Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh.
Theo đó, nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, mang tính đột phá được triển khai. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức hội nghị phân tích chỉ số PCI, trong đó đánh giá những yếu kém, nguyên nhân khách quan, chủ quan đối với 10 chỉ số thành phần (CSTP) và kiểm điểm trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị đối với thực hiện các chỉ số; đề ra và triển khai ngay các biện pháp khắc phục hạn chế, yếu kém, cải thiện các CSTP liên quan đến đơn vị mình. UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND, ngày 20/6/2022 về thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trong cải thiện điểm, nâng thứ hạng của 10 CSTP; đồng thời, ban hành Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình.
UBND tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ công tác chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho DN, HTX, hộ kinh doanh và người dân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và hoạt động của Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất tại khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh… Ngoài ra, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức họp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các DN, NĐT. Trong đó phải nói tới việc tổ chức hội nghị phân tích Chỉ số PCI năm 2021 và giải pháp nâng cao Chỉ số PCI năm 2022, với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, DN, NĐT và đặc biệt là sự tham dự của các chuyên gia từ T.Ư và Hiệp hội DN một số tỉnh có kết quả PCI tốt nhằm tham vấn, đón nhận hiến kế và học hỏi kinh nghiệm.
Từ góc nhìn của chuyên gia kinh tế, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, việc nhìn nhận, đánh giá Chỉ số PCI không phải là chuyện đứng đầu hay đứng cuối mà ở đây là vấn đề tốc độ, tức là sự quyết liệt vào cuộc của các sở, ngành và điều hành của chính quyền. Bộ Chỉ số PCI có 10 CSTP, nhưng tựu chung các NĐT thường lưu tâm tới 4 điểm: Thứ nhất là kết nối, nhưng không chỉ ở hiện tại mà cả tiềm năng sắp tới. Thứ hai là sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền địa phương. Thứ ba, các NĐT rất quan tâm đến tính hấp dẫn của địa phương. Cuối cùng là nhìn thấy tiềm năng phát triển của tỉnh. Đây là những mấu chốt để thu hút đầu tư. "Đặc biệt là phải quan tâm tới vấn đề chuyển đổi số. Bài học lớn nhất của Hòa Bình cũng như một số tỉnh còn khó khăn là phải kết hợp tăng trưởng với chuyển đổi số để xử lý vấn đề phát triển bao trùm. Phải chú trọng chuyển đổi số cho các DN nhỏ và ngay cả hộ gia đình trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Và vấn đề hết sức quan trọng là công tác quy hoạch, bởi quy hoạch được coi như thương hiệu để thu hút đầu tư, là công cụ điều hành liên kết vùng, sự phát triển của các ngành, địa phương trong vùng. Hòa Bình có ưu thế vừa là tỉnh trung du miền núi, vừa nằm trong vùng Thủ đô. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao có khát vọng đủ mạnh và thực hiện cho được các quy hoạch, trong đó có xây dựng quy hoạch vùng và cơ chế đổi mới đối với quản lý vĩ mô" - ông Thành nhấn mạnh.
Là người gắn bó, theo dõi sát kết quả thực hiện Bộ Chỉ số PCI của Hòa Bình trong nhiều năm qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho hay: Những điều gây cản trở cho cộng đồng DN thì Hiệp hội DN cần kịp thời nắm bắt và có trách nhiệm phản ánh thường xuyên với lãnh đạo tỉnh và cũng cần kiến nghị những giải pháp, vì không ai hiểu vấn đề kinh doanh hơn chính các DN. Thực tế, đã có hiện tượng lãnh đạo và cán bộ một số cấp chính quyền ngại trách nhiệm, lo đảm bảo an toàn cho mình nên thận trọng hơn rất nhiều trong việc đưa ra các quyết định. Điều này mặc dù là cần thiết nhưng thận trọng không đồng nghĩa với việc trì trệ và không dám quyết định. Do vậy, phải thay đổi tâm thế này của đội ngũ cán bộ các cơ quan chính quyền. Muốn vậy, phải nâng cao năng lực pháp lý cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức và các DN. Hòa Bình nên thành lập Trung tâm Hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng DN, để hướng dẫn các DN hoạt động theo đúng pháp luật và tận dụng tối đa những quy định pháp luật hiện hành nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh, khắc phục tình trạng trì trệ, chậm trễ như hiện nay. Trung tâm này tập hợp những chuyên gia pháp luật, chuyên gia kinh tế hàng đầu ở địa phương và mời cả cấp T.Ư tư vấn, hỗ trợ cho DN cũng như các cơ quan chính quyền để có những quyết định đúng đắn và ký kết những hợp đồng hay cam kết phù hợp với quy định của pháp luật. Bằng cách đó sẽ bảo vệ được sự an toàn và cũng đẩy mạnh việc giải quyết vướng mắc trong các thủ tục hành chính liên quan đến phát triển KT-XH, các dự án đầu tư kinh doanh.
Song song với việc lắng nghe, tham vấn ý kiến, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng công chức, viên chức, nhất là tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và huyện, thành phố, các sở, ngành, phòng, ban thường xuyên tiếp xúc với DN, NĐT. Đổi mới phong cách làm việc của từng cán bộ, công chức, từng đơn vị và phương pháp đánh giá chất lượng công chức, viên chức nhằm nâng cao trách nhiệm, thái độ ứng xử làm việc của đội ngũ cán bộ; nghiêm túc, kiên quyết thay thế những người không đủ năng lực, trình độ và phẩm chất; thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương công chức trong thực thi công vụ.
Đặc biệt, mới đây, phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: Nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện Chỉ số PCI là phải tập trung vào nâng cao chất lượng công vụ, chú trọng thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và DN, NĐT...
Với việc quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, kỳ vọng trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Hòa Bình sẽ tạo được sức bật mới trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hoàng Nga