Hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và chịu nhiều tác động của thiên tai. Vì vậy, nhắc tới vùng ĐBDTTS, nhiều người mặc nhiên nghĩ đây là vùng "chậm phát triển”, nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay không ít ĐBDTTS đã tích cực đổi mới nếp nghĩ, cách làm, kiên trì theo đuổi những mô hình hay, cách làm hiệu quả để xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế một cách bền vững.


Không gian chợ đêm Pà Cò, xã Pà Cò (Mai Châu) mang đến cho du khách trải nghiệm phong phú về văn hóa của đồng bào dân tộc Mông.

Sinh sống biệt lập là tập quán lâu đời của người Mông. Tập quán ấy bó hẹp cuộc sống của họ trên những triền núi cao và khép kín với thế giới xung quanh. Tuy nhiên, đồng bào Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện vùng cao Mai Châu không những "xuống núi” mà còn kéo "đồng bào miền xuôi” lên với bản làng của mình thông qua du lịch cộng đồng (DLCĐ). Để có được sự chuyển biến tích cực ấy, đối với đồng bào Mông nơi đây là sự nỗ lực bứt phá xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại, vượt qua rào cản của những tập tục lạc hậu từ cha ông để lại. 

Du lịch không chỉ là cung cấp đồ ăn ngon, chỗ ngủ ấm 

Còn nhớ tại hội nghị giao lưu các điển hình tiên tiến tỉnh Hòa Bình năm 2023 tổ chức tại TP Hòa Bình, có một nữ đại biểu gây ấn tượng mạnh khi nói về câu chuyện làm du lịch của mình. Cô chia sẻ: "Ban đầu, tôi nghĩ DLCĐ đơn giản là cung cấp đồ ăn ngon, chỗ ngủ ấm cho du khách. Nhưng khi thực sự bắt tay vào làm du lịch, tôi hiểu rằng DLCĐ ngoài đồ ăn ngon, chỗ ngủ ấm, cần nhất là một không gian trải nghiệm thú vị”. Nữ đại biểu ấy chính là Sùng Y Múa - nữ đảng viên đầu tiên làm DLCĐ tại xã Hang Kia (Mai Châu).  

Đến thăm homestay Y Múa khi nơi đây đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn và gặp lại Sùng Y Múa - chủ nhân của homestay xinh đẹp, nữ đại biểu nhiệt huyết ngày nào, người tiên phong đổi mới nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào Mông xã Hang Kia. Đúng như những gì cô đã chia sẻ, homestay của Y Múa có không gian thoáng đãng, gọn gàng, sạch sẽ và có sức hút mạnh bởi phong cách bài trí mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Chia sẻ về hành trình của mình, Y Múa cho biết: Thung lũng Hang Kia có cảnh quan đẹp, khí hậu mát mẻ phù hợp để làm du lịch. Hơn nữa, đồng bào Mông nơi đây còn giữ được nhiều nét truyền thống về trang phục, lễ hội, nghề thủ công như dệt vải, làm giấy, vẽ sáp ong… là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, Y Múa mới cảm nhận rõ mọi chuyện không hề đơn giản. "Bởi muốn làm DLCĐ thì không chỉ ngôi nhà mình phải sửa, mà ngay những người sống trong nhà mình, trong bản mình cũng phải đổi mới trong nếp ăn, nếp ở, nếp sinh hoạt hàng ngày. Đó là điều vô cùng khó vì lối sống, tập tục đã tồn tại qua bao thế hệ. Tôi nghĩ cách tuyên truyền, vận động tốt nhất là lời nói đi đôi với việc làm. Vì vậy, tôi tự mình làm trước, bà con sẽ tiếp bước theo sau” - Y Múa chia sẻ. 

Nghĩ là làm, Y Múa đầu tư nâng cấp ngôi nhà của gia đình đang ở thành một homestay với không gian truyền thống kết hợp hiện đại. Trong đó, khu vực vệ sinh, phòng ngủ được xây dựng khang trang, sạch sẽ; bếp được bố trí tách biệt; sân vườn nâng cấp, tạo cảnh quan không gian thoáng đãng, gần gũi với  thiên nhiên. Về đồ ăn, Y Múa lựa chọn các món ăn dân tộc và thực phẩm sạch ngay tại địa phương. Đặc biệt, Y Múa đã xây dựng không gian trải nghiệm văn hóa Mông ngay tại homestay của mình. Đến đây du khách được tìm hiểu những giá trị văn hóa đặc trưng và trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống của đồng bào Mông như vẽ sáp ong, làm giấy, nhuộm vải, thêu thổ cẩm.  

Từ bước đi đầu tiên của Y Múa, tại xã Hang Kia đã có hơn 10 hộ tham gia làm DLCĐ. Hang Kia dần trở thành điểm du lịch hấp dẫn. DLCĐ đã góp phần thay đổi nhận thức, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời góp phần giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Mông. 

"Tôi muốn xây dựng chợ đêm với mèn mén, thắng cố, rượu ngô và những điệu khèn đắm say” 

Cũng như homestay Y Múa, homestay A Páo thu hút nhiều khách du lịch tại bản Chà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu). Được biết, một trong những lý do khiến A Páo níu chân du khách là bởi Phàng A Páo - chủ nhân của homestay đã đưa những giá trị văn hóa dân tộc vào các sản phẩm du lịch của mình, tạo nên sức hấp dẫn độc đáo. Trung bình mỗi năm homestay A Páo đón khoảng 400 - 500 lượt khách tham quan du lịch. Du khách đến đây được trải nghiệm, tham gia học vẽ sáp ong, nhuộm vải lanh, làm giấy giang, giã bánh dày, thu hoạch chè, mận, đào khi vào mùa. A Páo chia sẻ: Pà Cò có thể được thiên nhiên ưu đãi, phong cảnh hùng vĩ, nhưng thứ cốt lõi nhất làm nên sự đổi thay trong đời sống người Mông chính là văn hóa truyền thống của dân tộc. Giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống đã giúp đồng bào Mông xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc. 

Đặc biệt, để giúp du khách có trải nghiệm phong phú nhất về văn hóa Mông, A Páo đã phối hợp tổ chức không gian chợ đêm  Pà Cò vào các buổi tối cuối tuần. Chợ đêm được tổ chức trong  vườn đào với các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách khi du lịch tại Pà Cò.  A Páo chia sẻ "Tôi không muốn một chợ đêm với xúc xích, viên chiên, tôi muốn tổ chức một chợ đêm Pà Cò với mèn mén, thắng cố, rượu ngô và những điệu khèn đắm say. Để tất cả du khách khi đến với chợ đêm có thể cảm nhận, định hình văn hóa người Mông là như thế nào".  

Để "điểm nóng" về ma tuý thành "điểm sáng" về du lịch 

Sùng Y Múa và Phàng A Páo là hai trong nhiều hộ đồng bào Mông đã khắc phục những khó khăn, khai phá tiềm năng, lợi thế để phát triển DLCĐ. Dù mới phát triển nhưng có thể nói, đồng bào Mông đã xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, dần trở thành những điểm đến mới trên cung đường Tây Bắc. Đồng chí Sùng A Sía, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Pà Cò cho biết: Hai xã Hang Kia, Pà Cò đã luân phiên tổ chức lễ hội Gầu Tào đầu năm và phục dựng Tết truyền thống của đồng bào Mông nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, xã vận động người dân tích cực xây dựng mô hình vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu để cải thiện cảnh quan không gian đảm bảo xanh - sạch - đẹp. Lắp đặt hệ thống wifi, quy hoạch khu vực vệ sinh chuồng trại chăn nuôi ngăn nắp, gọn gàng để gìn giữ cảnh quan và bảo vệ môi trường. Với những nhà không làm homestay thì nuôi lợn bản địa, trồng rau sạch, làm giấy dó, dệt sợi... cùng tham gia phục vụ khách du lịch, cùng hưởng lợi.  

Không chỉ phát triển DLCĐ, đồng bào Mông 2 xã Hang Kia,  Pà Cò đã xây dựng, kết nối để xuất bán nhiều sản phẩm thủ công của địa phương như vải lanh, vải thổ cẩm, giấy giang… cho khách trong nước và quốc tế. Tích cực đổi mới nếp nghĩ, cách làm, xây dựng đời sống văn hoá ở nông thôn gắn với giữ gìn và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc, Hang Kia - Pà Cò từng bước thoát khỏi điểm nóng về ma túy trở thành điểm sáng về du lịch.

(Còn nữa)


Đinh Hòa - Đỗ Hà



Các tin khác


Mỗi ngày làm một việc tốt: Bài 3 - Học Bác tinh thần tương thân tương ái

Đất nước ta từ xưa đến nay có truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Điều này đã đi vàotiềm thức của mỗi người dân Việt Nam. Dù trong bất cứ bối cảnh lịch sử nào của đất nước thì nhân dân ta vẫn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, sẻ chia, cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong nạn đói năm 1945, Bác Hồ đã khởi xướng, đề xuất và gương mẫu thực hiện phong trào "Hũ gạo cứu đói”, với nghĩa cử cao đẹp mỗi tuần nhịn ăn một bữa. Tấm gương về đạo đức, tình cảm, nhân cách chan chứa yêu thương con người của Bác đã và đang lan tỏa sâu rộng, được nhân dân tỉnh Hòa Bình tích cực noi theo.

Mỗi ngày làm một việc tốt: Bài 2 - Xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân

"Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của Nhân dân”. Lời dạy của Bác trong bản Di chúc đến nay luôn có ý nghĩa, giá trị đặc biệt quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên (CBĐV). Học Bác tinh thần "mỗi CBĐV là người đầy tớ trung thành của Nhân dân”, đội ngũ CBĐV, công chức, viên chức (CCVC) tỉnh Hoà Bình tích cực tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Đặc biệt là nghiêm túc, cầu thị sửa đổi lề lối làm việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng chính quyền vì nhân dân phục vụ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và trách nhiệm với dân”.

Mỗi ngày làm một việc tốt: Bài 1 - Tuổi trẻ Hòa Bình thi đua học tập và làm theo Bác

Một trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho hậu thế là tác phẩm: "Cần, kiệm, liêm, chính” gồm 4 bài báo với bút danh Lê Quyết Thắng đăng trên Báo Cứu Quốc các số ra ngày 30/5, 31/5, 1/6 và 2/6/1949. Trong đó Người nhấn mạnh: "Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh” và "Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to… thì nước ta nhất định mau giàu, dân ta nhất định nhiều hạnh phúc”. Khắc sâu lời dạy của Người, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, từ thanh niên đến người cao tuổi, từ nông dân đến trí thức… đã nỗ lực "mỗi ngày làm một việc tốt” nhỏ bé mà ý nghĩa thiết thực để cùng chung tay xây dựng bản làng, quê hương. Hàng nghìn tấm gương gần gũi, bình dị là điển hình trên tất cả các lĩnh vực, đời sống đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trên đất Mường Hòa Bình.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ - ngôi trường của niềm tin và khát vọng: Bài 2 - Giáo dục hiện đại nhìn từ Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ

Trước những thay đổi mạnh mẽ của các cuộc cách mạng khoa học, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình) đã có bước đột phá trong đổi mới phương pháp giáo dục - vận dụng STEAM và nghiên cứu khoa học định hướng học sinh phát triển tư duy sáng tạo, vận dụng kiến thức đã học tạo ra các sản phẩm hữu ích mang tính ứng dụng cao, tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ ngôi trường của niềm tin và khát vọng: Bài 1 - Khát vọng vươn lên từ mô hình dạy học theo hướng hội nhập quốc tế

Trong thời đại toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ trên các lĩnh vực đời sống, các quốc gia đều đứng trước những thử thách, trong đó có công tác giáo dục. Do vậy cần xây dựng chiến lược giáo dục tổng thể để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhận thức rõ điều đó, Đảng uỷ Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình) với sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, năng động, sáng tạo đã xây dựng được mô hình đổi mới giáo dục theo hướng hiện đại trong giai đoạn vừa qua, làm tiền đề cho các năm tiếp theo.

Phát triển bền vững thủ phủ cam Cao Phong: Bài 5 - Tổ chức lại sản xuất vùng cam Cao Phong

Sau giai đoạn phát triển "nóng”, đây là thời gian cam Cao Phong bước vào chu kỳ tái canh lớn nhất. Khoảng lặng này là cần thiết để nhìn nhận lại, đánh giá những cái được, cũng như tồn tại, hạn chế để có giải pháp căn cơ nhằm phát triển và giữ vững thương hiệu cam Cao Phong. Trong đó, tổ chức lại sản xuất vùng cam là tất yếu!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục