(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên ở xã Pà Cò (Mai Châu), Sùng Y Múa may mắn hơn nhiều người con gái Mông khác là được đi học lên cao. Sau khi học xong, Y Múa trở về làm ở trạm y tế. Không chỉ là một nữ hộ sinh mát tay, Y Múa còn là người kinh doanh giỏi, tạo việc làm cho bà con người Mông ở xã Hang Kia, Pà Cò.
Chị Sùng Y Múa cùng du khách nước ngoài.
Từ một nữ hộ sinh giàu tình thương
Cách đây khoảng 20 năm, trong số 15 người ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò rời bản xuống huyện học THPT, rồi đi học các ngành nghề có Sùng Y Múa. Học xong phổ thông, chị quyết định theo nghề y. Y Múa chia sẻ: "Nhìn thấy bố mẹ, người thân ốm đau mà không biết chữa, mình buồn lắm. Mình học nghề để về bản đuổi bệnh tật và lạc hậu đi". Những ngày đầu về công tác tại trạm y tế xã Hang Kia, Y Múa gặp rất nhiều khó khăn khi vận động bà con thực hiện nếp sống vệ sinh và bỏ hủ tục. Đa phần phụ nữ ở đây ít để ý đến sức khỏe sinh sản, sinh đẻ có kế hoạch. Ở các bản cao, nhiều chị em mới ngoài 30 tuổi mà có đến cả chục đứa con. Vòng luẩn quẩn lấy vợ, lấy chồng sớm, đẻ con nhiều, rồi đói nghèo cứ đeo bám mãi mảnh đất này.
Vốn là người giàu tình thương và trách nhiệm nên Y Múa có cách giải quyết cho phù hợp với phong tục tập quán. Nhiều bà mẹ sinh non đã được Y Múa mát tay giúp đỡ. Từ ngày biết dùng mạng xã hội, Y Múa đã viết những câu chuyện đó chia sẻ lên facebook để kêu gọi mọi người ủng hộ các gia đình này. Tấm lòng chân thành của cô đỡ nơi thôn bản đã huy động được nhiều nhà hảo tâm cùng tham gia. Nhiều đoàn từ thiện thông qua kết nối của Y Múa đã trao được những món quà đầy ý nghĩa tới các gia đình phụ nữ nghèo. Cũng có chị em có mái nhà mới nhờ sự nỗ lực của Y Múa. Những việc làm của Y Múa dần được chị em ủng hộ. Giờ đây, việc sinh con tại nhà gần như không còn. Việc ăn ở, vệ sinh của bà con người Mông dần có sự thay đổi. Mỗi khi gia đình hay người thân có việc gì liên quan đến sức khỏe, bà con người Mông đều hỏi ý kiến Y Múa. Hình ảnh cô hộ sinh không quản ngày đêm đến với bản làng đã quen thuộc với bà con người Mông.
Đến một người làm sáng bản Mông
Từ năm 1995, khách du lịch đã biết đến Hang Kia bởi sự hoang sơ và giữ được bản sắc văn hóa của người Mông. Trang phục truyền thống, làng nghề thêu, dệt vải, vẽ sáp ong, nhuộm chàm, đổ giấy giang thủ công, lò rèn, rượu ngô vẫn còn giữ nguyên vẹn. Nhận thấy đây là tiềm năng của địa phương mà ít nơi còn có được, từ năm 2011-2013, gia đình Sùng Y Múa mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay cho khách lưu trú. Một thời gian sau, gia đình chị Múa đã làm thêm nhà để đón khách, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển du lịch tại địa phương.
Lúc đầu, lượng khách du lịch đến với homestay Y Múa và xã Hang Kia chủ yếu khách tour nên không nhiều. Sau đó, Y Múa đã mạnh dạn tìm hiểu về cách làm du lịch của các homestay và địa bàn lân cận để cải tiến, áp dụng cho homestay của mình và địa phương. Từ đó số lượng khách đến với homestay của gia đình chị và xã Hang Kia tăng lên rõ rệt. Trong những năm làm du lịch cộng đồng, chị không ngừng phấn đấu và quảng bá hình ảnh đẹp về Hang Kia. Tạo niềm tin cho các công ty lữ hành giới thiệu du khách biết đến Hang Kia nhiều hơn.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng homestay của chị thu hút 200 - 250 khách du lịch lưu trú, việc làm cho 4 - 7 người, cao điểm 7 - 10 người với thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Homestay Y Múa đã kết nối với nhiều homestay trên địa bàn như các tuyến Hang Kia - Bản Bước, Hang Kia - Mai Hịch, Hang Kia - Mai Châu. Kết nối với các homestay của các tỉnh lân cận như: Hang Kia - Pù Luông, Hang Kia - Ninh Bình, Hang Kia - Hua Tạt, Vân Hồ, Hang Kia - Ngọc Chiến, Hang Kia - Nghĩa Lộ, Yên Bái...
Bên cạnh thu hút khách du lịch đến với Hang Kia, chị Sùng Y Múa luôn là người tiêu biểu trong công tác từ thiện nhân đạo tại địa phương. Chị kết nối với nhiều nhà hảo tâm để kêu gọi các đoàn từ thiện về xã ủng hộ nhà trường, đồ dùng học tập, quần áo ấm cho học sinh và bà con 2 xã Hang Kia, Pà Cò. Với những việc làm ý nghĩa, hiệu quả, năm 2021, Sùng Y Múa đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong sản xuất - kinh doanh giai đoạn 2018-2020.
Việt Lâm
(HBĐT) - Đã bước sang tuổi 60 nhưng đam mê dành cho văn hóa Mường của bà Đinh Thị Kiều Dung, khu dân cư Bo, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi chưa bao giờ vơi. Bà vẫn dành phần lớn thời gian nghiên cứu, sưu tầm và lưu truyền bản sắc đặc trưng của văn hóa Mường. Đối với bà, những việc đã, đang làm không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường tại địa phương mà cũng là một cách để bà học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
(HBĐT) - Cô Vũ Thị Huế sinh năm 1960, sống tại khu phố Yên Bình, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) nguyên là giáo viên tiểu học nghỉ hưu từ tháng 4/2015. Với tâm huyết của người giáo viên yêu nghề, mến trẻ, cô tiếp tục cống hiến cho phong trào khuyến học của địa phương. Tháng 10/2015, cô Vũ Thị Huế xin vào Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học thị trấn Hàng Trạm.
(HBĐT) - Chỉ sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình khởi nghiệp trang trại chăn nuôi dúi thịt và dúi sinh sản của Bùi Văn Nhật, xóm Bãi Đa, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
(HBĐT) - Từ bỏ công việc có thu nhập cao, chàng thanh niên người Tày - Lò Văn Tuất (SN 1994) quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Khởi nghiệp từ mô hình kinh tế tổng hợp với không ít khó khăn, nhưng Tuất đã có định hướng cho riêng mình.
(HBĐT) - Công an huyện Lương Sơn vừa nhận được thư cảm ơn của anh Trần Quang Thiện, sinh năm 1973, trú tại xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, hiện đang làm công nhân tại huyện Lương Sơn. Anh Thiện bày tỏ xúc động, cảm kích trước việc làm tận tụy, vì Nhân dân phục vụ của cán bộ Công an huyện Lương Sơn đã giúp anh tìm lại tài sản bị mất.
(HBĐT) - Năng động, trách nhiệm, sáng tạo, luôn hết mình trong mọi hoạt động, phong trào Đoàn Thanh niên… đó là nhận xét của đoàn viên, thanh niên (ĐV,TN) Đoàn phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) dành cho đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đoàn phường.