Sau khi về nghỉ hưu theo chế độ, ông Bùi Văn Nỏm, nguyên Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn, hiện trú tại phố Hữu Nghị, thị trấn Vụ Bản dành nhiều thời gian, tâm huyết sưu tầm, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.


Dàn chiêng cổ là một trong hàng trăm hiện vật quý, chứa đựng bản sắc văn hóa Mường được ông Bùi Văn Nỏm sưu tầm, gìn giữ. 

Nhiều gia đình trên địa bàn thị trấn Vụ Bản hiện quen ở nhà cao tầng, đồ dùng sinh hoạt trong nhà ngày càng tiện nghi, tân tiến. Gia đình ông Nỏm thuộc số ít vẫn sinh sống trong ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường. Khách đến chơi nhà không khỏi thích thú giữa không gian thoáng đãng khi bước lên những bậc cầu thang, ngắm ao cá, vườn cây mang đến cảm giác yên bình, thư thái.

Ông Nỏm bộc bạch: Là người con sinh ra, lớn lên trên đất Mường Vang, tình yêu văn hóa dân tộc Mường dường như thấm vào từng mạch máu. Tôi không chỉ quý trọng mà còn thấy trách nhiệm của bản thân trong việc lưu giữ, bảo tồn     và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Cũng vì lẽ đó mà quá trình huyện Lạc Sơn triển khai, thực hiện Đề án bảo tồn văn hóa dân tộc Mường, ông Nỏm tích cực tham gia với vai trò hội trưởng nhóm sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa nghệ thuật hát thường rang, bộ mẹng và hát đúp giao duyên dân tộc Mường.

Cùng với các nghệ nhân tâm huyết khác, như ông         Bùi Huy Vọng, Bùi Thiện, ông Nỏm không quản ngại tuổi cao, đường sá khó khăn để tìm đến, gặp gỡ các bậc cao niên, những người còn nắm giữ các câu hát, làn điệu hát Mường cổ để ghi chép, ghi hình, tuyên truyền, vận động các nghệ nhân tham gia công tác bảo tồn văn hóa. Ông cũng là một trong những người đồng khởi xướng tổ chức hoạt động giao lưu hát thường rang, bộ mẹng, hát đúp giao duyên ở cơ sở để tạo hiệu ứng lan tỏa, từ đó thắp lửa tình yêu đối với dân ca Mường. Đến nay, nhóm sưu tầm, nghiên cứu đã đứng ra tổ chức hàng chục cuộc giao lưu, tập hợp, thống kê được trên 300 nghệ nhân hát dân ca; ghi hình ảnh, thu âm, quay video lưu giữ được trên 1.000GB dữ liệu.

Không chỉ lưu giữ nếp nhà sàn, ông Nỏm còn sưu tầm nhiều hiện vật có giá trị, tạo không gian văn hóa gần gũi với cuộc sống sinh hoạt đời thường. Ấn tượng nhất trong ngôi nhà là dàn chiêng Mường với hầu hết là chiêng cổ, bộ lịch tre cỡ lớn được treo và bày trí ở một góc trang trọng. Bên cạnh đó là góc hiện vật phong phú, chủ yếu được ông dành kinh phí sưu tầm, như sanh, chum, chén vại rót rượu, bát ăn, con thoi dệt vải làm bằng sừng trâu từ trăm năm trước, hay những chiếc rương đựng quần áo, bồ đựng thóc vẫn được ông sử dụng hàng ngày. Gian bếp củi chứa đựng nhiều hiện vật xưa cũ như chiếc kiềng bằng sắt, gác bếp làm bằng những gióng tre già, cuốp (chõ) đồ xôi bằng gỗ…

Nhiều người còn biết đến ông Nỏm trong vai nghệ sĩ nhiếp ảnh nghiệp dư. Thuần túy bằng niềm đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh cùng tình yêu mảnh đất, con người Mường Vang, ông đã cùng bạn đồng hành là chiếc xe máy dream cũ rong ruổi khắp các thôn xóm, bản làng, đặt chân đến nhiều dẻo cao ghi lại những hình ảnh sinh động về phong cảnh đẹp, đời sống kinh tế, xã hội, những bước chuyển mình ở các vùng quê. Đặc biệt là những hình ảnh dân dã, thân quen trong tập quán, sinh hoạt đời thường của người dân bản Mường, những di sản văn hóa phi vật thể được cộng đồng Mường bảo tồn, phát huy như: mo Mường, trình tấu chiêng Mường, hát dân ca, trò chơi dân gian đánh mảng… 

Người con đất Mường đam mê nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc trải lòng: Tôi luôn có khát khao cháy bỏng dành tâm sức của mình góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Mường. Bên cạnh việc sưu tầm các hiện vật quý trong khả năng cho phép, tôi tiếp tục cùng nhóm sưu tầm tư liệu di sản văn hóa dân tộc Mường. Tôi cũng ấp ủ dự định tới đây thực hiện một số bộ ảnh giới thiệu nét văn hóa, các phong tục, tập quán của người Mường Vang như: gói bánh chưng ngày Tết, quy trình làm rượu cần, làm cơm, dệt vải… như một cách để lưu giữ, qua đó nhắc nhở, giáo dục con cháu về tình yêu, ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc Mường.


Lạc Bình

Các tin khác


Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Sáng năng động, sáng tạo 

Cô Khương Thị Thanh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Sáng, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) là người có nhiều sáng kiến, tác động tích cực đến công tác dạy và học trong ngành GD&ĐT tỉnh.

Nữ Liên đội trưởng với thành tích học tập xuất sắc

Là Liên đội trưởng của Trường TH&THCS Vụ Bản (Lạc Sơn), em Phạm Minh Phương không chỉ năng nổ, nhiệt huyết trong công tác đội mà còn là một học sinh gương mẫu, đạt nhiều thành tích học tập xuất sắc.

Khởi nghiệp từ mô hình nông nghiệp sạch

Sinh ra và lớn lên tại xã Tú Lý (Đà Bắc), chị Đinh Thị Thường (sinh năm 1993) là một trong những người trẻ quyết định từ bỏ cơ hội phát triển ở đô thị để trở về xây dựng và phát triển kinh tế tại quê hương. Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp - dịch vụ và cung ứng thực phẩm Đà Bắc không chỉ là mô hình khởi nghiệp đầy hoài bão của cá nhân chị, mà còn thu hút sự tham gia của các thành viên với quyết tâm cùng nhau phát triển chuỗi nông nghiệp sạch tại vùng cao Đà Bắc.

Cử nhân Luật bỏ phố về với sóng nước lòng hồ hiện thực hóa giấc mơ giúp dân thoát nghèo

Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội loại khá nhưng không chọn ở lại chốn đô thành phồn hoa, năm 2017, chàng cử nhân Quách Công Lượng (sinh năm 1994) đã thu dọn hành lý gói trọn trong chiếc ba lô để trở về với mênh mang sóng nước lòng hồ...

Những ngày tháng Tư không quên của người lính đặc công xứ Mường

Cả đời binh nghiệp, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Bùi Xuân Hình đã trải qua nhiều trận đánh khốc liệt. Trong đó, ký ức về những ngày đánh chiếm và giữ cây cầu trên xa lộ Sài Gòn để mở đường cho đại quân tiến vào giải phóng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông.

Hội viên nông dân khởi nghiệp thành công từ nghề may

Anh Bùi Văn Huy sinh năm 1985 tại xã Bảo Hiệu, một trong những xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Anh luôn trăn trở tìm hướng đi đúng để phát triển kinh tế ngay tại quê hương, giúp người dân địa phương cải thiện đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Với suy nghĩ đó, vợ anh là người biết nghề may nên anh đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi rồi trở về quê hương gây dựng mô hình khởi nghiệp. Anh Huy chia sẻ: "Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước được các cấp, các ngành phát động, đặc biệt là thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng may gia công tại gia đình, ban đầu với 4 máy may. Đến nay mở rộng diện tích lên khoảng 350m2, với 80 máy may công nghiệp. Xưởng nhận may gia công sản phẩm gấu bông cho các công ty may tại tỉnh Ninh Bình, Thái Bình. Qua đó tạo việc làm thường xuyên cho 5 người trong gia đình. Vào những lúc thời vụ, gia đình thuê thêm 75 nhân công, mức lương từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục