Đã gần 65 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Nữ ở xóm Máy 1, xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) vẫn tích cực học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị (LLCT). Bà là tấm gương điển hình về người cao tuổi tâm huyết trong học tập LLCT, nhiệt tình tham gia các hoạt động tại địa phương.


Bà Nguyễn Thị Nữ, Chi hội phó Chi hội người cao tuổi xóm Máy I, xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) nghiên cứu tài liệu về lý luận chính trị của Đảng.

Từ năm 2012 - 2017, bà Nữ được nhân dân trên địa bàn tín nhiệm giữ chức Bí thư chi bộ. Trên cương vị này, bà Nữ luôn đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào, "nói đi đôi với làm”, có nhiều đóng góp trong công tác phát triển kinh tế địa phương. Ngoài ra bà cũng là thành viên tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, hoạt động tập thể của xóm. Các hoạt động không chỉ mang lại sức khỏe, niềm vui cho người già mà còn tạo tinh thần lạc quan, lan tỏa xây dựng nếp sống văn hóa mới trong cộng đồng.

Bà Nữ chia sẻ: "Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn phải nghỉ học từ nhỏ nhưng tôi vẫn luôn mong muốn được tham gia học tập LLCT. Học tập LLCT không chỉ giúp cho người học có sự hiểu biết sâu sắc, đầy đủ, toàn diện hơn về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn củng cố niềm tin và bản lĩnh chính trị, ý thức giai cấp và tinh thần yêu nước. Đó là điều cần thiết. Việc học tập LLCT đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là nghĩa vụ, là biện pháp nhằm nâng cao năng lực, đạo đức, phẩm chất của cán bộ, công chức, viên chức". 

Từ tháng 3 - 7/2024 bà đã theo học lớp sơ cấp LLCT tại Trung tâm Chính trị TP Hòa Bình. Mặc dù khó khăn do nhà xa, tuổi cao, mắt kém, nhưng bà Nữ rất tích cực, cố gắng đi học đầy đủ. Với đức tính ham học hỏi, bà không ngừng trau dồi, học tập để nâng cao trình độ, kiến thức, nhận thức, kỹ năng và khả năng tư duy. Đặc biệt bà là học viên cao tuổi nhất của lớp. Bài thu hoạch của lớp học sơ cấp chính trị được bà viết dài 7 trang giấy. Kết thúc lớp học, bà được cấp chứng nhận loại giỏi trước sự đồng thuận và thán phục của học viên trong lớp.

Hiện nay, bà Nữ đảm nhiệm chức danh Chi hội phó Chi hội người cao tuổi xóm. Với những kiến thức tiếp thu tại lớp học sơ cấp LLCT, bà tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hội viên người cao tuổi tham gia học tập, nghiên cứu về LLCT; tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn hăng hái phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp vào phát triển KT-XH địa phương. Bên cạnh đó, phát huy vai trò người cao tuổi, gương mẫu đi đầu, vận động lớp trẻ và các đảng viên có trách nhiệm, ý thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập LLCT, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, từ đó cống hiến tích cực, hiệu quả hơn cho sự nghiệp của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Thị Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình cho biết: "Bà Nguyễn Thị Nữ là tấm gương hiếu học điển hình, là hội viên người cao tuổi tiêu biểu. Thực tế hiện nay có tình trạng ngại học LLCT ở cả lớp trẻ và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần của bà Nguyễn Thị Nữ và người cao tuổi trong việc tham gia học tập, trau dồi LLCT. Thời gian tới, mong muốn bà Nữ tiếp tục phát huy tinh thần học tập LLCT. Đồng thời lan tỏa tới các đảng viên, hội viên người cao tuổi và nhân dân trên địa bàn xã”.


Mạnh Cường

Các tin khác


Người tạo việc làm cho phụ nữ lúc nông nhàn

Giải quyết việc làm tại chỗ cho phụ nữ nông thôn là nhiệm vụ quan trọng được Hội LHPN xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) quan tâm triển khai. Chị Bùi Thị Tiền, sinh năm 1980, dân tộc Mường, hội viên chi hội phụ nữ xóm Sấu, xã Lạc Thịnh là hội viên tiêu biểu, người mạnh dạn tìm kiếm, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều chị em lúc nông nhàn để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.

Nữ giám đốc của nông dân

Không chỉ thực hiện dạy nghề miễn phí mà còn tìm kiếm đơn hàng, chị Nguyễn Thị Bảy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Lương Phú, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc đã tạo việc làm cho hơn 600 lao động nông nhàn. Bao năm qua vượt lên nỗi đau bệnh tật, chị miệt mài giúp bà con có đơn hàng và thu nhập.

“Bóng cả” ở bản vùng cao Thung Mặn

Đó là ông Sùng A Dếnh (SN 1947) ở bản Thung Mặn, xã Hang Kia (Mai Châu), người vinh dự được Bộ Công an tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc và phụ cận, giai đoạn 2018 - 2023. Cộng đồng người Mông xã Hang Kia không chỉ kính trọng ông Dếnh bởi ông là người có uy tín (NCUT), tấm gương mẫu mực, mà còn cảm phục ông với những hành động, việc làm.

Nữ dân quân Sùng Y Múa với những nỗ lực thay đổi bản Mông

Mùa hè lên xã Hang Kia (Mai Châu) khí hậu thật trong lành, mát mẻ. Những homestay xinh xắn ngập sắc hoa đón du khách đến với Hang Kia. Để mở "cánh cửa” bản Mông xưa nay dường như bị khép kín, người dân Hang Kia đang nỗ lực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch, nâng cao đời sống kinh tế, góp phần đảm bảo AN-QP địa phương.

Nghị lực vượt lên nghịch cảnh

Tưởng rằng cuộc sống phía trước chỉ còn lại những ngày tăm tối khi mất đi đôi chân vì tai nạn lao động ở tuổi 26, nhưng vì gia đình và đặc biệt là con gái mới chỉ vài tháng tuổi là động lực để anh Đinh Công Hùng, thôn Đồng Làng, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) nỗ lực vượt lên nghịch cảnh. Bằng đôi tay khéo léo, anh Hùng đã vươn lên để sống với đam mê, mở xưởng thủ công mỹ nghệ làm lồng chim với mong muốn có thu nhập trang trải cuộc sống.

Người xây dựng thương hiệu rượu men lá xứ Mường

Bằng tình yêu và niềm đam mê với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, anh Đỗ Hùng (phường Trung Minh - thành phố Hòa Bình), hiện công tác tại một cơ quan nhà nước của tỉnh đã nghiên cứu, tìm hiểu về công thức làm men độc đáo của người Mường xưa, từ đó khôi phục cách làm men lá cổ truyền, tạo nên những loại rượu mang hương vị thơm ngon, đậm bản sắc văn hóa ẩm thực của dân tộc Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục