(HBĐT) - Theo lời giới thiệu của lãnh đạo UBND xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, chúng tôi đến thăm trại ong của ông Phạm Xuân Thưởng (xóm Tân Lập, xã Dân Hòa). Trao đổi với chúng tôi, ông Thưởng cho biết: “Trước khi đến với nghề nuôi ong, tôi đã lăn lộn làm đủ thứ nghề mưu sinh, từ trồng trọt, chăn nuôi cho đến làm công nhân. Mặc dù rất cố gắng nhưng với việc làm ăn manh mún, chăn nuôi nhỏ lẻ nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Được sự giúp đỡ tận tình của cán bộ khuyến nông xã và qua tìm hiểu thực tế, năm 2011, tôi đã nuôi thử nghiệm ong mật. Nuôi ong có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao, do đó, tôi đã mạnh dạn vay vốn, nuôi 20 đàn ong mật.”
Thời điểm bắt đầu nuôi, do chưa có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về kỹ thuật nuôi và chăm sóc ong nên một số đàn ong của ông Thưởng đã bay mất, một số đàn bị chết do mắc bệnh, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Không nản chí, ông Thưởng đã kiên trì lặn lội nhiều nơi, đến các hộ nuôi ong ở địa phương khác học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tham dự nhiều khóa học chăm sóc ong, đồng thời tham khảo thêm tài liệu, sách, báo. Bên cạnh đó, ông thường xuyên được cán bộ khuyến nông, khuyến lâm hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc ong. Do đó, những khó khăn ban đầu dần được khắc phục. Đàn ong của ông Thưởng sinh trưởng, phát triển đều đặn góp phần cải thiện thu nhập cho gia đình.
Ông Phạm Xuân Thưởng, xóm Tân Lập, xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) chăm sóc đàn ong mật.
Nhờ nỗ lực cố gắng, sau 5 năm xây dựng mô hình kinh tế, đến nay, gia đình ông Thưởng đã sở hữu trên 300 đàn ong. Mỗi năm, ông cung cấp cho thị trường hơn 7000 lít mật ong, đáp ứng nhu cầu không chỉ trong địa bàn xã mà còn địa bàn toàn huyện. Do sự phong phú, đa dạng các loài hoa trong rừng, nguồn thức ăn cho ong đều có sẵn trong thiên nhiên nên việc chăm sóc đàn ong giảm được nhiều chi phí. Trừ đi các khoản chi phí, nhân công, thuốc men chăm sóc… với giá mỗi lít mật ong 190.000 đồng, vào vụ thu hoạch, mỗi tháng ông Thưởng thu về 9-10 triệu đồng từ bán mật ong.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ong, Thưởng cho biết: “Điều quan trọng nhất trong quá trình nuôi ong là chọn ong chúa. Nếu ong chúa khỏe mạnh thì cả đàn ong và những lứa sau sẽ khỏe mạnh, cho lượng mật nhiều. Tiếp theo là nguồn phấn hoa phải là hoa nhãn, hoa táo và từ các loại hoa rừng khác… như vậy sẽ cho chất lượng mật ong tốt. Bên cạnh đó, việc phòng, chống bệnh cho ong cũng được đặt lên hàng đầu. Tuy nghề nuôi ong mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đây cũng là nghề khá vất vả, đòi hỏi sự chăm chỉ, chịu khó. Do đàn ong sống trong một quần thể lớn, bay rất nhiều nơi để kiếm phấn hoa nên khả năng nhiễm và lây lan bệnh rất cao. Khi bệnh phát ra, rất khó kiểm soát sự lây lan giữa các cá thể ong với nhau. Bệnh dịch có thể tiêu diệt một, thậm chí là nhiều đàn ong một cách nhanh chóng. Do đó, việc phòng bệnh cho ong là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, người nuôi ong phải biết cách chăm sóc, tỉ mỉ thì mới có những đàn ong tốt, cho năng suất và sản lượng mật lớn.”
Hoàng Anh
(HBĐT) - Tác phong nhanh nhẹn, luôn gần dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trưởng khu Phạm Văn Hùng, khu II, thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) luôn được bà con trong khu yêu mến, tin tưởng.
(HBĐT) - Với vai trò Chủ tịch Hội chữ thập đỏ (CTĐ), trong những năm qua, chị Xa Thị Huyền luôn thực hiện tốt vai trò, chức trách, xây dựng khối đoàn kết, củng cố tổ chức Hội, phát triển, mở rộng mạng lưới cộng tác viên, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động công tác xã hội nhân đạo trên địa bàn huyện Đà Bắc.
(HBĐT) - Với suy nghĩ rất dung dị, đời thường “khi đường sá nâng cấp, mở rộng phong quang hơn, đẹp đẽ hơn thì cuộc sống các con, các cháu mình sẽ khác”, ông Nguyễn Văn Tình ở xóm Phú Châu, xã Phú Minh (Kỳ Sơn) đã tự nguyện hiến gần 3.000 m2 đất để làm đường, đoạn từ xóm Phú Châu đi xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì - Hà Nội). Tấm gương hiến đất của ông được UBND tỉnh đưa vào 1/11 mô hình, điển hình tiên tiến xứng đáng biểu dương và triển khai nhân rộng.
(HBĐT) - Ấn tượng trong lần đầu gặp chị Đinh Thị Kim Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) là sự nhanh nhẹn, nhiệt tình và gần gũi. Không chỉ vậy, khi nghe chị phát biểu tóm tắt quá trình thực hiện dự án “Cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả đầu ra” (ChoBa) và chứng kiến những hình ảnh ghi lại quá trình thực hiện của chị cùng cán bộ, hội viên, chúng tôi thực sự cảm phục chị và hiểu vì sao chương trình, dự án tại địa bàn lại thành công như vậy.
(HBĐT) - Được lãnh đạo xã Đông Phong (Cao Phong) giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình Bùi Văn An, sinh năm 1983 xóm Quáng Ngoài là điển hình trong mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam của gia đình, An chia sẻ: Trước kia, cũng trên mảnh đất này, bố mẹ tôi chủ yếu trồng mía trắng, mía tím, thu nhập cũng chỉ đủ ăn. Từ năm 2009, tôi được tham gia các lớp tập huấn trồng cây có múi do xã, huyện tổ chức. Từ những kiến thức đó, tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, họ hàng và người trồng cam ngoài khu vực thị trấn Cao Phong - nơi trồng cam lâu năm.
(HBĐT) - Có dịp tiếp xúc với đại úy Nguyễn Tiến Luật, Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh, chúng tôi ấn tượng bởi anh có tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát và khá hóm hỉnh. Là cán bộ trẻ, đại úy Nguyễn Tiến Luật không chỉ biết đến là điều điều tra viên sắc sảo, anh là thủ lĩnh thanh niên, người khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo phong trào thanh niên của Công an tỉnh. Sâu sát cơ sở, gắn bó với nhân dân, đại úy Nguyễn Tiến Luật đúc rút, công an chỉ hoàn thành nhiệm vụ của mình khi được dân tin, dân yêu, dân ủng hộ.