(HBĐT) - Đến nhà vợ chồng người bạn chơi trong một chiều mùa thu trời khá oi bức, nắng bên ngoài dường như còn níu kéo khoảng trời mùa hạ, rát bỏng như độ giữa mùa. Mải mê, luyên thuyên chuyện trò quên khoắng là đã đến giờ trưa. Vợ bạn từ trong bếp vọng ra "Anh cứ ở lại ăn cơm với nhà em, chẳng mấy khi”. Cũng muốn từ chối nhưng không nỡ, sợ vợ chồng bạn nghĩ khách sáo. Thôi thì ở lại dùng bữa cơm vậy! ý nghĩ vừa mới thoáng chạy qua đầu thì bạn lại chêm vào "ở lại ăn cơm với nhà tao, hôm nay có món canh cua đồng tuyệt hảo đấy!”.

Canh-cua-đồng ba từ vang lên vừa lạ lẫm lại vừa quen thuộc. Tôi vốn sinh ra ở quê, là dân làm ruộng thứ thiệt. Ngày còn nhỏ, đến mùa gặt, bữa cơm nào cũng được mẹ nấu canh cua cho ăn. Còn lạ lẫm, chắc cũng dễ đến chục năm rồi tôi chưa ăn lại món canh cua đồng, kể từ khi rời quê lên phố học rồi làm việc. Năm tháng sinh viên, ở với lũ bạn, bữa cơm cũng chỉ đạm bạc quẩn quanh rau củ, ít miếng thịt cho qua ngày, qua tháng. Ra trường, đi làm bận rộn, làm bạn với cơm bụi, cơm văn phòng. Nhiều lúc ngẫm lại chuyện bạn tôi bây giờ lấy vợ sớm lại là một cái hay. Cái hay, cái được nhất là luôn có những bữa cơm gia đình tươm tất của vợ nấu cho mỗi ngày. Còn tôi, một gã trai độc thân, nay thích thì ra quán ăn, mai hứng lên thì chui vào bếp nấu một vài món đơn giản, chẳng theo trật tự, thói quen nào hết.

Tôi nhớ cua đồng nhiều, nhất là vào mùa gặt, khi cả cánh đồng bắt đầu ruộm vàng như một tấm thảm vàng óng ánh tuyệt đẹp. Với lũ trẻ con, cứ đến mùa gặt lại háo hức, chẳng phải giúp đỡ bố mẹ gặt hái lúa má gì mà là thỏa thú bắt cua đồng. Đứa cầm giỏ tre, đứa lại dùng xô nhựa, cắp nách bên hông, chờ mảnh ruộng nào gặt xong liền sà xuống như một lũ chim sẻ háu ăn ríu rít. Chỉ loanh quanh một chỗ cũng có thể bắt gần chục chú cua đồng béo múp míp. Thú nhất vẫn là những hôm mưa mới xong, mát nước, cua bò ra lổm ngổm nhiều vô kể, chỉ chờ có thế, chúng tôi nhanh chóng tóm gọn vào giỏ.

Nhưng lũ cua chỉ "dại” trong vài ngày đầu, những ngày sau, chúng rất khôn. Chỉ cần nghe tiếng động là chúng tá hỏa chui vào trong lãnh địa của mình (thường là những hốc rạ sâu hun hút ngay bờ ruộng). Cái khó ló cái khôn, chúng tôi mang theo dao cùn phá vỡ lãnh địa của chúng. Trong đám trẻ ngày xưa, tôi là đứa lười, chẳng chuẩn bị dao cùn mà dùng tay không bắt cua. Tức là nhằm cái lãnh địa của chúng tôi cứ thọc tay thật sâu, cho đến khi tóm được chúng thì thôi. Đổi lại cho sự lười biếng của tôi là bàn tay xước xát vì va chạm vào đất cứng, sợ xanh mặt khi vô tình thò phải rắn nước. Thật hú hồn!

Cuối buổi, mặt đứa nào đứa nấy đều nhọ nhem bùn đất nhưng đều hân hoan rạng ngời cùng giỏ cua đầy ú ụ. Thường thì một phần ba số cua mẹ tôi chế biến nấu canh còn lại rang giòn lên. Có khi chiến lợi phẩm được giao quyền cho bọn trẻ tự chế biến. Chúng tôi phân công nhau kiếm củi, xẻ mai cua ra xiên qua thân tre và bắt đầu nướng. Bữa tiệc được tiến hành trên bờ ruộng, người lớn đi ngang đôi khi cũng góp vui, nhâm nhi một vài chú cua béo múp. Chỉ trong chốc lát, cua chuyển màu đỏ, vàng rộm, một mùi thơm bốc lên tan vào hương lúa đồng mênh mang.

Lan man chuyện cua mà quên mất chính là món canh cua. Canh cua đồng có thể nấu với bất cứ loại rau nào: rau lang, muống, ngót hay mồng tơi. Tôi nhớ nhất trong bữa ăn là câu nói của bố. "ăn canh cua mà thiếu cà pháo muối thì chất lượng giảm đi phân nửa”. Mà đúng thế thật, cảm giác ăn một ngụm canh cua rồi cắn lấy một miếng cà giòn giòn chua chua thích lắm. Mẹ tôi tếu táo rằng, chúng làm hao biết bao nhiêu là cơm. Lúc nào bữa cơm có canh cua đồng là tôi ăn cành hông. Bữa ăn nhà bạn có canh cua đồng cũng thêm bát cà pháo muối rất ngon nhưng công bằng mà nói, tôi vẫn chưa thấy ngon bằng bát canh hồi xưa tôi ăn của mẹ. Cũng có thể khi xưa nghèo đói nên tôi thấy ăn ngon chăng? Cũng có thể do tôi quen với khẩu vị của mẹ nấu hàng ngày.

Vợ bạn bảo thực ra bây giờ ở phố, cua đồng cũng được bầy bán nhiều nhưng cua đồng từ quê lên rất hiếm, đi chợ thân quen, kiếm được mối mới mua được cua đồng chính gốc. Sau bữa ăn nhà bạn, tôi gọi điện về cho mẹ, nửa đùa, nửa thật rằng đang thèm canh cua đồng lắm! Mẹ tôi bảo cua đồng bây giờ ở quê rất hiếm bởi các hóa chất con người sử dụng như thuốc trừ cỏ, trừ sâu… Tự dưng tim tôi nghèn nghẹn. Gã trai qua tuổi băm, nghe mẹ nói xong mà xót xa ở trong lòng. Với tôi, cua đồng mùa gặt là một phần ký ức không thể xa rời. Nó là loài vật bé thôi nhưng sao mà thấy thiêng liêng và vô giá lắm! Trong giấc mơ thị thành thi thoảng vẫn chen ngang giấc mơ quê mùa có bát canh cua thân thuộc đến nao lòng!

       Cao Văn Quyền

 (Bưu điện trung tâm 3, 47,Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội)

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục