(HBĐT) - Nhà có nhiều hay ít cũng đều phải có trách nhiệm giữ rừng như nhau; bất kỳ ai có hành vi xâm hại rừng đều phải chịu phạt. Điều này được 100% người dân xóm Bưa Cầu, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) nhất trí đưa vào hương ước của xóm để bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR). Chỉ tay về phía con suối Trầm, anh Bùi Văn Thí, Phó trưởng xóm Bưa Cầu cho hay, chẳng phải tự nhiên mà con suối này chảy quanh năm chưa bao giờ cạn nước, dù là giữa mùa khô.


Người dân xóm Bưa Cầu, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) tích cực tham gia bảo vệ diện tích rừng tự nhiên 
của xóm quản lý trên tinh thần tự nguyện, tự giác. 

Giữ rừng là trách nhiệm chung

Theo người dân, để giữ được dòng nước trong mát quanh năm cho dòng suối Trầm là bởi hàng chục năm qua, trên 130 hộ dân xóm Bưa Cầu đồng lòng, nhất trí cùng nhau giữ cho cánh rừng đầu nguồn luôn xanh... Theo anh Bùi Văn Thí, mặc dù toàn bộ diện tích rừng của xóm được giao quản lý, bảo vệ đều nằm ở địa bàn giáp ranh, xa khu dân cư, việc quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm giữ màu xanh cho rừng, xóm đã thành lập các tổ bảo vệ rừng (BVR) chốt giữ ở những khu vực trọng yếu. 

Trước đây, khi tình hình chặt phá, xâm hại rừng còn phức tạp, xóm thành lập 7 tổ BVR, mỗi tổ từ 25 - 30 người. Các thành viên trong tổ thay phiên nhau túc trực 24/24h tại các khu vực trọng yếu để trông coi, bảo vệ. Hiện nay, tình hình ổn định, các hành vi xâm hại rừng không còn xảy ra nhiều, xóm chỉ duy trì 4 tổ. "Đây là việc chung của xóm nên nhà nào cũng phải có người tham gia vào các tổ BVR. Đến lượt nhà ai thì cử người lên các lán để trông coi. Điều này được 100% người dân đồng lòng, nhất trí đưa vào hương ước của xóm, thực hiện trên tinh thần tự nguyện” - anh Bùi Bá Giai, tổ trưởng tổ BVR khu vực rừng suối Trầm cho biết.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn, các tổ BVR của xóm Bưa Cầu được thành lập từ năm 1996 và duy trì đến nay. Ban quản lý xóm đứng ra sắp xếp, điều hành, do vậy các hộ dân có sự luân phiên, thay nhau tham gia các tổ BVR. Chính từ việc phát huy tốt tinh thần đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ chung nên tính cố kết cộng đồng trong công tác BVR ở Bưa Cầu ngày càng bền chặt. 

Từ kinh nghiệm thực tế ở xóm Bưa Cầu, thời gian qua, xã Hùng Sơn đã nhân rộng, chỉ đạo các xóm thành lập các tổ tuần tra, BVR. Nhờ vậy, toàn bộ diện tích hàng trăm ha rừng tự nhiên, rừng sản xuất trên địa bàn xã được bảo vệ, không còn hiện tượng chặt phá trái phép, trộm cắp lâm sản. Việc quản lý và bảo vệ rừng (QL&BVR) được các hộ coi là nhiệm vụ chung, hộ có ít hay nhiều rừng đều tích cực tham gia BVR. Không chỉ bảo vệ cây mà theo hương ước và quy định của tổ BVR còn cấm triệt để việc săn bắt chim, muông trong rừng. Đối với khu vực rừng đầu nguồn, người dân tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc: không xâm phạm.

Bảo vệ rừng gắn với nâng cao đời sống người dân

Không chỉ ở xã Hùng Sơn mà nhiều địa phương trong huyện Kim Bôi đã tập trung làm tốt công tác QL&BVR, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Với ý thức BV&PTR gắn với thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các xã làm tốt công tác quản lý, BV&PTR cũng như thực hiện các chính sách hỗ trợ quản lý, bảo vệ, trồng rừng. Nhờ vậy, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt cao. Hiện nay, chính sách BV&PTR nằm  trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, do vậy góp phần từng bước nâng cao đời sống người dân sống phụ thuộc vào kinh tế rừng.

Theo đó, ngoài chính sách hỗ trợ khoán BVR đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, hàng năm, người dân được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế rừng. Từ đầu năm đến tháng 5/2023, Ngân hàng CSXH huyện cho 150 khách hàng là các hộ đồng bào DTTS vay vốn trồng rừng với tổng dư nợ 4.500 triệu đồng. Trước đó, huyện đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ BV&PTR với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng để trồng gần 300 ha rừng sản xuất ở 6 xã: Đú Sáng, Mỵ Hòa, Hợp Tiến, Hùng Sơn, Vĩnh Tiến, Kim Bôi. Từ đầu năm đến nay, huyện tích cực triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với BVR và nâng cao thu nhập cho người dân thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng... 

Theo đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi, thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, người dân được hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc và BVR, được hỗ trợ giống cây trồng mới. Bên cạnh đó, việc gắn lợi ích của người dân với rừng, hưởng lợi từ rừng đã tạo thêm động lực để người dân QL&BVR một cách hiệu quả; hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; ý thức QL&BVR của người dân được nâng cao. Có thể nói, việc thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ BV&PTR vừa cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế rừng, tạo thêm thu nhập cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư, vừa giảm áp lực tình trạng xâm hại rừng tự nhiên, cũng như góp phần gia tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện.


Mạnh Hùng

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục