(HBĐT) - Thực hiện Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, tỉnh Hòa Bình thuộc nhóm điều hành thấp với tổng số 57,16 điểm, thấp hơn 5,64 điểm so với năm 2020, đứng thứ 62 so với cả nước và giảm 18 bậc so với năm trước. Tuy có 2 chỉ số cải thiện về điểm số là Tính năng động và tiên phong của chính quyền cấp tỉnh; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhưng thứ hạng tương ứng đều giảm bậc so với năm 2020. Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng ở cuối bảng xếp hạng và 7 chỉ số thành phần khác đều giảm điểm và giảm thứ hạng. Đây là kết quả đáng buồn và gây sốc đối với tỉnh. Do vậy, việc thẳng thắn đối diện để nhận diện yếu kém; không lảng tránh, đùn đẩy trách nhiệm mà cầu thị lắng nghe; cùng đồng thuận tìm giải pháp căn cơ nhằm tạo sức bật mới cho cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh đã và đang được cả hệ thống chính trị dốc sức thực hiện.
Không thể không khẳng định vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện điểm số và thứ hạng PCI luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Minh chứng là nội dung này là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. HĐND tỉnh đưa công tác này vào chương trình giám sát.
UBND tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản quan trọng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư (NĐT) đến với tỉnh. Trong đó phải kể đến Quyết định số 1135/QĐ-UBND, ngày 1/6/2021 và Quyết định số 2258/QĐ-UBND, ngày 5/10/2021 về Bộ tiêu chí lựa chọn NĐT thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, nhằm tìm ra những NĐT bảo đảm năng lực thực hiện dự án; Hướng dẫn số 2008/HD-UBND, ngày 20/10/2021 về trình tự thực hiện dự án đầu tư không sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh, nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật có liên quan đến đầu tư, tạo thuận lợi cho các NĐT, doanh nghiệp (DN) quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh. UBND tỉnh cũng ban hành Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ngành tỉnh áp dụng thử nghiệm trong năm 2021, để thu thập thông tin đánh giá từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SX-KD) về kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của các sở, ngành, địa phương.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã thành lập các Tổ công tác hỗ trợ NĐT đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, thường xuyên tổ chức các cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN, NĐT, nhất là tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở SX-KD bị tác động của dịch Covid-19. Đồng thời, tỉnh chú trọng công tác cải cách hành chính thông qua việc công bố 777 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 và 462 DVCTT mức độ 3 tại cấp tỉnh; cấp huyện, cấp xã cũng công bố nhiều DVCTT mức độ 3, 4. Tại cấp tỉnh thực hiện cắt giảm 30% thời gian giải quyết TTHC so với quy định của pháp luật đối với 697 TTHC và cắt giảm thời gian đối với 133 TTHC tại cấp huyện, 42 TTHC tại cấp xã. Năm 2021, tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đạt 98,14%; UBND cấp huyện đạt 98,9%; UBND cấp xã đạt 99,74%...
Đánh giá về nỗ lực của tỉnh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhìn nhận: Tỉnh Hòa Bình có rất nhiều tiềm năng và dư địa lớn để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Năm 2021, tuy chỉ số xếp hạng PCI của tỉnh ở mức thấp, nhưng Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index) hay Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Hòa Bình lại đứng ở nhóm trung bình và trung bình cao. Kết quả Chỉ số PCI năm 2021 cho thấy tỉnh có nhiều việc phải làm, nhưng cũng có những tín hiệu rất tích cực, đó là chỉ số thành phần về tính tiên phong, năng động của chính quyền tỉnh được đánh giá cao. Vấn đề là hiệu quả thực thi những quyết định của lãnh đạo tỉnh ở các sở, ban, ngành và cấp huyện lại chưa cao. Vì vậy, phải làm sao chuyển tải được tinh thần cải cách, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cũng như thực hiện các bộ chỉ số và mục tiêu phấn đấu của tỉnh phải trở thành hành động hàng ngày của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây chính là điểm cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Thực tế, tỉnh Hòa Bình đã có cơ chế rất tốt, đó là giao việc cải thiện Chỉ số PCI cho từng sở, ban, ngành, huyện, thành phố. Thứ hai là đã có cơ chế giám sát, không chỉ ở UBND tỉnh mà cả HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện chương trình giám sát đối với nâng cao năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Ngoài ra cũng có điểm rất tích cực mà Hòa Bình mới thực hiện và tin rằng đây sẽ là cơ chế để thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, đó là thí điểm thành công việc xây dựng và triển khai thực hiện Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ban, ngành tỉnh (Chỉ số DDCI), giao cho chính Hiệp hội DN tỉnh đứng ra đánh giá, xếp hạng" - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Nỗ lực, quyết tâm của tỉnh là không thể phủ nhận. Các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện cũng rõ ràng với 5 nhóm về: Nâng cao xếp hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh; hỗ trợ, khuyến khích DN khởi nghiệp, sáng tạo; đẩy mạnh thực hiện chính quyền điện tử; hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; kết quả điều tra, khảo sát ý kiến đánh giá của tổ chức, cá nhân về mức độ hài lòng trong giải quyết TTHC.
Mặc dù đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, song trong năm 2021, Chỉ số PCI tỉnh Hòa Bình lại rơi xuống nhóm điều hành thấp. Kết quả Chỉ số PCI giảm sâu cả về điểm số lẫn thứ hạng và không đạt mục tiêu kế hoạch khiến rất nhiều câu hỏi được đặt ra cùng không ít nỗi niềm trăn trở.
(Còn nữa)
Hoàng Nga