(HBĐT) - Duy trì 3 năm liên tục không có người sinh con thứ 3, xã Đông Phong (Cao Phong) đã và đang có những cách làm hiệu quả trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Đóng góp vào thành công đó không thể không nhắc tới công lao của nữ cán bộ chuyên trách dân số Bùi Thị Thu Hà.
“Là phụ nữ, phụ trách mảng dân sốừ là lợi thế của tôi. Đối tượng tuyên truyền, vận động chính là phụ nữ thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Tôi đến với họ không phải với vai trò của một cán bộ chuyên trách dân số mà như là người thân. Được nghe họ kể, được trò chuyện, tôi hiểu và cảm thông với những áp lực mà họ đang phải chịu đựng” - Chị Bùi Thị Thu Hà chia sẻ.
Chị Bùi Thị Thu Hà (bên trái), chuyên trách dân số xã Đông Phong (Cao Phong) tuyên truyền, tư vấn các biện pháp tránh thai hiện đại tới các gia đình trong độ tuổi sinh sản trên địa bàn xã.
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ, năm 2010, chị Hà về công tác tại trạm y tế xã Đông Phong. Là người sở tại nên chị am hiểu phong tục, tập quán cũng như suy nghĩ, cách làm của người dân quê mình. Đông Phong cũng như nhiều xã khác trong huyện, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Xã hiện có 503 hộ, 2.148 khẩu, trong đó có 569 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Toàn xã, hiện có 333 chị áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.
Cùng với đội ngũ cộng tác viên dân số được trải đều ở 6 xóm, chị Hà luôn có mặt kịp thời để nắm bắt tình hình, biến động về dân số trên địa bàn xã, đặc biệt là ở những gia đình sinh 2 con gái. Từ đó có hướng tham mưu với cấp ủy, chính quyền có giải pháp căn cơ và triệt để. Chị tâm sự: Không thể phủ nhận tư tưởng phải có con trai để nối dõi tông đường ở một số ít gia đình, đặc biệt ở những gia đình nam giới làm trưởng họ mà chưa sinh được con trai. Cùng với lực lượng phụ nữ, thanh niên, chúng tôi đã đến tận nhà để trao đổi với các anh và đưa ra những so sánh đầy tính thuyết phục. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng để chúng tôi vào nhà và nói chuyện. Có những gia đình, thấy chúng tôi đến, họ không tiếp. Kiên trì không quản nắng, mưa, công lao của chúng tôi đã được đền đáp. Lâu dần, các anh cũng đã hiểu và cảm thông với các chị. Có những anh ngoài việc đồng áng, về nhà còn phụ giúp vợ việc nhà… Đến nay, xã 3 năm liên tục không có người sinh con thứ 3.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Bùi Văn Hà, chị Bùi Thanh Chúc, xóm Quáng Trong khi anh đang tất bật chuẩn bị cho bữa trưa. Vợ chồng anh chị sinh được 2 con gái. Con gái lớn đang học lớp 8, đứa thứ hai học lớp 5. Cả 2 cháu năm nào cũng là học sinh giỏi của trường. Không mang nặng tư tưởng trọng nam, khinh nữ, gia đình anh chị chỉ mong muốn 2 cô con gái luôn chăm ngoan, học giỏi, lớn lên có việc làm ổn định. Thời gian chăm sóc vườn cam, mía đã ngốn gần hết thời gian của anh. Chỉ những lúc quá trưa hoặc tối mịt anh mới có thể được tự tay trổ tài nấu nướng phục vụ “3 nàng công chúa” như cách gọi hài hước của anh.
Cũng giống như vợ chồng anh Hà, chị Chúc, gia đình anh Bùi Văn Đại, chị Bùi Thị Tâm, xóm Quáng Ngoài cũng sinh 2 con gái và không có ý định sinh thêm bởi lẽ, với anh, nuôi dạy con thành người quan trọng hơn là “sỹ diện hão”. Suy nghĩ của anh từng được xem là khác người nhưng giờ đây, nhìn vào cơ ngơi mà vợ chồng anh chị tạo dựng được không ít người phải trầm trồ, thán phục.
Theo thống kê, trên địa bàn xã Đông Phong hiện có 38 cặp vợ chồng sinh con 1 bề là gái. Họ đều không muốn sinh thêm mà tập trung nuôi dạy con tốt và phát triển kinh tế.
Ngày ngày, chị Hà vẫn cần mẫn với công việc của mình. Chị đang góp một phần sức trẻ và nhiệt huyết dần làm thay đổi suy nghĩ trong mỗi người đàn ông phải cố sinh con trai như bấy lâu nay. “Không biết có phải do may mắn hay không nhưng chồng tôi và gia đình anh ấy không ai đặt gánh nặng bắt buộc phải sinh con trai lên tôi cả”, chị cười và tâm sự.
(Đài Cao Phong)
(HBĐT) - Cùng đoàn công tác xã Quy Hậu (Tân Lạc) đến thăm mô hình kinh tế VAC của gia đình CCB Tô Văn Đận, xóm Tân An, xã Quy Hậu đã khiến chúng tôi bất ngờ. 4 ha đất đồi với đủ các loại cây trồng từ rau, màu đến cây ăn quả… đã đem lại thu nhập cho gia đình khoảng 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động.
(HBĐT) - Cùng cán bộ UBND xã Hợp Châu (Lương Sơn), chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Thiên ở thôn Nghĩa Kếp, hộ gia đình tiêu biểu trong phát triển chăn nuôi trang trại. Với việc phát triển mô hình nuôi gà thả vườn và lợn thương phẩm, gia đình anh đã thoát nghèo thành công với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
(HBĐT) - Khoảng 6 giờ, ngày 27/12, đang đi tập thể dục trên đường Cù Chính Lan, TP Hoà Bình, Thiếu tá Hoàng Yến, Đội cảnh sát kinh tế - Công an TP. Hòa Bình đã nhặt được một túi da màu đen. Kiểm tra trong túi có một chiếc điện thoại nhãn hiệu Iphone 5 và 140 triệu đồng, đồng chí đã cất giữ cẩn thận để trả lại người bị mất.
(HBĐT) - Hòa Bình miền đất thân thương – cửa ngõ của núi rừng Tây Bắc. Nơi đây cảnh đẹp nên thơ, hùng vĩ. Đặc biệt là nét văn hóa dân gian độc đáo của bà con các dân tộc vùng cao Tây Bắc.
(HBĐT) - Theo lời giới thiệu của lãnh đạo UBND xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, chúng tôi đến thăm trại ong của ông Phạm Xuân Thưởng (xóm Tân Lập, xã Dân Hòa). Trao đổi với chúng tôi, ông Thưởng cho biết: “Trước khi đến với nghề nuôi ong, tôi đã lăn lộn làm đủ thứ nghề mưu sinh, từ trồng trọt, chăn nuôi cho đến làm công nhân. Mặc dù rất cố gắng nhưng với việc làm ăn manh mún, chăn nuôi nhỏ lẻ nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Được sự giúp đỡ tận tình của cán bộ khuyến nông xã và qua tìm hiểu thực tế, năm 2011, tôi đã nuôi thử nghiệm ong mật. Nuôi ong có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao, do đó, tôi đã mạnh dạn vay vốn, nuôi 20 đàn ong mật.”
(HBĐT) - Trung tá Trần Xuân Toàn (ảnh), Đội trưởng Đội tổng hợp - Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh được biết đến với nhiều thành tích thể thao. Từng là lính cơ động, anh có điều kiện rèn luyện, đào tạo để trở thành VĐV tiêu biểu, nòng cốt trong hoạt động thể thao của Công an tỉnh.