc dù đã tiêm 2 mũi vắc xin và luôn có ý thức phòng dịch, song chồng chị cũng không tránh khỏi nhiễm bệnh. Chị H. chia sẻ: "Chồng tôi làm ngoài, 10 ngày ở nhà chữa trị đã ảnh hưởng nhiều tới thu nhập, chi tiêu của gia đình. Vừa tiền mua thuốc điều trị, que test, tiền mua các sản phẩm hỗ trợ đã mất ngót nghét 2 triệu đồng, đấy là chưa kể phải mua nhiều hoa quả, thức ăn đủ chất để tăng sức đề kháng. May là 3 mẹ con tôi kịp thời cách ly, chứ nếu cả 4 người nhiễm bệnh thì mất tong gần 2 tháng lương rồi, lấy gì mà sống".
Không được may mắn như nhà chị H., gia đình chị T.T.A. (phường Phương Lâm) cả nhà đều mắc Covid-19 khiến cuộc sống xáo trộn và rất khó khăn. "Cán bộ Nhà nước nghỉ ốm còn có lương chứ như chúng tôi làm ngày nào thì có tiền ngày ấy. Suốt từ Tết ra đến giờ gần như chẳng đi chợ buôn bán gì được vì trong nhà liên tục có F0. Tiền sinh hoạt hàng ngày không dám tính, chỉ riêng tiền thuốc thôi đã đội nón ra đi gần chục triệu rồi" - chị A. cười buồn.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới hàng nghìn gia đình có người mắc bệnh mà dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến cuộc sống cộng đồng. Thu nhập chính của gia đình chị N.T.T (phường Thái Bình) trông vào quầy bán hàng ăn sáng. Vậy mà cả năm nay chị cứ phải đóng, mở không ổn định. Chị T. bộc bạch: "Một hai tháng đầu năm, rồi đến những tháng giữa năm 2021, thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, rồi có khi phải tạm dừng các hoạt động kinh doanh ăn uống nên tôi phải đóng quán suốt. Đến tháng 9 mở lại được một thời gian thì cuối tháng 11, dịch Covid-19 lại bùng phát mạnh. Suốt từ đó đến nay hàng quán bấp bênh. Lượng bán chỉ bằng một nửa khi chưa bùng dịch. Nguyên nhân 1 phần vì khách lo lây nhiễm bệnh không muốn đến nơi đông người, một phần vì eo hẹp chi tiêu, bởi khu vực này phần nhiều là lao động tự do, dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến công việc, thu nhập của các gia đình".
Chưa bao giờ chợ Thái Bình, chợ Dân Chủ lại ảm đạm, thưa thớt kẻ mua, người bán như thời điểm này cũng chỉ vì dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào các chợ. Cả khu vực bán thịt của chợ Thái Bình với gần 20 chục quầy hàng, thường ngày tấp nập, ồn ã là vậy, mà mấy ngày qua cảnh đìu hiu bao trùm, có những hôm trơ trọi chỉ còn 1, 2 quầy hàng, bởi các tiểu thương đã bị lây nhiễm bệnh. Các khu vực bán rau, hàng khô, đồ gia dụng cũng vắng vẻ. Nguồn cung bị ảnh hưởng nên không tránh khỏi một số mặt hàng tăng giá. Đơn cử như thịt, cá tăng 2-3 giá, rau xanh trước chỉ 5-6 nghìn đồng/mớ nay đã lên 8 nghìn, bắp cải từ 12 nghìn lên 15 - 18 nghìn/cái, cà chua từ 20 nghìn tăng lên 30 nghìn đồng/kg...
Không chỉ thực phẩm tăng giá mà nhiều loại thuốc, vật tư y tế, giá cả cũng biến động, thậm chí là khan hoặc cháy hàng do nhu cầu quá lớn. Nhà có F0 thì phải mua thuốc điều trị, thuốc hỗ trợ; nhà may mắn chưa có người nhiễm bệnh lại phải tăng cường phòng, chống. Chính vì vậy các mặt hàng như: Nước muối sinh lý, vitaminC, thuốc xông mũi họng, bổ phế, dầu gió, cồn 700C, nước sát khuẩn, que test... đều tăng giá, cũng có nghĩa người dân lại phải gánh thêm chi phí và khó khăn đội thêm khó khăn.
Dịch bệnh được kìm chế để sớm trở lại cuộc sống bình thường mới là mong mỏi của tất cả các gia đình. Tuy nhiên, để đạt được lại phụ thuộc phần lớn vào ý thức của mỗi cá nhân. Do vậy, người dân không tụ tập đông người, không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết; tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế; trường hợp F0, F1 tuân thủ quy định cách ly y tế... là những việc cần làm để chung tay phòng, chống dịch bệnh.
(HBĐT) - Chỉ nhác thấy bóng dáng người lạ, một bóng người lao vụt qua cửa, thoáng chốc đã mất dạng phía rừng xa... Nếu không được tận mắt chứng kiến, có lẽ chúng tôi cũng không thể tưởng tượng được những gian nan trên hành trình thu nhận hồ sơ làm căn cước công dân (CCCD) cho những người yếu thế, có bệnh tâm thần của lực lượng Công an ở nơi "cổng trời” của huyện Tân Lạc.
(HBĐT) - Định hướng quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình triển khai phát triển hạ tầng công nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực tế các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch trên địa bàn tỉnh có những khó khăn đặc thù. Cả tỉnh có 8 KCN được quy hoạch, trong quá trình triển khai đều gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB), các thủ tục theo quy định.
(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích đất các khu, cụm công nghiệp (CCN) chiếm 1% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, tương đương với 4.600 ha. Để thực hiện mục tiêu này, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 1/11/2021 về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, cùng với Đề án số 02 về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Theo đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng công nghiệp, thu hút đầu tư, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.
(HBĐT) - Đại hội Đảng bộ thành phố Hòa Bình (TPHB) lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thống nhất mục tiêu phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II trước năm 2025. Sau nửa nhiệm kỳ, diện mạo đô thị trung tâm tỉnh đã có những nét mới, khang trang, sáng đẹp, văn minh hơn.
(HBĐT) - Năm 2022, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh tuy tăng 2 bậc so với năm 2021, tăng 30 bậc so với năm 2020, nhưng điểm số lại giảm do việc điều chỉnh các nội dung và thang điểm đánh giá của một số tiêu chí, tiêu chí thành phần. Với tinh thần thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, hạn chế, Ban chỉ đạo (BCĐ) CCHC tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để duy trì và cải thiện chỉ số CCHC năm 2023 cũng như các năm tiếp theo.
(HBĐT) - Năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC). Với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác này đã có chuyển biến tích cực. Chỉ số CCHC (Par Index) của tỉnh tăng 2 bậc so với năm 2021. Với tinh thần đánh giá đúng kết quả đạt được, đi sâu những tồn tại, hạn chế, tỉnh đang tập trung các giải pháp duy trì, nâng cao chỉ số CCHC năm 2023 và các năm tiếp theo. Đó là đánh giá của Ban chỉ đạo (BCĐ) CCHC tỉnh về kết quả chỉ số CCHC năm 2022. Nhìn tổng thể, từ năm 2016 - 2022, chỉ số CCHC của tỉnh luôn tăng về điểm số, trong 7 năm đã tăng 14,18%. Năm qua, tỉnh Hòa Bình được xếp ở vị trí cao nhất từ trước đến nay, đạt 86,30%, tăng 2 bậc so với năm 2021, tăng 30 bậc so với năm 2020.