Vườn thuốc nam của ông Bùi Việt Hùng là nơi bảo tồn nhiều loài cây thuốc quý hiếm.

Vườn thuốc nam của ông Bùi Việt Hùng là nơi bảo tồn nhiều loài cây thuốc quý hiếm.

(HBĐT) - Trong khi nguồn dược liệu quý ở nhiều khu rừng tự nhiên đang ngày càng bị khai thác cạn kiện thì từ nhiều năm qua, bằng tình yêu với các loại cây rừng, cây thuốc, ông Bùi Việt Hùng ở phường Chăm Mát, TP.Hòa Bình đang âm thầm nhân giống, gìn giữ nhiều loại cây thuốc quý hiếm.

 

Tình yêu với thảo mộc

 

Khuôn mặt xương xương, nhỏ nhắn, bàn tay thô ráp bởi thường xuyên tiếp xúc với đất, với lá thuốc, với nắng gió ngoài vườn, những câu chuyện về ông cứ miên man từ đề tài này sang đề tài khác. Người dân Hòa Bình từng biết đến cái tên Hùng qua nhiều biệt danh khác nhau như: Hùng luồng, Hùng linh chi và gần đây là Hùng cỏ ngọt. Mỗi cái tên là một câu chuyện về tình yêu với cây rừng, cây thuốc.

 

Uống chén nước trà pha vội trong căn liều mới dựng ngoài vườn thuốc, ông kể: Vốn quê gốc ở Nghệ An, nhưng sinh ra và lớn lên ở Hòa Bình. Ngay từ khi còn là sinh viên khoa lâm sinh của trường lâm nghiệp, ông đã dành tình yêu và để tâm chú ý những loài cây dùng làm thuốc trong tự nhiên. Sau này khi làm giáo viên lâm mộc của trường Cao đẳng cộng đồng ở Xuân Mai, ông càng có điều kiện để đi sâu nghiên cứu, phân loại các loài cây rừng, cây dược liệu.

 

Năm 1979, khi chuyển công tác về Hòa Bình, ông tham gia vào Tổng đội thanh niên xung phong. Khi đó, tỉnh ta đang có chiến dịch lá chắn xanh, phủ xanh nhiều ha đồi núi trọc bằng cây luồng ở Đà Bắc, khu vực động Cô Tiên. Tuy nhiên, nhiều diện tích luồng đang chết dần mà không rõ nguyên nhân. Bằng kinh nghiệm, kiến thức của mình cộng với nhiều ngày “đội nắng, đội mưa” quan sát thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây luồng, ông đã tìm ra nguyên nhân là do những cây luồng được trồng chưa đủ tuổi. Việc tìm ra kỹ thuật nhân giống luồng đã giúp cho công cuộc phủ xanh ở nhiều miền đồi núi ở tỉnh ta thành công. Thành công của Hùng luồng còn được biết đến với việc phủ xanh thành công đồi Ông Tượng nơi toạ lạc Tượng đài Bác Hồ bằng thông Caribê và thông Mã Vĩ chỉ sau hơn một tháng nhận “nhiệm vụ”. Bên cạnh việc trồng rừng, tình yêu và niềm tâm huyết của ông Hùng vẫn dành cho việc nghiên cứu và tìm hiểu cây thuốc trị bệnh cứu người.

 

Gìn giữ nguồn dược liệu

 

Trong những năm lăn lội khắp vùng rừng núi Tân Lạc, Lạc Sơn, Đà Bắc, ông đã nhận ra rằng, núi rừng Hòa Bình rất giàu có và phong phú về các loại thảo mộc, thảo dược, trong đó có nhiều loài quý hiếm như linh chi, sạ đen...Chỉ có điều, những loài dược liệu trong tự nhiên đang ngày càng bị khai thác cạn kiệt. Chính điều này cộng với tâm nguyện yêu thương, cứu người đã làm động lực để ông nhân giống và gìn giữ nhiều loại cây thuốc quý hiếm. Ông bảo: “ít ai nghĩ đến bảo tồn, gìn giữ chỉ nghĩ đến khai thác. Chính vì vậy, mình càng nhân giống, càng trồng được nhiều cây thuốc bao nhiêu càng quý bấy nhiêu”.

 

Từ những năm 90, ông Hùng đã bắt đầu tiến hành và gieo trồng tại vườn nhà nhiều loài dược liệu. Cho đến nay khu vườn thuốc nam của ông đã có đến ba, bốn chục loại cây thuốc, trong đó có nhiều cây quý hiếm như cây lăng mường (còn có tên gọi là sạ đen), cây khôi nhung (chữa đau dạ dày), sâm một lá…vườn thuốc xanh tốt cho thu hái năng suất cao và chất lượng tốt.

 

Đặc biệt, trong vườn thuốc của ông Hùng, còn có khá nhiều cây thìa canh giúp trị tiểu đường hạ mỡ máu. Cây thìa canh thuộc họ thiên lý, tại Ấn Độ và Trung Quốc người ta đã sử dụng cây này để trị bệnh nước ngọt từ 2000 năm nay. Việc sử dụng cây thừa canh thường xuyên giúp ổn định hàm lượng đường huyết, do đó có thể phòng ngừa và chống được các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường. Nói vui, ông cười bảo: “Cái thứ cây này sẽ giúp những người bị bệnh tiểu đường từ nay sẽ không còn phải chung sống với căn bệnh thời đại này nữa”.

 

Với mong muốn giữ gìn và bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm, hiện nay ông Hùng đã đầu tư 300 triệu đồng từ nguồn vốn tự có và vốn vay ngân hàng để phát triển cây thuốc. Thời gian vừa qua, ông đã trồng được 4000m2 cây cỏ ngọt. Trò chuyện về cây dược liệu này, ông cho biết: Cây cỏ ngọt vốn mọc hoang ở Paraguay được nhập giống về trồng ở Việt Nam. Từ năm 1990, Công ty Dược liệu TWI đã hướng dẫn kỹ thuật trồng trên diện tích sản xuất ở Bắc Giang, Hưng Yên để cung ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, do thời gian những cây này trở nên già cỗi và chết dần. Khi được các cán bộ của Công ty Stevia cung cấp một số cây giống ban đầu, ông đã mày mò nghiên cứu thời gian trổ hoa, sinh trưởng và hiện nay đã nhân giống thành công.

 

Bên cạnh việc mở rộng diện tích, các yếu tố về kỹ thuật và chăm sóc cây thuốc luôn được đảm bảo. “Vườn thuốc không hề sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu độc hại. Các loại phân được sử dụng là phân hữu cơ, phân xanh được ủ kỹ. Thuốc trừ sâu bọ cũng được chiết suất từ các loại thảo mộc. Cây thuốc sau khi thu hoạch được lựa chọn kỹ và phơi nắng tự nhiên đảm bảo giữ được những hoạt tính tự nhiên và có tác dụng tốt nhất” – ông Hùng chia sẻ. Từ vườn cây thuốc này hàng năm ông đã cung ứng cho các công ty dược và thị trường hàng trăm kg thuốc nam đã sơ chế.

 

Không chỉ là nơi giữ gìn và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm, hiện nay khu vườn thuốc nam của ông Hùng còn là nơi các học sinh trường kỹ thuật - kinh tế Hoà Bình tới thực hành, tìm hiểu về các loại cây thuốc. Các em học sinh đến đây đều được ông hướng dẫn và chỉ bảo tận tình, giúp ông làm vườn vừa học vừa được trả công nhưng cái chính là giúp các em có ý thức giữ gìn và bảo vệ nguồn dược liệu quý trong tự nhiên. Mỗi em khi về địa phương, đều được ông tặng 100-150 cây cỏ ngọt để nhân giống ở địa phương. Ông Hùng cho biết: Hiện nay, cây cỏ ngọt đã được Công ty Stevia đặt hàng, do đó nếu như các địa phương nhân giống và mở rộng diện tích trên diện rộng vừa góp phần bảo vệ cây thuốc quý vừa đem lại thu nhập cho bà con nhân dân. Cây cỏ ngọt nói riêng, cây thuốc nam nói chung nếu được bảo vệ, giữ gìn tốt sẽ là nguồn thuốc chữa bệnh rất tốt cho nhân dân.

 

                                                                                  Hoàng Toản

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục